Tôi hiện vẫn đang làm mẹ đơn thân của một cô con gái 13 tuổi. Tôi và chồng cũ ly hôn khi con mới lên 3, 10 năm qua một mình tôi nuôi dạy con và gây dựng sự nghiệp, chồng cũ như "mất tăm mất tích" không đoái hoài đến con gái cũng không chu cấp gì. Rất may công việc kinh doanh của tôi tốt nên tôi cũng không cần tiền từ anh ta, chỉ mong anh gặp con gái chút, cho con chút tình cảm cha con nhưng điều đó thật hiếm hoi.
Sau 10 năm đơn chiếc nuôi con tôi đã từng thù ghét đàn ông, nghĩ sẽ không bao giờ lấy chồng hay yêu thêm một ai nữa. Cho đến khi tôi gặp chồng sắp cưới của tôi hiện giờ, anh là một Việt kiều Úc, sinh sống chủ yếu bên Úc và gia đình anh cũng ở bên đó. Anh chỉ về Việt Nam để làm việc và quen biết tôi cũng nhờ các mối quan hệ làm ăn.
Ảnh minh họa
Một người đàn ông trẻ hơn tôi 3 tuổi, tình cảm, ấm áp và đặc biệt anh thể hiện rằng rất yêu mến cô con gái của tôi, muốn cùng tôi chăm sóc cho con gái suốt những ngày tháng sau này. Anh thậm chí còn nói:
- Nếu em không muốn có thêm con nữa thì cũng không cần đẻ thêm nữa cũng được. Với anh con gái của em cũng là con gái của anh, vậy là đủ rồi.
Chính sự chân thành của anh đã chiếm được trái tim tôi và chúng tôi đang có kế hoạch sẽ cho hai bên gia đình gặp gỡ và tổ chức đám cưới vào cuối năm nay. Thế nhưng sự thật đã được chính con gái tôi phát hiện ra và chia sẻ với mẹ, ban đầu tôi đã không thể tin được vì tôi lỡ yêu anh quá nhiều rồi. Nhưng mọi chứng cứ đã buộc tôi phải tin.
Chẳng là con gái tôi bình thường cũng rất quấn quýt và mến chồng sắp cưới của mẹ. Tuy nhiên đó là khi tôi và anh ấy còn đang yêu nhau. Vào một hôm, khi tôi chia sẻ dự định sẽ tổ chức đám cưới với anh ấy vào cuối năm nay, con gái tôi phản ứng gay gắt:
- Mẹ đã suy nghĩ kĩ chưa mẹ, mẹ mới quen chú ấy được vài tháng thôi mà, mẹ đã tìm hiểu kĩ về chú ấy chưa?
- Đương nhiên là mẹ tìm hiểu kĩ rồi mới đi đến quyết định này chứ con. Con yên tâm về quyết định của mẹ nhé.
Ảnh minh họa
- Con không thể yên tâm được, con nghĩ rằng thời điểm này là chưa thích hợp đâu, mẹ muốn yêu cứ yêu, tìm hiểu cứ tìm hiểu nhưng nếu cưới thì đừng vội mẹ ạ.
- Nói như thế nghĩa là con không đồng ý khi mẹ cưới thêm chồng?
- Không phải con không đồng ý cho mẹ cưới chồng mà là con chỉ muốn nhắc nhở mẹ tìm hiểu kĩ hơn về chú ấy thôi chứ đừng để sau này hối hận rồi ly hôn như khi cưới bố.
- Con đừng nhắc đến bố của con nữa, người đàn ông đó là sai lầm lớn nhất cuộc đời mẹ và chắc chắn sẽ không có người đàn ông thứ hai được quyền bước vào cuộc đời mẹ.
Giữa hai mẹ con sau đó diễn ra một cuộc tranh cãi khá gay gắt và con gái quyết phản đối, thậm chí công khai giận tôi nếu tôi vẫn còn ý định tổ chức đám cưới với người yêu hiện tại. Tuy nhiên cô bé lại không nói rõ lý do tại sao.
Hai mẹ con tôi giận nhau vài tuần liền, con bé từ chối nói chuyện với tôi và có thái độ khác hẳn với chồng sắp cưới của mẹ, thậm chí nhiều hành động, lời nói có thể nói là vô lễ. Trong lúc nóng giận, tôi đã thẳng tay tát con gái một cái khiến đứa trẻ bỏ sang nhà bà ngoại 2 ngày không nói chuyện với tôi.
2 ngày sau đó con bé trở về nhà và muốn cùng tôi có một cuộc trao đổi kĩ càng.
- Con không muốn làm mẹ buồn vì sau 10 năm mẹ mới quyết định yêu thêm một người nữa. Tuy nhiên con nghĩ rằng mình cần có trách nhiệm để nói ra sự thật này với mẹ. Rằng con phát hiện chú ấy không thật như mẹ con ta nghĩ, chú ấy không giàu, cũng không phải là Việt kiều Úc gì đâu. Con bắt gặp chú ấy trong một quán cafe, chính tai con nghe những lời đó từ cuộc trò chuyện của hai người. Chú ấy chỉ muốn đến với mẹ vì tài sản mẹ có mà thôi.
- Con thật buồn cười, nếu con không muốn mẹ lấy chồng thì hãy nói thẳng chứ đừng nói xấu về người khác như thế con ạ, mẹ có dạy con thế đâu. Mẹ biết về chú ấy nhiều hơn con đó, không có tiền sao chú có ô tô đi, mua cho mẹ nhiều đồ hiệu và cả con luôn có những món đồ đắt tiền?
