Thói quen quyết định rất lớn đến việc hình thành tính cách, lối sống lành mạnh của trẻ trong tương lai. Nếu thói quen tốt, trẻ sẽ phát triển toàn diện theo hướng tích cực. Ngược lại, có những thói quen xấu sẽ đi theo trẻ đến suốt cuộc đời, và gây nên những ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình khôn lớn của trẻ.
Trong hành trình nuôi dạy con, bố mẹ phải rèn luyện được tính kiên nhẫn và tập trung. Bởi vì những đức tính này sẽ giúp bố mẹ quan sát và dành sự quan tâm cho con chặt chẽ nhất. Trường hợp trẻ hình thành những thói quen xấu, sự can thiệp kịp thời của bố mẹ có thể thay đổi tương lai sau này của trẻ.
Trên thực tế, có những thói quen tạo nên tác động lớn đến tâm lý của trẻ. Chẳng hạn như bặm môi, cắn môi hay cắn móng tay,... Khi trẻ cảm thấy lo lắng hay căng thẳng về một vấn đề nào đó, thói quen này lập tức sẽ được “kích hoạt”. Càng về lâu dài, các tật xấu trên của trẻ sẽ càng khó sửa. Vì vậy, bố mẹ cần phải giúp trẻ thay đổi nó càng sớm càng tốt.
Liên quan đến vấn đề này, chị Giai Kỳ (sống ở Trung Quốc) cũng chia sẻ câu chuyện của mình. Chị có cô con gái 5 tuổi tên là Nhược Nhược. Gần đây, chị Giai Kỳ phát hiện tật cắn móng tay của con gái ngày càng nặng hơn. Mặc dù trước đó, cô bé đã có biểu hiện này, nhưng tần suất mỏng hơn so với hiện tại. Giờ thì có vẻ tật xấu cắn móng tay của Nhược Nhược đã phát triển mạnh mẽ hơn, giống như bị nghiện.
Thậm chí, có lúc vùng da quanh móng bị rỉ máu, nhưng cô bé vẫn tỏ ra rất bình thản, không hề có chút biểu cảm đau đớn và tiếp tục hành vi cắn móng tay của mình. Chị Giai Kỳ đã nhiều lần tìm phương pháp để giúp con gái loại bỏ thói quen xấu này, nhưng lần nào cũng đều “phí công vô ích”.
Nhận thấy tính quan trọng của sự việc, chị Giai Kỳ đã sắp xếp để đưa con gái đến khám bác sĩ vào cuối tuần. Tuy nhiên, toàn bộ chỉ số kiểm tra sức khỏe của Nhược Nhược đều cho ra kết quả tốt. Bác sĩ cảm thấy cô bé không phải đang gặp vấn đề về thể chất, vì vậy đã đề nghị mẹ Nhược Nhược đưa đến bác sĩ tâm lý.
Thật bất ngờ, tại đây chị Giai Kỳ đã biết được sự thật về tình trạng của con gái từ cuộc nói chuyện riêng với bác sĩ, sau khi ông có một khoảng thời gian tâm sự cùng Nhược Nhược. Thì ra, nguyên nhân là xuất phát từ lỗi lầm của vợ chồng chị. Khi ở nhà, chị đã thường xuyên để cô bé nhìn thấy cảnh bố mẹ bất hòa. Bởi vì cảm thấy lo lắng và sợ hãi, nên Nhược Nhược đã thực hiện hành vi cắn móng tay để tự trấn an mình.
Những lời tâm sự non nớt của cô bé, khiến vị bác sĩ rất bất lực: “Đừng đối xử với đứa trẻ như vậy. Nếu như vợ chồng chị không thể chăm sóc tốt cho cô bé, hãy ly hôn đi”.
Lúc này, chị Giai Kỳ cảm thấy rất xấu hổ và vô cùng hối hận vì đã không làm tròn bổn phận của một người mẹ tốt. Chị đã không suy nghĩ được thấu đáo rằng, cuộc hôn nhân không hạnh phúc của chị đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đứa trẻ. Ban đầu, khi các cuộc cãi vã xảy ra thưa thớt, vợ chồng chị còn chú ý tránh mặt con. Nhưng càng ngày, sự việc càng diễn ra với tần suất dày hơn nên vợ chồng chị đã mặc kệ và không còn quan tâm đến việc con cái có chứng kiến hay không?
Thực tế, những hành vi hằng ngày của bố mẹ đều có sự tác động đến trẻ, bởi vì bố mẹ có mối quan hệ gần gũi với trẻ nhất. Vậy nên, việc cẩn trọng trong “lời ăn tiếng nói” và cử chỉ, hành động của bố mẹ là rất cần thiết. Nếu bố mẹ xảy ra cãi vã, xung đột thì chắc chắn sẽ để lại những ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý và quá trình hình thành tính cách của trẻ trong tương lai.
Trẻ thường mang tâm lý bất an, lo lắng
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, những đứa trẻ được nuôi dạy trong một gia đình không hạnh phúc thường sẽ gặp các vấn đề về tâm lý. Việc phải chứng kiến bố mẹ bất hòa với tần suất cao sẽ khiến trẻ hình thành tâm lý bất an, sợ hãi.
