Rối loạn phổ tự kỷ - cần được hiểu đúng
“Rối loạn phổ tự kỷ là một rối loạn phát triển tâm lý làm chậm sự phát triển về khả năng ngôn ngữ, hành vi, học tập, tương tác xã hội… của trẻ. Trẻ tự kỷ có thể trở nên nhạy cảm hơn hoặc kém nhạy cảm hơn với những kích thích bên ngoài.” - Tư vấn chuyên môn từ ThS. BSNT Đỗ Trọng Thiện (chuyên khoa Tâm lý & Sức khỏe Tâm thần - BV Đa khoa Hồng Ngọc).
Theo Tổ chức Y tế Thế Giới WHO ước tính: cứ 100 trẻ sẽ có 1 trẻ mắc tự kỷ, với số lượng bé trai mắc cao gấp 4 lần so với bé gái. Hiện nay, không nhiều phụ huynh có thể nhận biết được việc con mình bị tự kỷ. Đa phần các cha mẹ chỉ biết về bệnh với các dấu hiệu: “trẻ thường ngồi một chỗ”, “ít giao tiếp”, “không thích nói chuyện”,... Điều này dẫn đến các phán đoán sai lầm về tình trạng của con. Ngoài ra, một số phụ huynh vẫn còn chủ quan, ít quan sát, ít dành thời gian cho con,... nên không ngờ tới việc con mình bị tự kỷ.
Trẻ tự kỷ gặp khó khăn khi tương tác, giao tiếp với mọi người và bị hạn chế khả năng vận dụng trí tưởng tượng.
Trẻ tự kỷ nếu phát hiện muộn sẽ mang đến nhiều tổn thương cho gia đình đồng thời khiến cho việc can thiệp trở nên khó khăn, tốn kém hơn hoặc không còn hiệu quả nữa. Do vậy, việc tầm soát sớm tự kỷ là vô cùng quan trọng giúp trẻ được can thiệp kịp thời bằng các phương pháp giáo dục đặc biệt.
Chuyên gia hướng dẫn cách nhận biết trẻ tự kỷ từ 12 tháng tuổi
Các dấu hiệu tự kỷ có thể đã bộc lộ sớm từ 12 - 18 tháng tuổi. Từ mốc thời gian này, chuyên gia tâm lý đã có thể phát hiện thông qua phương thức thăm khám, xét nghiệm gen bằng mẫu nước bọt hoặc các bài test tâm lý thông dụng: DENVER, M-CHAT, ADHD...
Ngoài ra, cha mẹ cũng nên chủ động theo dõi các dấu hiệu bất thường của trẻ để kịp thời đưa trẻ tới thăm khám với bác sĩ chuyên khoa. Theo ThS. BSNT Đỗ Trọng Thiện - chuyên gia tâm lý trẻ em với gần 10 năm kinh nghiệm, các dấu hiệu tự kỷ có thể đã xuất hiện sớm mà cha mẹ vô tình bỏ qua là:
- 12 tháng tuổi: trẻ không nói bập bẹ. Trẻ cũng không biết chỉ ngón tay/ hoặc không có các cử chỉ, điệu bộ giao tiếp phù hợp.
- 16 tháng tuổi: trẻ không sử dụng được các từ đơn đúng ngữ cảnh.
- 24 tháng tuổi: trẻ không nói được câu 2 từ hoặc nói chưa rõ.
Ngoài các dấu hiệu kể trên, cha mẹ nên theo dõi thêm các biểu hiện của con thông qua các tiêu chí: tương tác xã hội, giao tiếp bằng lời và không lời, hành vi rập khuôn, lặp đi lặp lại,...
- Tương tác xã hội: trẻ ít giao tiếp bằng mắt, ít khi phản hồi lại khi được gọi tên, ít cười, ít đáp lại và để ý tới thái độ của người khác. Ngoài ra, trẻ ít hoặc không có điệu bộ tay khi chào, khi tạm biệt, khi lắc đầu; kém chú ý môi trường xung quanh khi được yêu cầu hoặc không yêu cầu. Trẻ cũng gặp khó khăn khi hiểu về cảm xúc, nét mặt người khác.
- Giao tiếp: có thể có các kỹ năng giao tiếp khác nhau ở trẻ tự kỷ. Với tình trạng trẻ nói tốt, trẻ có thể hay nói nhại lời, nói ngược, diễn đạt kém, hoặc chỉ nói khi có nhu cầu thiết yếu,... Một số ít trẻ còn lại thì rất ít nói, hoặc hoàn toàn không nói.
- Hành vi lặp lại: trẻ thường có các hành vi định hình như kiễng gót, quay tròn người, lắc lư, cho tay vào miệng, chạy qua lại hoặc nhảy lên nhảy xuống. Trẻ có thể thích nhìn các chuyển động có hoạt động lặp lại như: quay bánh xe, quay đồ chơi, đóng mở nhiều lần,... Trong tình trạng này, trẻ thường an tâm hơn khi ở trong môi trường ít biến đổi; thường chống đối lại các sự thay đổi bằng hành vi bạo lực (ăn vạ, ném đồ, đập đầu, cắn hoặc đánh người,...).
- Rối loạn đi kèm: tăng động, rối loạn điều hòa cảm giác, hành vi tự kích thích bản thân, hành vi tự làm đau hoặc hành vi gây hấn khi trẻ tức giận,...
Tự kỷ không thể “tự khỏi” được. Vậy nên các bậc phụ huynh cần quan sát và theo dõi các dấu hiệu bất thường từ trẻ, để có phương án điều trị sớm và phù hợp hơn.
Can thiệp ngay thời điểm “vàng” mang lại kết quả vượt trội
Các dấu hiệu tự kỷ hoàn toàn có thể phát hiện sớm ngay từ khi còn nhỏ. Việc can thiệp ở thời điểm “vàng” giúp trẻ thu lại được kết quả vượt trội hơn so với việc phát hiện và điều trị muộn:
- Giảm thiểu các khiếm khuyết: bao gồm các khó khăn về giao tiếp và tương tác xã hội, các hành vi của trẻ,...
- Giúp trẻ đạt được kỹ năng thích ứng, tăng tính độc lập.
- Loại trừ, giảm thiểu các hành vi không mong muốn gây cản trở sự phát triển các kỹ năng cần thiết.
Cha mẹ nên cho trẻ tầm soát tự kỷ sớm từ 12 tháng tuổi để có kết quả can thiệp hiệu quả hơn
Cũng theo BS Thiện: “Việc can thiệp sớm đối với trẻ rối loạn phổ tự kỷ là vô cùng quan trọng. Giai đoạn 0-3 tuổi là “thời điểm vàng” để điều trị tâm lý, tăng tỉ lệ thành công, giúp trẻ dễ dàng hòa nhập xã hội, hạn chế sự kì thị không cần thiết.”
Do vậy, các bậc cha mẹ không nên giữ tâm lý chờ đợi trẻ sẽ tự khỏi và hy vọng “con lớn lên sẽ khác”. Điều này vô tình làm mất đi khoảng thời gian vàng, làm giảm cơ hội hồi phục sớm ở trẻ.