Từ một cô bé nhỉ nhảnh vui tươi, suốt ngày nô nghịch vui vẻ; thế mà dạo này bé Vy nhà chị Thu Hạnh (Thanh Xuân, Hà Nội) bỗng ít cười, ít nói và cứ khép mình lại. Không ai biết lý do tại sao, ngay cả cô giáo của Vy cũng gọi điện về nhà lo lắng: "Bình thường con bé học tập hăng hái lắm, luôn luôn giơ tay phát biểu ý kiến trước lớp; các hoạt động khác con cũng hào hứng tham gia; nhưng giờ ngày nào đến lớp Vy cũng chẳng nói chẳng rằng, thậm chí các bạn rủ đi chơi cũng lắc đầu im lặng". Cô giáo còn có ý dò hỏi xem ở nhà có xảy ra chuyện gì không mà bé trở nên như vậy, nhưng chị Hạnh lắc đầu: "Vợ chồng tôi lúc nào cũng gần gũi, yêu thương con và cố gắng tạo không khí vui vẻ cho bé. Chưa bao giờ trước mặt con mà chúng tôi có lời lẽ nặng nề hay tỏ ra không hài lòng về điều gì..."
Vậy là cả phụ huynh, cả cô giáo cứ vắt óc tìm lý do mà không ra; còn bé Vy thì tình trạng ngày càng nặng nề hơn. Đến mức chị Hạnh phải đưa con đi khám và điều trị với bác sĩ tâm lý, vì không thể chịu đựng thêm khi thấy con càng ngày càng ủ rũ, lặng lẽ mà không biết nguyên nhân vì sao.
Nhiều mẹ "cùng cảnh ngộ"
Cùng tâm trạng lo lắng như chị Hạnh, chị Lam (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: "Thật đau đầu quá, bố mẹ đã bận bịu bù đầu bù cổ thì chớ, mà đã phải cố gắng tạo điều kiện tốt nhất cho con học hành, vui chơi rồi; Mình cũng không hề làm gì ảnh hưởng đến con, thậm chí nhiều khi bố mẹ giận nhau lắm mà trước mặt nó vẫn phải tươi cười. Thế mà bỗng nhiên con lại đờ đẫn cả người, suốt ngày nhốt mình trong phòng, bố mẹ gặng hỏi là òa lên khóc. Thật chẳng biết làm sao nữa nên đành đưa con đến bác sĩ tâm lý thôi...". Chẳng là bé Thùy Anh con chị Lam cũng bỗng nhiên trở nên ủ rũ, thay vì là cô bé năng động, hay nói hay cười như trước đây.
Khác với chị Hạnh và chị Lam, anh Quang (Hoàng Mai, Hà Nội) thì nhăn nhó: "Thằng Tồ nhà tôi dạo trước ngoan lắm, nhiều khi thấy con còn hiền lành quá mức đâm ra lo lo. Thế mà bây giờ - anh Quang chỉ vào cậu bé đang dùng chân đá mạnh một cách túi bụi vào chiếc salon gần đó với vẻ mặt "câng câng" - nó nghịch ngợm và phá phách kinh khủng, bố mẹ nói gì cũng "bơ" luôn. Anh kể thêm: "Ở nhà, hơi phật ý 1 tí là con quăng sách vở, quần áo, thậm chí là đang ăn cũng ném mạnh bát đĩa vào tường. Vợ chồng tôi cũng sắp phát điên vì con mất thôi!"
Nhiều bố/ mẹ thấy con bỗng nhiên "thay tính đổi nết" mà bất lực vì không biết nguyên nhân vì sao. Cuối cùng, đành lắc đầu tặc lưỡi đưa con đi khám tâm lý thì lại tá hỏa khi phát hiện ra nguyên nhân chính là từ... bố mẹ!
