Nhiều trẻ sơ sinh nhập viện do viêm phổi vì bố mẹ bọc quá kỹ.
Viêm phổi nặng vì quấn quá chặt
Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai thường xuyên cấp cứu cho các cháu bé sơ sinh 1 đến 2 tháng tuổi bị viêm phổi nặng do sai lầm từ việc chăm sóc của cha mẹ là chính. Có những trường hợp khi vào cấp cứu, bác sĩ kết luận viêm phổi trong sự ngỡ ngàng của gia đình.
Bé Nguyễn H. A. 2 tháng tuổi trú tại Thanh Xuân, Hà Nội đã nhập viện trong tình trạng bỏ bú, ngủ li bì suốt. Khi gia đình phát hiện đưa đi khám bệnh, bác sĩ thấy bé cứ xỉu dần đi nên cho nhập viện ngay. Kết quả xét nghiệm máu không thể được vì máu chứa quá nhiều màu vàng như mỡ. Bác sĩ nghi ngờ rối loạn lipit máu và viêm phổi nặng.
Mất cả tháng trời các bác sĩ Bạch Mai đã tiến hành nhiều phác đồ điều trị và các loại kháng sinh tốt nhất. May mắn cháu bé đã hồi phục.
Gia đình của bé H.A không tin rằng con bị viêm phổi vì bé không có triệu chứng ho, sốt, thở khò khè nên khi vào viện anh chị vẫn nghĩ rằng bé bị rối loạn tiêu hóa do bỏ bú.
Con chị Nguyễn Thị Hà trú tại Phủ Lý, Hà Nam cũng thế. Bé sinh vào tháng 2 vừa qua. Sinh ra khỏe mạnh, bú khỏe. Tuy nhiên đến đầu tháng 4 bé bắt đầu bỏ bú, tri giác chậm và suốt ngày chỉ thích ngủ.
Chị Hà cho biết thấy con bỏ bú và ngủ nhiều, mọi người bảo đó là bình thường vì bé đói thì mới bú. Chỉ đến khi con xỉu đi anh chị đưa con đến bệnh viện khám. Bác sĩ ở Bệnh viện nghe phổi không thấy tiếng ran như vẫn gặp ở các bé bị viêm phổi khác. Khi chụp phổi thấy bé bị viêm phổi nặng nên gia đình bệnh nhân đều hoảng hốt.
Cả nhà bé xin chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai điều trị, bác sĩ chẩn đoán viêm phổi. Phải mất cả tháng điều trị bé mới khỏe mạnh lại.
Chị Hà cho biết từ khi sinh con ra, lúc nào chị cũng sợ con lạnh, kể cả khi vào đầu mùa nóng. Ngoài lớp quần áo còn có một chiếc khăn bông để ủ cho bé. Nhiều lần thấy con nóng toát mồ hôi, chị Hà chỉ nghĩ mồ hôi trộm của bé.
Nhiều phụ huynh hại con
PGS Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đặc điểm viêm phổi trẻ dưới 2 tháng tuổi có triệu chứng không đặc hiệu, nặng lên rất nhanh. Nhiều gia đình không phát hiện ra do viêm phổi không có triệu chứng đặc hiệu, không ho, không sốt, mà lại có triệu chứng chung như bú kém, ngủ li bì như triệu chứng của thần kinh nhưng lại là viêm phổi nặng.
PGS Dũng cho rằng cái khó khi phát hiện đứa trẻ dưới 2 tháng bị viêm phổi mà gia đình không phát hiện ra là vì đặc điểm của người Việt Nam cứ bọc kín các cháu nên không phát hiện được lồng ngực di động từ thở nhanh đến thở chậm. Người ta chỉ bế cháu đến viện khi bú kém, ngủ li bì nhưng lúc đó là viêm phổi rất nặng.
Gần đây bệnh viện tiếp nhận cả 3 cháu dưới 2 tháng tuổi đều như vậy. Như trường hợp của bé H. A kỳ thực chữa khỏi bệnh phổi thì các triệu chứng khác hết theo.
Đối với các bệnh ở trẻ sơ sinh nói chung và phổi ở trẻ sơ sinh rất khó chẩn đoán, diễn biến nhanh. Triệu chứng không điển hình của các bé nhiều khi khó cho gia đình có thể xác định con có bị ốm không để đưa đến khám. Đối với bác sĩ, phải chẩn đoán được để đi đúng hướng, tập trung vào phổi để chữa đúng thì bệnh mới tiến triển.
Hầu như những trường hợp bé này bác sĩ có nghe phổi cũng không phát hiện ra viêm phổi hay không vì lúc này phổi yếu. Khí vào phổi ít nên không nghe được. Trường hợp nghe được thì phổi phải như quá bóng khí vào nhiều mới nở, nghe phổi mới thấy viêm phổi. Những trường hợp này, với kinh nghiệm lâu năm bác sĩ có thể nghi ngờ viêm phổi và chụp phổi thì đều thấy phổi mờ trắng.
PGS Dũng cho biết, đối với trẻ nhỏ, cha mẹ không được quấn quá chặt, buộc kỹ làm cho bé dễ bị viêm phổi vì mồ hôi không thoát được lại thấm ngược. Bác sĩ Dũng khuyên cha mẹ nên để trẻ mặc thoáng mát.