Có phải cháu mắc bệnh tăng động giảm chú ý (ADHD) không? Tôi ở Hà Nội thì nên cho cháu đi khám ở đâu? Cảm ơn chuyên gia. (Bích Huê)
Trả lời
Chào bạn,
Trường hợp của con bạn, có 3 vấn đề chúng tôi muốn chia sẻ với bạn:
Thứ nhất, theo như bạn nói, con trai 2 tuổi của bạn lúc nào cũng nghịch không chịu ngồi yên. Việc nghịch ngợm là điều thường thấy ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ trai, nhưng mức độ nghịch ngợm như thế nào và ảnh hưởng ra sao cần phải xác định rõ để có những chẩn đoán, can thiệp phù hợp.
Thông tin bạn đưa ra chưa đủ để chúng tôi có thể biết được tình trạng nghịch ngợm của con bạn có cần phải lo lắng hay không và liệu nó có liên quan đến chứng ADHD. Vì vậy, chúng tôi cung cấp cho bạn một số thông tin cơ bản nhất về chứng ADHD để bạn theo dõi xem bé có những biểu hiện này không. Nếu bé có nhiều biểu hiện triệu chứng này thì bạn cần đưa bé đi kiểm tra để xác định tình trạng của bé.
Ảnh minh họa: Sg.theasianparent.com. |
Các biểu hiện của chứng tăng động giảm chú ý (ADHD):
- Tăng vận động: Bé múa tay múa chân, chạy nhảy liên tục, đang làm việc này chuyển ngay sang việc khác. Ở lớp bé không thể ngồi yên một chỗ như các bạn khác và thường xuyên phải đụng vào bạn này, chọc phá bạn kia. Bé thường không lúc nào nghỉ ngơi tay chân.
- Giảm chú ý: Bé khó tập trung trong học tập, làm việc, sinh hoạt, kể cả lúc vui chơi. Bé dễ bị phân tâm bởi các kích thích xung quanh, không để ý nghe người khác nói chuyện, khó tập trung làm bài tập, hay để quên và làm thất lạc đồ đạc.
Hai biểu hiện này sẽ phối hợp và biểu hiện cùng nhau, mức độ thể hiện nhiều hay ít tùy từng trẻ. Có trẻ chủ yếu bị tăng động, có trẻ chủ yếu bị giảm chú ý.
Thứ hai, vấn đề con bạn vẫn chưa nói được từ nào và cũng chưa hiểu được các mệnh lệnh thông thường mặc dù bé đã 2 tuổi. Trẻ 2 tuổi, về ngôn ngữ trẻ có thể nói được khoảng 25 từ. Trong đó trẻ biết gọi tên người và đồ vật, dùng từ để chào tạm biệt, ít nhất 2 từ diễn tả hành động, từ để hỏi hay từ chối. Trẻ có thể bắt chước cụm 2 từ và không dùng một cách ngẫu nhiên. Người tiếp xúc với trẻ có thể hiểu câu nói của trẻ, ít nhất là 2/3… Như vậy, trường hợp con bạn 2 tuổi vẫn chưa nói được từ nào là có thể đánh giá rằng bé đang trong trường hợp nghi ngờ chậm phát triển ngôn ngữ.
Thông tin cuối cùng mà bạn đang quan tâm là bạn cần đưa con đi khám ở đâu? Với trường hợp của bé gia đình cần cho con đi khám tại các bệnh viện nhi khoa để kiểm tra lâm sàng về mặt y học xem có nguyên nhân nào về mặt cơ thể như cấu tạo bộ phận phát âm, đặc điểm của não, hệ thần kinh dẫn đến vấn đề chậm nói hoặc hành vi nghịch ngợm hiếu động của bé. Ngoài ra, bạn có thể đưa con đến các trung tâm hỗ trợ tâm lý để được các chuyên gia kiểm tra, đánh giá về mặt tâm lý xem bé có mắc phải rối nhiễu nào về mặt tâm lý, mức độ phát triển ngôn ngữ và có những tư vấn phù hợp để giúp bé phát triển tốt hơn.
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Quỳnh Trang
Chuyên gia tâm lý Trường mầm non Hoàng Gia