Trẻ nhỏ càng lớn càng rõ ràng về nhận thức và sự nhạy cảm hơn bố mẹ nghĩ. Chính vì như thế mà bố mẹ nói gì, làm gì cũng sẽ đều được trẻ quan sát và ghi nhớ để có thể phát triển thành hành vi của bản thân trong tương lai. Đây được gọi là tâm lý bắt chước, noi gương mà hầu như đứa trẻ nào cũng có. Dĩ nhiên con trai tôi cũng không ngoại lệ.
Vợ chồng tôi mới chỉ có một mụn con sau 10 năm hôn nhân, đứa trẻ năm nay 8 tuổi và đang học tiểu học. Ngoài gia đình 3 người thì suốt 2 năm nay, nhà tôi còn có thêm thành viên nữa là bố chồng. Chúng tôi đón ông lên ở cùng để tiện cho việc chăm sóc, vì bố chồng tôi tuy chỉ mới 60 nhưng sức khoẻ không được như những người đồng trang lứa.
Ảnh minh hoạ.
Kể từ khi mẹ chồng mất, ông ở một mình dưới quê nên chồng tôi đã ngỏ lời đón bố lên phố ở với gia đình tôi. Vừa đi làm, vừa nuôi dạy con trai và lo cho bố chồng, ngày nào ngày nấy tôi đều bận rộn đến tối cả mặt mày. Một năm trở lại đây ông nội của con trai thường xuyên bệnh, khi trái gió trở trời là đau ốm triền miên, lại hay lẫn lẫn quên quên nên việc chăm sóc lại càng vất vả, khó khăn hơn với tôi.
Nhiều lúc quá tải công việc nên tôi không thể chu toàn mọi thứ, cứ hay để bố chồng ở nhà một mình với sức khoẻ hiện tại tôi cũng không an tâm, nên đã có ý định bàn với chồng về việc đưa ông vào viện dưỡng lão. Ban đầu chồng tôi kịch liệt phản đối vì cho rằng làm như thế là bất hiếu. Nhưng sau khi nghe tôi phân tích thì dần dần anh cũng xuôi theo.
Ảnh minh hoạ.
Tối ngày hôm qua trong lúc hai vợ chồng tâm sự với nhau trong phòng ngủ về kế hoạch này, không biết con trai nhỏ của tôi đã nghe lén được gì mà bất ngờ tiến vào phòng bố mẹ và nói:
- Bố mẹ định đưa ông đi đâu ạ, tại sao ông không ở với mình nữa, tại sao ông phải vào viện dưỡng lão ạ! Con không muốn xa ông đâu, tội ông lắm mẹ ạ!
- Bố mẹ sẽ đưa ông vào viện dưỡng lão để ông có nhiều người chăm sóc tốt hơn, ở trong đó ông sẽ không phải ở một mình như ở nhà mình con ạ! Bố mẹ đều muốn tốt cho ông thôi! Dạo này ông sức khoẻ yếu, cứ nhớ nhớ quên quên, bố mẹ bận rộn không thể suốt ngày ở bên chăm sóc ông được.
Nghe tôi nói thật, thằng bé với vẻ mặt buồn rầu, hờn dỗi đáp:
- Nếu bố mẹ không chăm ông được thì có thể để con phụ không, con sẽ làm điều đó chỉ cần bố mẹ để ông sống ở nhà mình với con, bố mẹ đừng đưa ông đi đâu cả ạ!
- Không được đâu con trai, con còn phải đi học, vả lại con còn nhỏ như thế thì chăm ông thế nào. Con yên tâm, ở viện dưỡng lão có nhiều người giống ông lắm, ông sẽ có bạn chứ không buồn đâu. Khi ông bà lớn tuổi, về già đều sẽ được con cháu đưa vào viện dưỡng lão để tiện chăm sóc đấy con trai!
- Vậy khi bố mẹ về già con cũng sẽ đưa bố mẹ vào viện dưỡng lão giống ông đúng không ạ? Bố mẹ sẽ vui khi ở trong đó đúng không ạ?