- Tất cả là giả tạo mà thôi, mẹ đã bao giờ xem thử những thứ chú tặng cho mẹ con ta thực sự đắt tiền chưa?
Ảnh minh họa
Nói xong, con bé chạy vào tủ của tôi lấy 1 chiếc túi hiệu có giá hơn 250 triệu đồng mà anh mới tặng cho tôi tuần trước, con bé mang vào trong bồn rửa mặt và dìm xuống nước. Cảnh tượng lúc ấy khiến tôi choáng váng, màu xanh được nhuộm cho chiếc túi dần nổi lên trên mặt nước sau đó tràn khắp cả bồn nước. Điều đó cho thấy chiếc túi này đúng là hàng giả.
- Mẹ đã tin con chưa, mẹ có cần kiểm chứng tất cả chiếc túi khác nữa không?
Nói xong, con bé cầm 2-3 chiếc túi nữa cùng thực hiện lại cảnh như vậy mà quả thực, kết quả y như nhau. Tôi quá sốc không biết phải nói gì, ngồi bệt xuống đất.
Con gái cũng ngồi xuống rồi nói:
- Đó là con chưa kể cho mẹ những gì mà chú ta đối xử với con khi không có mẹ ở bên cạnh không hề tốt như cách chú ta diễn trước mặt mẹ đâu. Con không muốn mẹ đau khổ thêm một lần nào nữa nên đã rất khó khăn khi nói ra những điều này...
Lời con gái văng vẳng bên tai nhưng đôi tai tôi đã ù đi từ lúc nào nên cũng chẳng nghe rõ nữa. Chẳng phải tôi đã bị lừa sao, suýt chút nữa còn làm hại con gái của mình nữa. Bộ mặt thật của người chồng tôi định cưới quả thật là như thế sao? Bao nhiêu câu hỏi hiện hữu trong đầu tôi và nỗi ân hận lớn nhất của tôi chính là đã không nghe lời con gái từ đầu, nhiều khi còn bỏ qua cảm nhận của con, lời nói của con mà mù quáng nghe theo tình yêu...
Tâm sự từ độc giả phuonganhdao...
Khao khát tìm được hạnh phúc, tình yêu mới của những ông bố bà mẹ đơn thân là điều dễ hiểu và không có gì sai khi quyết định tiến thêm một bước nữa. Tuy nhiên trước khi đi đến quyết định này cha mẹ nên xem xét nhiểu khía cạnh khác nhau, trong đó con cái chính là điều tiên quyết.
Bởi thực tế, không phải em bé nào cũng hiểu chuyện và chấp nhận được việc mẹ (cha) sẽ tái giá mà có những phản ứng tâm lý và hành động bất ngờ. Dưới đây là một số lời khuyên dành cho các bà mẹ rơi vào tình trạng này.
Chuẩn bị tâm lý cho con như thế nào khi mẹ (Cha) có ý định tái giá?
Hãy cho con làm quen với người đồng hành tương lai của mẹ: Trước tiên mẹ (cha) hãy cho con làm quen với người mình định tái giá theo những cách tự nhiên nhất như: Đi chơi, đi ăn uống cuối tuần với một nhóm bạn bè, hãy để ý và tạo ấn tượng tốt cho trẻ để chúng tự cảm nhận được mọi thứ… Thi thoảng hỏi con rằng “con thấy chú A có tốt bụng không?”, “con có thích chú B không?”...
Hãy cho con thêm thời gian chấp nhận, đừng vội vàng: Trẻ nhận thức được sự thay đổi cuộc sống và trong tâm thức chúng thấy nhiều mối lo sợ và bất ổn, đây là một quyết định quan trọng của cuộc đời vì vậy mẹ (cha) hãy xây một cái cầu thang tâm lý theo từng bậc một, dần dần và tuyệt đối không được vội vàng. Dành thời gian nói chuyện, tâm sự với con và đừng quát nạt, bắt ép con phải làm thế này, thế kia với bố dượng/mẹ kế tương lai…
Hứa với con rằng không có chuyện mẹ (cha) sẽ bỏ rơi con: Không phải chỉ có bé gái mà cả bé trai cũng không muốn mẹ tái giá vì tâm lý sợ mất, sợ bị chia sẻ, đặc biệt khi con còn nhỏ và chưa thể độc lập làm mọi việc. Mẹ (cha) đi bước nữa rồi sẽ có con cái riêng, con chung con riêng khiến trẻ cảm thấy lo lắng, thậm chí có những phản ứng tiêu cực như trầm cảm…
Hãy hứa với con rằng không bao giờ có chuyện mẹ (cha) bỏ rơi con khi có con cái riêng của họ, vì con cũng là con của mẹ (cha), nên mẹ (cha) tất nhiên sẽ yêu thương con hết đời. Cần phải chia sẻ cùng con, tạo cho con niềm tin rằng cha mẹ luôn bên con dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Đặt mình vào vị trí của con để thấu hiểu: Không chỉ có con cái mới cần cảm thông cho mẹ (cha) khi họ đi tìm hạnh phúc riêng mà mẹ (cha) cũng cần thấu hiểu cho tâm trạng, suy nghĩ của các con. Khi mẹ tái hôn, con càng cần được quan tâm chăm sóc nhiều hơn trước, các em cần có một gia đình riêng nhỏ bé. Do đó, cho con có cơ hội được lựa chọn việc đi chơi cùng ai, có thể gặp gỡ bố ruột, mẹ ruột hay không… chính là sự tôn trọng cần thiết của mẹ (cha) dành cho con khi tái giá.