Trong một buổi tọa đàm về kỹ năng giáo dục con thời hiện đại, chị Lý (mẹ của bé Tùng, nhà ở quận 3, TP HCM) cho biết, vợ chồng chị rất bối rối về thói quen của đứa con trai duy nhất. "Đánh con thì thương mà không đánh không được. Nhiều khi cháu xem tivi quên cả ăn uống. Tôi lo lắm, liệu cháu có bị nghiện không?", người mẹ trẻ bày tỏ.
Cũng chỉ vì con quá mê xem phim truyền hình, dạo gần đây anh Hoàng (Bình Thạnh, TP HCM) phải cất tivi vào một tủ riêng rồi khóa lại. Mỗi ngày anh chỉ mở cho con xem khoảng một tiếng đồng hồ sau khi ăn cơm tối xong. Theo anh, đó là cách duy nhất để kiểm soát và "cách ly" bé với thế giới ảo.
Anh bảo nhiều lúc cũng băn khoăn: "Có hôm thấy con mè nheo đòi xem hoạt hình mình cũng thương, nhưng phải kiên quyết thôi biết đâu mà chiều chúng được. Trẻ con xem tivi nhiều chỉ tổ hại".
Trẻ xem tivi nhiều dễ bị cận thị, các tế bào thần kinh bị ảnh hưởng… Ảnh: Thi Trân. |
Không phải ai cũng thành công khi cấm con xem tivi như anh Hoàng. Như trường hợp vợ chồng chị Thu, dù đã tìm mọi cách không cho con xem tivi nhưng được vài bữa cậu bé lại tìm được cách "lách luật". "Cứ khóa tủ vài bữa cháu lại biết được chỗ giấu chìa khóa rồi tự mở tủ bật tivi xem khi ba mẹ không có nhà. Vợ chồng tôi la mắng con hoài cũng chẳng ăn thua gì", chị nói.
Thạc sĩ Phạm Thị Thúy, cố vấn chuyên môn Hội quán các bà mẹ TP HCM cho biết, các nhà khoa học từng đưa ra cảnh báo, tình trạng "ngồi đồng" xem tivi có hại cho sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ em.
Tác hại đầu tiên dễ nhận thấy nhất là mắt trẻ dễ bị cận thị, các tế bào thần kinh cũng bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, do ngồi một chỗ, ít vận động nên tác phong chậm chạp, dễ béo phì… Lâu dần, bé sẽ trở nên thụ động trong giao tiếp. Ngoài ra, trẻ còn bị ảnh hưởng xấu khi xem chương trình của người lớn, đặc biệt phim tình cảm dễ dẫn đến dậy thì sớm, quan tâm đến chuyện yêu đương sớm.
Những biểu hiện dễ nhận thấy bé thích xem tivi và xem tivi quá nhiều như: Xem quá hai giờ mỗi ngày, xem liên tục không tự nghỉ, khi cha mẹ bắt ngừng thì tỏ ra khó chịu, bứt rứt không yên và không thiết tha với bất cứ trò chơi nào khác.
Theo bà Thúy, để hạn chế tình trạng đó, trước hết, các bậc cha mẹ nên lấy chính mình làm tấm gương, tránh xa tivi để cho trẻ quen dần với môi trường ấy. Cơ bản, vai trò của phụ huynh rất quan trọng khi giúp con điều chỉnh các thói quen, bởi cha mẹ là những người gần gũi nhất, có tác động mạnh nhất tới trẻ. Trong trường hợp thấy trẻ quá "nghiện" xem tivi, cần có biện pháp "cai" từ từ chứ không nên vội vàng. Việc ngăn cấm ngay lập tức sẽ tạo nên những phản ứng xấu từ trẻ (bỏ ăn, cãi lại, bướng bỉnh thậm chí thu mình trong phòng, tự tử).
Trẻ chỉ có thể bớt xem tivi nếu cha mẹ tạo ra nhiều hoạt động hấp dẫn hơn. Chẳng hạn: Tổ chức trò chơi cho cả nhà, đi chơi ngoài trời (thú nhún, công viên), thăm anh em họ hàng, bạn bè có con nhỏ cùng tuổi con mình để giao lưu, vui chơi. Cha mẹ cần quan tâm, nói chuyện với con về các nhu cầu của cháu. Cố gắng vừa nói chuyện vừa đùa vui. Các trò chơi vui vẻ giữa cha mẹ và con rất cần cho sự phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần của trẻ. Các hoạt động này cũng giúp bé quên dần tivi.
Không phải các chương trình truyền hình hoàn toàn xấu. Vì thế không nên cấm tuyệt đối. Việc cha mẹ cần làm là quy định rõ với trẻ được xem tivi giờ nào trong ngày, thời gian bao lâu và theo dõi có thưởng phạt kịp thời cho trẻ. Tốt nhất chỉ nên cho trẻ xem tối đa một lần trong ngày, không quá 30 phút mỗi lần; vào dịp hè và ngày nghỉ được xem hai lần trong ngày. Đối với trẻ dưới hai tuổi tốt nhất không cho xem tivi.
Tất nhiên, khi áp dụng biện pháp trên không nên máy móc quá. Nếu trẻ đang xem dở một chương trình yêu thích mà không tốn quá nhiều thời gian, cha mẹ nên kiên nhẫn cho trẻ xem hết và trừ giờ cho những lần xem sau. Cách này tốt hơn là bắt trẻ tắt tivi khi đang xem chương trình hay. Cách ứng xử mềm dẻo, linh hoạt của cha mẹ sẽ giúp bé cảm thấy thêm gần gũi và biết nghe lời cha mẹ hơn.
Một kinh nghiệm hay là quy định giờ bật - tắt tivi. Khi trẻ bắt đầu mở tivi, cha mẹ hãy chỉ lên đồng hồ và nói cho các cháu biết được xem 30 phút. Đến chính xác thời điểm nào là phải tắt tivi. Khi gần đến giờ "giới nghiêm", phụ huynh hãy nhắc: “Năm phút nữa hết giờ nhé!” để các cháu không bị hụt hẫng khi bị tắt tivi.
"Cha mẹ cũng nên cùng xem tivi với bé để định hướng chương trình nào nên xem, đồng thời trao đổi với con về những chương trình ấy. Qua những câu chuyện, trò chơi, hoạt động trên tivi, cha mẹ có thể lồng vào những bài học giá trị sống, kỹ năng sống cho trẻ. Chẳng hạn xem chương trình truyện cổ tích, cha mẹ cùng trẻ rút ra bài học bổ ích như sự trung thực, lòng thương người…", bà Thúy đúc kết.
Thi Ngoan