Đáng tiếc trong khi dạy con, ít phụ huynh quan tâm tới việc đào tạo con thành một con người mạnh mẽ. Còn nhớ thời bé, mỗi khi tôi bị ai bắt nạt về nhà khóc lóc, bố mẹ thường quát tôi, không phải vì tôi khóc mà vì tôi đã không biết cách ứng xử khi bị bắt nạt. Tất nhiên, bố mẹ không muốn tôi đánh nhau, bố mẹ chỉ muốn tôi mạnh mẽ dù là con gái. Người mạnh mẽ không phải là một người đanh đá, đầu gấu. Đó phải là người mà khó khăn không thể đánh gục họ. Đó là những người dám làm những điều tốt đẹp không ai dám làm. Vậy cách nào để đào tạo con trở nên mạnh mẽ?
Trước hết, cha mẹ đừng ngần ngại để con tự vượt qua khó khăn của chính mình
Cha mẹ thường có thói quen vội vàng nâng con lên khi con ngã lúc 2, 3 tuổi. Hành vi đó rõ ràng là do thương con nhưng lại khiến con càng dễ ăn vạ và trở nên yếu đuối. Thay vào đó, cha mẹ chỉ cần một câu nhắc nhở nhẹ nhàng: “Con đứng lên đi, con giỏi mà”, rồi ngồi chờ các bé tự đứng lên và tự nín. Điều đó sẽ khiến đứa trẻ không cảm thấy sợ hãi bởi bị vấp ngã lần sau. Cho dù xung quanh có cha mẹ hay không thì đứa trẻ vẫn có thể tự lo cho mình khi bị ngã.
Nếu bé ngã, hãy để bé tự đứng dậy. Ảnh: Việt Hưng. |
Khi con ăn, cha mẹ vì muốn nhanh chóng giải quyết bữa ăn của con đã nhanh tay xúc cho con cũng sẽ khiến con trở nên phụ thuộc. Những thìa cơm đầu tiên con xúc chắc chắn sẽ vụng về. Chỉ cần được luyện tập sớm và nhiều, các bé sẽ trở nên khéo léo hơn. Việc tập ăn này nên bắt đầu từ khi các bé biết ngồi, có thể ngồi vững trong ghế ăn. Ban đầu, cha mẹ sẽ xúc thêm cho con ngay khi con đang ngồi đó chọc chọc vào thức ăn. Sau khi con đã xúc khéo léo và gọn gàng, cha mẹ nên để con tự mình giải quyết nhu cầu ăn uống ấy.
Những đứa trẻ được bao bọc quá nhiều, lên cấp 2 vẫn chưa biết đặt cơm thì sẽ có tính phụ thuộc cực kỳ cao và rất yếu đuối. Bé nên được học những kỹ năng sống càng sớm càng tốt. Sử dụng dao, kim khâu, đi chợ, nấu ăn.... Tôi đã dạy cho con mình mọi kỹ năng tối thiểu nhất để tồn tại hoàn toàn độc lập khi cháu lên lớp 2. Bây giờ cháu học lớp 9, có những ngày bố mẹ đi công tác hết nhưng chúng tôi vẫn rất yên tâm nếu cháu ở nhà một mình qua đêm. Chẳng điều gì khiến cháu lo ngại và sợ hãi. Mọi vấn đề cháu đều giải quyết tốt mà không cần bất kể ai trợ giúp.
Thứ hai tạo cho con ý thức trách nhiệm. Một số ba mẹ khi không dụ con làm bài tập ở nhà được đã vội vàng đến xin cô, bịa ra lý do cháu mệt để không bị cô trách mắng. Đó là hành vi nói dối, chối tội, khiến đứa trẻ không chỉ thích thú với những hành vi xấu mà còn thiếu ý thức trách nhiệm với công việc. Tạo cho con ý thức trách nhiệm cũng là một phần để tạo ra con người mạnh mẽ. Trong cuộc sống sau này của trẻ, để hoàn tất trọn vẹn những trách nhiệm nhiều khi trẻ cần đến sự mạnh mẽ và quyết tâm.
Cuối cùng, các cha mẹ hãy đặt ra các thách thức để con tự giải quyết. Mỗi một công việc được xử lý ngon lành không có sự trợ giúp của người lớn sẽ giúp cho đứa trẻ trưởng thành hơn rất nhiều.
Tôi còn nhớ, sau khi tốt nghiệp đại học tôi nhận quyết định đi học một năm tại TP HCM. Lần đầu lên đường, tôi được mẹ đưa vào, gửi gắm người quen, mua sắm cho đầy đủ rồi mới ra về. Sau đó tôi đã trải qua một năm thật sự khó khăn, đọa đầy. Đói, nghèo bơ vơ một mình, nhiều lần trải qua những cơn ốm một mình, tự sắp đặt thời gian để học hành cho tốt… là liều thuốc chữa cho tôi căn bệnh yếu đuối. Sau một năm học như vậy, tôi đã hoàn toàn trở thành con người khác.
Các cha mẹ có thể nhận ra, để dạy con mạnh mẽ rất cần những thử thách từ nhỏ đến lớn. Dạy con kỹ năng sống, kỹ năng thoát hiểm, rồi tạo ra các thách thức cho con sẽ giúp con dần dần trưởng thành và mạnh mẽ.
Những đứa trẻ có cá tính mạnh mẽ thì mới có khả năng thành đạt, các cha mẹ đừng quên đào tạo con tính cách này.
TS Vũ Thu Hương
Giảng viên Khoa Tiểu học - ĐH Sư phạm Hà Nội