Luôn có một sự khác nhau rất lớn, giữa một đứa trẻ nhận được tình yêu thương, chăm sóc từ bố mẹ và một đứa trẻ kém may mắn hơn khi không cảm nhận được hơi ấm từ gia đình. Thực tế đã đưa ra một kết quả “bất di bất dịch” rằng, đứa trẻ nào được bố mẹ giáo dục trong môi trường đầy đủ tình yêu thương sẽ luôn phát triển tốt hơn so những đứa trẻ nằm trong trường hợp ngược lại.
Dù là trẻ ở độ tuổi nào, nếu phải thường xuyên sinh hoạt trong không khí gia đình bất hòa, ngột ngạt vì những lời qua tiếng lại, cãi vã to tiếng của bố mẹ thì trẻ sẽ cảm thấy căng thẳng và vô cùng mệt mỏi. Thậm chí nếu tâm lý này kéo dài, trẻ sẽ dễ mắc bệnh stress hay trầm cảm. Điều này sẽ khiến cho trẻ không thể tập trung, cạn kiệt dần năng lượng và đối mặt với chứng rối loạn giấc ngủ vào ban đêm.
Ngoài ra, nhiều đứa trẻ còn hình thành tư tưởng bản thân chính là nguyên nhân khiến bố mẹ cãi nhau. Bởi vì câu nói: “Nếu nó không được sinh ra” được bố mẹ lặp đi lặp lại khi cãi nhau nhau, đã vô tình làm tổn thương trẻ. Sự sợ hãi bị bố mẹ bỏ rơi bất kỳ một lúc nào đó, khiến trẻ luôn mang tâm lý bất an và không có cảm giác an toàn trong chính ngôi nhà của mình.
Trẻ thường có cảm giác bất an khi bố mẹ xảy ra cãi vã, bởi vì trẻ sợ bố mẹ sẽ bỏ rơi mình.
Sự uy nghiêm của bố mẹ bị phá vỡ
Đối với trẻ, bố mẹ không chỉ là người nuôi dưỡng mà còn là “hình mẫu” để trẻ trở thành trong mai sau. Vì thế, trong mắt trẻ thì bố mẹ là những người trẻ ngưỡng mộ, tin tưởng và tôn trọng nhất. Bởi vì trẻ từ 3-5 tuổi chưa đủ nhận thức để phân biệt đúng sai, nên trẻ luôn mặc định mỗi hành vi hay lời nói của bố mẹ đều đạt mức độ chuẩn xác cao.
Mặc dù nhận thức còn đang trong quá trình hoàn thiện, nhưng khả năng bắt chước của trẻ lại diễn ra mạnh mẽ. Hầu hết đứa trẻ nào cũng có thể quan sát, ghi nhớ và thực hiện lại hành vi giống y nguyên người mà nó “sao chép” rất nhanh.
Vì vậy, nếu bố mẹ nghiêm túc, trẻ cũng sẽ học hỏi một cách nghiêm túc. Ngược lại, nếu bố mẹ có những hành vi hay lời nói chưa đứng đắn, trẻ cũng sẽ bắt chước sử dụng điều đó. Dần dần trong tương lai, “hình tượng” tốt đẹp của bố mẹ trong mắt trẻ sẽ biến mất, sự uy nghiêm cũng sẽ bị phá vỡ và thay vào đó là những hình ảnh xấu được khắc ghi trong tâm trí của trẻ.
Nếu bố mẹ để tình trạng trên xảy ra mà không có sự thay đổi, chấn chỉnh thì việc giáo dục trẻ sau này sẽ vô cùng vất vả. Vì khi niềm tin và sự tôn trọng dành cho bố mẹ mất đi, mọi sự dạy dỗ đối với trẻ đều sẽ không có tác dụng.
Hình tượng tốt của bố mẹ sẽ bị phá vỡ, khi bố mẹ thể hiện thường xuyên hành vi tiêu cực trước mặt trẻ.
Quan điểm về hôn nhân, tình cảm gia đình bị lệch lạc
Thực tế, quan điểm của đứa trẻ sống trong gia đình hạnh phúc với đứa trẻ sống trong gia đình bất hoà về hôn nhân và tình cảm gia đình có sự khác nhau rất lớn. Một bên xem hôn nhân, gia đình là nơi nuôi dưỡng tâm hồn, còn một bên lại xem nó chính là “địa ngục”.
Nguyên nhân bởi vì, khi một đứa trẻ nhìn thấy bố mẹ bất hoà thường xuyên, những hình ảnh và tư duy tiêu cực đã in sâu vào trong tiềm thức. Có nhiều đứa trẻ lớn lên đã từ chối việc xây dựng hôn nhân, gia đình, chỉ vì không thể thoát ra nỗi ám ảnh trong quá khứ với những trải nghiệm vô cùng tồi tệ. Và trẻ không muốn “thước phim hãi hùng” đó lại một lần nữa quay trở lại.
Không chỉ dừng lại ở đây, tâm lý này còn dẫn đến việc nhận thức sai lệch về giá trị của bản thân ở trẻ. Trẻ sẽ mang tâm lý tự ti vào chính mình và cho rằng bản thân chưa thực sự hoàn hảo nên mới không thể nhận được những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Chỉ những đứa trẻ giỏi giang, tài năng và xinh đẹp thì mới xứng đáng yêu và nhận được tình yêu từ mọi người.
Những trải nghiệm ở một gia đình không hạnh phúc, thường khiến trẻ có tư tưởng sợ hãi đối với vấn đề hôn nhân và gia đình khi lớn lên.