Hôm qua, tôi vô tình có đọc được tâm sự của một bà mẹ về vấn đề Nuôi con bực quá đôi khi cũng phải đánh con và cảm thấy vô cùng thông cảm với bà mẹ này. Nhiều người cho rằng cha mẹ thất bại mới đánh con để ép bé ăn. Tuy nhiên tôi nghĩ, đó là do họ chưa ở vào hoàn cảnh của một bà mẹ có con biếng ăn.
Bước sang tuổi thứ 2, nhưng con gái tôi mới được 12,5kg. So với những đứa trẻ trong xóm, bé thấp và nhẹ cân hơn hẳn. Đành rằng con thỉnh thoảng bỏ bữa, tôi sẵn sang cho nhịn. Vậy nhưng bỏ bữa nguyên một tuần liền không thấy đói thì liệu có bà mẹ nào còn dám dửng dưng? Trẻ nhỏ ham chơi không thích ăn thì nếu không có vài lần đòn roi “cho nhớ”, liệu lần sau con có ăn ngoan? Mẹ chồng và chồng đều không hiểu cho tôi, họ trách mắng tôi không biết chăm con.
Bé Bông từ bé vốn đã không chịu ăn, dù cả nhà có bày cách nào thì cũng không thay đổi được gì. Mỗi sáng tôi đều phải đánh vật hơn tiếng đồng hồ với bé, quát tháo la mắng đủ kiểu con mới chịu ăn. Do phải đi làm, nên bữa trưa ở nhà của bé sẽ do mẹ chồng phụ trách. Nhưng cách mà mẹ chồng cho con ăn tôi không đồng ý với kiểu chiều con như vậy. Trẻ sẽ “được đằng chân lân đằng đầu”. Mỗi bữa lại phải bế con đi rong hết nhà nọ đến nhà kia, mấy tiếng đồng hồ mới ăn được bát cơm. Làm thế tôi thấy vô cùng xầu hổ với bà con lối xóm.
Mặc kệ ai nói mẹ thất bại mới phải đánh con, tôi chỉ cần con ăn ngoan, đàng hoàng hết bát cơm thì đánh vài lần cho nhớ cũng được. (ảnh minh hoạ)
Do con bé quen được bà nội bế đi ăn như thế, nên cứ đến bữa lại đòi đi, nhất quyết không chịu ngồi yên một chỗ để ăn. Ngồi vào bàn, con đã không chịu ăn còn nghịch ngợm, không chịu để mọi người ăn ngon miệng. Mỗi lần như vậy, tôi lại phải dùng tới “biện pháp mạnh”. Nhìn con thỉnh thoảng bị mẹ quát, doạ đánh đến vừa ăn vừa mếu tôi cũng đau lòng lắm. Nhưng không làm thế, thử hỏi có xong được bữa cơm?
Để tránh ảnh hưởng tới bữa ăn cả nhà, tôi thường phải bón cho Bông ăn trước. Đến giờ ăn, mẹ thì lăm lăm cây roi, con thì khóc thút thít, ầm ĩ cả nhà. Có lần tôi nghe mẹ chồng nói với bố chồng tôi rằng “đi làm mãi chẳng sao, về đến nhà là ầm ĩ”. Bà thậm chí đã từng giành con khỏi tay tôi và nói “để tôi cho nó ăn, chị làm nó khóc hết nước mắt rồi. Nó còn nhỏ biết cái gì mà la mắng nó, lúc này nó không muốn ăn thì tí bón tiếp, ép quá làm gì”. Tôi cũng rất buồn. Nhưng rồi lại nghĩ, tôi có thể mang tiếng người mẹ xấu, không được vừa mắt mẹ chồng nhưng tôi phải tập cho con đi vào quy củ, không phải muốn gì cũng được, chiều con quá là hại con.
Mẹ chồng đã vậy, ngay cả đến chồng cũng không ủng hộ tôi. Anh tán thành với cách cho con đi ăn rong của mẹ, hơn nữa còn mua rất nhiều đồ chơi cho con, chỉ cần con chịu ăn thì sẽ có quà cho con. Tôi nói với chồng làm thế là hại con, chứ không phải giúp con, không rèn cho con ăn uống tử tế thì sau này đi mẫu giáo làm sao cô giáo chỉ quan tâm đến một mình con mình được. Rồi đến lúc đấy, người chịu thiệt chỉ có con mình thôi. Anh thản nhiên đáp “sau này cho con học trường tư, học lớp ít người, rồi mỗi tháng “tận tình” nhờ cô giáo giúp đỡ”.
Không biết khuyên chồng và mẹ chồng ra sao, tôi chỉ biết dạy con theo cách của tôi. Có buổi tối, lúc tôi đang cho con ăn, chồng đi làm về thấy cảnh con khóc, nhất quyết không chịu ăn. Anh quay ra mắng tôi “cô làm mẹ kiểu gì mà suốt ngày mắng con thế hả, có mỗi việc cho con ăn cũng không xong”. Lúc đấy, tôi cảm thấy rất ấm ức, không ai đứng về phía tôi, ai cũng chỉ trích tôi.
Nhìn con mình vâng lời, chịu khó ăn thì bà mẹ nào cũng thích. Tôi cũng muốn không cần dùng đòn roi, không cần thúc ép, không cần mắng mỏ mà con vẫn ăn ngon, ăn giỏi. Chỉ những người mẹ có con biếng ăn mới hiểu tâm trạng này của tôi. Tôi sợ khi phải nghe mẹ chồng nói “cô không sợ cứ mắng con thế, sau này nó ghét cô ah?”. Tôi sợ lắm chứ, rất sợ là đằng khác, nhưng tôi chỉ muốn tốt cho con. Liệu tôi có thể làm gì hơn?
Theo tâm sự của độc giả Nguyễn Lê Thanh (Thành Công, Hà Nội)