Con gái tôi sinh năm 2018, hiện cháu được 6 tuổi và chuẩn bị bước vào lớp 1 vào tháng 9 tới đây. Rút kinh nghiệm từ các bà mẹ đi trước, từ cuối năm ngoái tôi đã bắt đầu cho cháu đi học tiền tiểu học và kéo dài cho tới tận bây giờ để hy vọng cháu có thể theo kịp bạn bè hoặc hơn một chút khi thực sự bước vào lớp 1. Kỳ thực nếu để đến khi vào lớp 1 mới bắt đầu học thì theo nhiều người là không kịp cho cả mẹ lẫn con, ai cũng vất vả.
Ảnh minh họa
Thế nhưng tôi khá đau đầu vì đi học 7-8 tháng trời mà cháu không đạt được kết quả tốt đẹp là mấy. Tiếng Việt giờ vẫn chưa đọc và viết chỉn chu, sai chính tả rất nhiều, các số thì cũng toàn sai. Cứ cái đà học như thế này thì tôi rất lo lắng khi con chính thức vào lớp 1.
Chính vì thế tôi đã yêu cầu cháu ngoài việc học tại lớp tiền tiểu học, mỗi tối con phải dành thời gian 1-1,5 tiếng ngồi tự học trong phòng các kiến thức mà cô giáo giảng dạy. Sau khi xong xuôi việc nhà cửa tôi sẽ vào phòng cùng cháu học. Thế nhưng đúng là đã học kém thì chẳng có hứng thú với việc học hành nên ngày nào con cũng trong tình trạng phải giục giã, học chống đối.
Nhiều tối liền vào phòng kiểm tra xem con gái học đến đâu tôi phát hiện con chỉ ngồi chơi, đọc truyện hay đã lên giường đi ngủ từ 9h tối. Hỏi con thì bé viện nhiều lý do:
- Con mệt quá nên ngủ quên mất.
- Không có mẹ con không biết học làm sao.
Ảnh minh họa
Rồi nhiều lần cứ nói:
- Nhà bên cạnh ồn ào quá con không chú tâm học được.
Tôi giải quyết từng lý do con đưa ra để hy vọng bé không còn chối vòng quanh nữa. Vì thế ngay hôm sau tôi đã sang nhà bên cạnh để mong họ yên lặng một chút. Tôi bấm chuông cửa nhiều lần nhưng không có ai ra mở cửa, xuống hỏi bảo vệ tôi mới được biết: hóa ra nhà bên cạnh đã chuyển đi 1 tháng nay rồi. Vậy cớ làm sao con tôi luôn nói "nhà bên cạnh quá ồn ào con không chú tâm học được?"
Sau nhiều lần con gái viện cớ như vậy, tôi mới ngẫm ra:
- Là con lấy cớ như thế để không phải học đúng không? chứ mẹ đã sang nhà bên cạnh rồi, nhà đó đã chuyển đi từ rất lâu nhưng sao con luôn lấy cớ như vậy?
Con bé lặng thinh không nói gì. Và ngay buổi tối hôm đó tôi đã ngồi học cùng con ngay từ 8h tối và phát hiện chẳng có nhà nào làm ồn khiến con không học bài được cả mà bé luôn viện lý do này lý do khác để từ chối học.
Ảnh minh họa
Tôi thật chẳng biết làm sao để con gái mình thay đổi, có hứng thú với học hành nữa. Bằng không chỉ còn vài tháng nữa là bắt đầu học lớp 1 rồi nhưng con gái tôi vẫn chưa theo kịp được bạn bè thì không biết phải làm sao.
Tâm sự từ độc gia nguyenhuong...
Trẻ ở lứa tuổi chuyển giao từ mẫu giáo lên tiểu học chưa thực sự nghiêm túc trong việc học hành là điều bình thường và hay xảy ra. Bởi khi này đa phần trẻ còn có tâm lý thích chơi hơn, ghét việc phải ngồi một chỗ để học bài. Bên cạnh đó, trẻ càng không đạt được kết quả như mong muốn, thua thiệt so với bạn bè thì càng không tìm được niềm vui trong học tập. Do đó các bậc cha mẹ phải chủ động giúp con khắc phục "bệnh" lười học:
Rèn luyện tính tự lập ngay từ nhỏ
Ở mỗi lứa tuổi sẽ có những hoạt động phù hợp để con tự làm, tự trải nghiệm ngay từ nhỏ. Việc xây dựng cho con tính tự sớm sẽ rèn luyện con tự chủ trong mọi việc, không ỷ lại vào người khác và biết chịu trách nhiệm với hành động của mình.
Cân đối thời gian giữa học tập và vui chơi
Không phải cứ học nhiều là con sẽ tiếp thu được hết tất cả. Con cần được nghỉ ngơi và giải trí một cách hợp lý để khôi phục năng lượng.
Vì vậy, cha mẹ hãy cùng con xây dựng một thời gian biểu hợp lý cho việc học và giải trí. Nhờ vậy, con mới không sợ hãi khi phải học quá nhiều, con sẽ thoải mái và yêu thích việc học hơn.
Giúp con tìm thấy niềm vui trong việc học
Có rất nhiều cách để con tìm được niềm vui và sự hứng thú trong việc học. Ví dụ: việc học phải có sự tương tác trao đổi để không bị nhàm chán, học cùng bạn bè, có sự thi đua, được khen ngợi khi việc học đạt kết quả tốt…