Bộ sách "Đồng dao dành cho trẻ mầm non" với những câu được cho là thiếu nghiêm túc hoặc không có tính giáo dục đang bị thu hồi và tiêu huỷ. Nhiều phụ huynh cho rằng sách có những nội dung không phù hợp với lứa tuổi mầm non. Cụ thể là hai bài Chơi vỗ tay và Ông Nhăng mà lấy bà Nhăng trong quyển 6 với những câu như: "Ở với ai?/ Ở với bà/ Bà gì?/ Bà ngoại/ Ngoại gì?/ Ngoại xâm/ Xâm gì?/ Xâm lăng..." hoặc "Ông Nhăng mà lấy bà Nhăng/ Đẻ được con rắn thằn lằn cụt đuôi/ Ông Nhăng bảo để mà nuôi/ Bà Nhăng đập chết đem vùi đống tro"...
Hai bài đồng dao trong bộ sách vừa bị thu hồi, được cho là không phù hợp với trẻ. |
Từ ngàn xưa, cha ông ta đã biết đến giá trị của những điệu hát, câu hò, tuy đơn sơ mộc mạc mà thấm đẫm tình người, đó cũng là những bài học sâu sắc về triết lý, nhân sinh quan và giá trị sống. Vì thế, với trẻ em, ngay từ lúc còn nằm nôi, các em đã được mẹ đưa vào giấc ngủ bằng những bài hát ru, những câu vè, với những lời lẽ êm ái chứa đựng các bài học giá trị làm người một cách nhẹ nhàng. Những câu thơ, lời hát này đi vào tâm thức các em, góp phần giúp các em hình thành nhân cách.
Bên cạnh đó, khi chơi đùa, trẻ em cũng được truyền miệng nhau những câu vè, đồng dao ngắn gọn, có vần có điệu, có khi ứng dụng cho trò chơi như bài Rồng rắn lên mây, có khi chỉ là những câu hát chơi: Ông giẳng ông giăng… Các bài đồng dao này vừa giúp cho các em vui vẻ hơn vừa giúp trẻ phát triển về trí nhớ và ngôn ngữ.
Với những ưu điểm ấy, cho dù đến nay, rất nhiều trò chơi dân gian và các bài đồng dao xa xưa không còn được truyền miệng cho trẻ, nhưng các bài đồng dao tân thời với những cách nói ngộ nghĩnh vẫn được trẻ em truyền miệng trong những buổi tụ họp. Tuy nhiên, bên cạnh những bài vè, đồng dao có ý nghĩa tốt đẹp, lại xuất hiện những bài đồng dao với những nội dung phản cảm mang yếu tố bạo lực hay vô nghĩa. Việc in ấn hay phổ biến những bài này đồng nghĩa với việc phổ biến tuyên truyền cho cái ác, cái xấu.
"Rồng rắn lên mây" - một trong những bài đồng dao - trò chơi gắn liền với tuổi thơ của nhiều người. Ảnh minh họa: Petrotimes. |
Trẻ em vốn ngây thơ, cho dù hiện nay nhận thức về xã hội hay tính cách của trẻ được xem là lanh lợi hơn xưa rất nhiều, nhưng về sự phát triển tâm lý, các em vẫn dễ dàng bị tiêm nhiễm những ngôn từ phản cảm nếu gia đình và nhà trường không có sự quan tâm cần thiết, nhất là với những bài đồng dao theo kiểu nối từ rất dễ nói.
Có thể khi nói cười, đọc cho nhau nghe những bài đồng dao vô nghĩa như vậy, hầu hết trẻ không hiểu gì, chỉ biết nói theo cho vui, nhưng các em sẽ ghi nhớ những từ này. Sau đó, trẻ có thể áp dụng chúng để phản ứng lại bằng những lời lẽ trả treo, không được lễ độ với người lớn hoặc dùng từ mà trẻ không hiểu rõ là gì.
Điều này cũng bộc lộ rất nhiều trong các từ lóng mà giới trẻ hiện nay sử dụng một cách thích thú, dù người nghe hay đọc không hiểu, thậm chí chủ nhân của những câu nói đó cũng chưa chắc là đã hiểu rõ nghĩa. Lâu dài hơn sẽ dẫn tới việc các em sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt một cách sai nghĩa hay vô nghĩa.
Khi nhận thấy con em mình sử dụng những bài đồng dao vô nghĩa, phản cảm đó, phụ huynh không nên la mắng hay cấm đoán, vì đôi khi điều đó lại càng làm cho các em chú ý để nhớ hơn và sẽ tiếp tục sử dụng khi không có mặt bố mẹ. Điều cần làm là người lớn nên tìm đọc hay sưu tầm những bài đồng dao đơn giản, có ý nghĩa để hướng dẫn trẻ rồi sau đó vui vẻ cùng chơi, cùng đọc với các em, hoặc ít ra là cho trẻ nghe những bài đồng dao có ý nghĩa tích cực để thay thế dần dần cho những câu nói vô nghĩa mà các em vô tình bị lây nhiễm.
Việc chọn lọc các loại sách có liên quan đến giáo dục hay các bài hát, đồng dao phù hợp với trẻ là một điều không đơn giản, nhất là với những gia đình bận rộn hay khả năng cảm nhận văn học của bố mẹ có phần hạn chế, nhưng lại là một điều cần thiết. Khi đi mua sách cho con, bố mẹ phải xem xét qua về nội dung. Về hình thức sách được in ấn cẩn thận trên giấy tốt, có tên của tác giả rõ ràng, có mục lục, có giấy phép và ngày tháng xuất bản đầy đủ. Nếu có thể được thì nên nhờ những người am hiểu giới thiệu và dĩ nhiên là nên chọn những nhà xuất bản có uy tín, hơn là những loại sách liên kết xuất bản với những nhà sách vô danh.
Đối với những loại sách kém giá trị thì chúng ta cần dứt khoát không tiếp nhận, vì không như những mặt hàng khác, nếu ta mua một sản phẩm giả, kém chất lượng thì chúng ta chỉ bị thiệt hại về kinh tế, và phải bỏ đi. Nhưng với những loại sách có ý nghĩa phản cảm, thì có thể tiền mất, tật mang. Con cái chúng ta sẽ vô tình tiêm nhiễm những tư tưởng bạo lực, phân biệt giai cấp hay chí ít sẽ trở nên khiếm khuyết về khả năng sử dụng tiếng Việt. Đó là một hậu quả không hề nhỏ.
Chuyên viên tâm lý Lê Khanh
Trung tâm tâm lý giáo dục Rồng Việt Vũng Tàu