Lỗi tại người lớn
Chỉ đến khi trò chuyện với bác sĩ sau khoảng thời gian dài điều trị cho con, chị Hạnh mới hốt hoảng vì biết nguyên nhân thực ra là do chính vợ chồng chị. Hóa ra, điều chị Hạnh không ngờ tới, là dù cả hai đã rất "ý tứ" trước mặt con, tức là mỗi lần cãi vã đều xảy ra khi con đã ngủ, hoặc trong phòng riêng,... chứ trong bữa cơm hay lúc chơi cũng con, anh chị luôn "diễn" để bé thấy rằng bố mẹ đang hết sức vui vẻ (dù đang có chiến tranh "ngầm" xảy ra). Thế mà vẫn không qua mắt được bé Vy. Bác sĩ điều trị cho bé kể lại: "Có lần cháu khóc nức nở và kể rằng: "Con đang ngủ thì thấy bố quát mẹ, sau đó mẹ cũng quát lại, rồi 2 người bắt đầu ầm ĩ lên. Bố mẹ cãi nhau không giống như khi ở lớp bọn con vẫn hay cãi nhau đâu, con sợ lắm!!..." Rồi cháu còn kể: "Có lần con chạy lên phòng để chơi với bố mẹ, thì thấy bố tát mẹ rất đau rồi mẹ ôm mặt khóc...""
Bố mẹ cãi vã có ảnh hưởng xấu tới trẻ. (Ảnh minh họa)
Vậy là trong khi bố mẹ không hề biết điều gì, bé Vy đã bị tổn thương tâm lý rất nặng. Không chỉ là sợ hãi, lo lắng, mà con còn thất vọng khi biết được sự thật là bố mẹ chỉ "giả vờ" trước mặt bé, mà thực tế lại không phải như vậy.
Cũng tương tự như bé Vy, bé Thùy Anh cũng có dấu hiệu trầm cảm do thường xuyên chứng kiến cảnh bố mẹ - vì rất nhiều lý do như công việc, kinh tế,... - mà thường xuyên cãi vã. Dù anh chị cũng "giấu diếm" con rồi nhưng do tình cờ, bé phát hiện được và từ đó chú ý đến bố mẹ hơn. Rồi bé cũng khám phá ra rằng bố mẹ mình không hề hòa thuận như vẫn tỏ ra trước mặt con cái. Lâu dần, con mới sinh ra buồn bã, chán nản, thất vọng và sợ hãi, nên mới có biểu hiện như vậy. Cũng may chị Lam còn đưa bé đi khám sớm và điều trị tâm lý, nếu không, bác sĩ nói sẽ mất rất nhiều thời gian để "đưa" con trở về trạng thái tâm lý bình thường.
Còn bé Tồ nhà anh Quang thì lại rơi vào trường hợp đặc biệt hơn. Vì anh chị nghĩ con nhỏ chưa hiểu gì nên cứ vô tư cãi nhau trước mặt bé. Nhiều lần giận quá anh quát tháo to tiếng, nặng lời, thậm chí còn đập phá đồ đạc. Những hành động đó cứ hằn vào đầu óc con ngày qua ngày, từ lúc bé chưa nhận thức được gì đến khi đã lớn hơn. Kết quả là con bị "nhiễm" những hành động đó từ bố mẹ. Đó là lý do vì sao con anh trước kia rất hiền và ngoan, giờ sinh ra cục cằn, dễ nổi nóng và hay phá đồ đạc.
Đừng "diễn" trước mặt con
Gia đình là một mối quan hệ chặt chẽ và liên kết với nhau bằng sợi dây tình cảm vững chắc, chứ hoàn toàn không phải là vỏ bọc của sự đầm ấm, hòa thuận. Vì thế, thay vì cố tạo ra không khí gia đình vui vẻ một cách "ngụy trang", bố mẹ nên làm cho điều đó trở thành sự thật. Vẫn biết, trong mỗi gia đình, sự cãi vã là điều không thể tránh khỏi. Nhưng thay vì to tiếng, đập phá hay "động chân động tay", bố mẹ nên học cách hết sức kiềm chế để giải quyết vấn đề. Điều đó thực sự không hề dễ dàng chút nào, nhưng mẹ phải luôn nhớ rằng, con trẻ bị ảnh hưởng cực kì lớn với điều đó.
Việc thường xuyên chứng kiến bố mẹ cãi nhau gây ra nhiều hậu quả khôn lường cho trẻ. Con sinh ra buồn bã, sợ hãi, thất vọng, chán nản,... rồi xấu hổ với bạn bè. Thậm chí nhiều bé sinh ra trầm cảm, có bé thì trở nên hung hăng, phá phách do bị ảnh hưởng từ hành động của chính bố/ mẹ mình. Vì vậy, điều mấu chốt để không làm ảnh hưởng tới tâm lý của trẻ lúc này, là bố mẹ phải có cách giải quyết vấn đề bình tĩnh, hợp lý để con học theo; thay vì cãi vã um sùm khiến bé bị tổn thương.