Ảnh minh hoạ.
Trước câu hỏi của con trai, tôi như chết lặng vì không biết phải trả lời như thế nào. Lúc này tôi chợt như thức tỉnh và cảm thấy hối hận với quyết định này của mình dành cho bố chồng. Cả chồng tôi và tôi đều trầm lặng rất lâu sau cuộc trò chuyện với con trai.
Hoá ra ở độ tuổi này con hoàn toàn nhận thức được mọi việc bố mẹ làm, và chắc chắn đứa trẻ cũng sẽ nhìn vào đó để học theo. Tôi bắt đầu lo sợ mỗi một lựa chọn của bản thân ở hiện tại, đều có thể được lặp lại trong tương lai bởi chính con trai của mình. Nếu lựa chọn sai thì sẽ như thế nào, giờ thì tôi đã thực sự hiểu vì sao nhiều người đều nói "con cái là bản sao của bố mẹ". Bố mẹ muốn con trở thành đứa trẻ như thế nào thì bản thân bố mẹ phải là người như thế.
Vậy nếu tôi muốn dạy con trai lớn lên biết hiếu thuận với ông bà và bố mẹ, có phải chính tôi cũng phải làm gương không...?
Tâm sự từ độc giả philinh...@gmail.com
Từ tình huống trên có thể thấy, cách bố mẹ đối nhân xử thế hàng ngày với những người xung quanh quyết định rất lớn đến cách con trẻ đối xử với bố mẹ và với người khác. Để nuôi dạy con trưởng thành là người hiếu thuận, quan trọng nhất vẫn là bố mẹ làm gương.
Bài học về tính hiếu thuận với ông bà, bố mẹ là bài học quan trọng trẻ nên được dạy ngay khi con còn nhỏ. Để có thể giúp con rèn luyện, trau dồi đức tính tốt đẹp này thì bố mẹ cần làm những điều sau:
- Tăng cường giáo dục: Bố mẹ có thể truyền đạt giá trị và ý nghĩa của tính hiếu thuận thông qua việc giảng dạy, gợi mở câu chuyện và ví dụ trong cuộc sống hàng ngày của gia đình. Đồng thời, bố mẹ cũng nên khuyến khích con tham gia vào các hoạt động xã hội như tình nguyện để trẻ có cơ hội được cảm nhận, thấu hiểu và tích cực trau dồi tính hiếu thuận trong cộng đồng.
- Bố mẹ làm gương: Không có một bài học nào hiệu quả bằng việc bố mẹ làm gương để con quan sát, học hỏi và bắt chước theo. Bố mẹ có thể tạo ra một môi trường gia đình yêu thương và hỗ trợ, nơi mà tính hiếu thuận được đặt lên hàng đầu và thực hành hàng ngày. Bằng cách làm gương cho con, bố mẹ tạo ra một hình mẫu tích cực để con học hỏi và noi theo.
- Dạy con cách thể hiện lòng biết ơn: Bố mẹ hãy dạy cho con cách thể hiện lòng biết ơn khi nhận được sự giúp đỡ hoặc những điều tốt đẹp từ người khác. Việc dạy con nói "cảm ơn" và biết thể hiện lòng biết ơn thông qua các hành động như viết thư, vẽ tranh hoặc tặng quà,... sẽ giúp con nhận thức, cũng như biết trân trọng những đóng góp của người khác.
- Khuyến khích con giúp đỡ và chăm sóc ông bà: Bố mẹ hãy tạo cơ hội cho con tham gia vào các hoạt động giúp đỡ và chăm sóc ông bà như làm việc nhà, hoặc thực hiện các nhiệm vụ nhỏ mà ông bà giao cho. Khi con tham gia vào những hoạt động này, con sẽ nhận ra giá trị của việc biết giúp đỡ và chăm sóc người thân trong gia đình, từ đó rèn luyện tính hiếu thuận.