Chồng tôi vốn là con trai duy nhất trong gia đình, bố mẹ chồng ly thân nên khi lấy chồng, tôi nghiễm nhiên phải sống chung với mẹ chồng. Vì chỉ có mỗi một cậu con trai, nay lại phải “mất trắng” vào tay tôi nên bà khó chịu lắm. Từ hồi về làm dâu, mẹ chồng tôi luôn mặt nặng mày nhẹ, xét nét so đo tôi từng miếng ăn cái mặc. Tuy vậy, vì thương chồng, cũng muốn cho gia đình êm ấm, tôi luôn nhẫn nhịn chịu đựng.
Nhà neo người nên khi tôi sinh bé Bi, mẹ chồng tôi cực kỳ quấn quýt và yêu chiều cháu. Những tưởng Bi sẽ là cầu nối giúp tôi và mẹ chồng thêm gần gũi nhau hơn. Nhưng không, chính cách yêu chiều cháu của bà khiến tôi như “phát điên”. Người ta nói “cháu hư tại bà” quả không có sai. Con trai tôi năm nay mới hơn 3 tuổi nhưng đã vô cùng ương bướng và ngỗ nghịch. Tuy nhiên, mỗi khi tôi cố dạy bảo cháu thì mẹ chồng tôi lại lao ngay ra… dạy bảo tôi.
Cũng như bao trẻ em khác, Bi rất thích chơi đồ chơi. Số lượng đồ chơi mà cháu có thì chắc phải chơi đến khi lấy vợ cũng chưa hết. Thôi thì đủ kiểu ô tô, tàu lượn, siêu nhân, rô bốt, sách truyện hay máy chơi game… bất cứ thứ gì ngoài hàng có, con tôi đều đòi phải mua cho bằng được. Từ khóc lóc ỉ ôi đến gào thét ấm ĩ, bỏ cơm bỏ sữa đến đá thúng đụng nia…, chưa có trong tay là Bi nhất định không buông tha. Mặc dù vô cùng buồn lòng với thói vòi vĩnh của con nhưng tôi càng cấm, mẹ chồng tôi càng cố tình mua cho bằng được. Bà luôn “rót” vào tai cháu những câu chê bai mẹ chủ ý để cho tôi nghe thấy, rằng “Mẹ mày ác thế có thương mày đâu. Thôi đi với bà, bà mua cho. Thích gì bà cũng chiều”.
Mỗi khi không vừa ý, con sẵn sàng "ăn vạ" (Ảnh minh họa)
Cấm con không được, đánh mắng dạy bảo con tôi lại càng không có quyền. Chỉ thoáng nghe thấy tiếng tôi mắng Bi, bất kể là lý do gì, mẹ chồng tôi đều lao ngay ra để ôm cháu cưng nựng rồi giả vờ đập tay vào người tôi “đánh chừa”. Được bà chiều chuộng, càng ngày Bi càng khó dạy. Mỗi khi không vừa lòng với mẹ, con đều hét toáng lên rồi chạy ra mách bà. Bi làm vỡ bát, bà mắng tôi “Có mấy cái bát cũng tiếc của với con”, Bi không chịu đánh răng, bà xuề xòa “Không đánh răng một hôm có làm sao? Răng sữa rồi sau cũng thay hết”…Tôi muốn cho con đi học mẫu giáo, bà bảo “sợ học sớm nó bị thần kinh”. Góp ý với mẹ chồng nhẹ nhàng có, gay gắt có, tôi luôn nhận được câu nói chặn họng lạnh lùng “Con chị, nhưng nó là cháu tôi.”
Tôi thực sự đau đầu khi nhìn đứa con mới 3 tuổi, đang trong quá trình hình thành nhân cách lại càng ngày càng trở nên “tai quái”. Những khi chỉ có hai mẹ con, tôi đánh mắng thì con cũng tỏ vẻ sợ, im thít và hối lỗi. Vậy mà chỉ vừa thấy bà bước về, Bi lao ngay ra khóc lóc ăn vạ, kể đủ với bà tôi mắng con bao nhiêu câu, đánh con bao nhiêu cái. Những lúc như vậy, bà lại quát tôi là “Con mẹ điên” rồi ung dung bế Bi lên gác. Tâm sự với chồng thì anh gạt phắt đi bảo tôi quá lo xa, rằng anh đi làm đã quá mệt mỏi, rằng tôi đừng cố so đo với mẹ anh.
Hôm vừa rồi, vì đòi đi chơi công viên mà không được, con trai tôi bực bội giãy đổ cả bình hoa lớn đặt ngay giữa phòng. Quá tức giận, không đợi mẹ chồng chạy ra, tôi dứt khoát bế Bi về phòng khóa cửa để dạy con. Vậy mà mẹ chồng tôi đứng ngoài đập cửa, bà “tru tréo” lên cho hàng xóm nghe thấy rằng tôi là người mẹ qủy quyệt, dám nhốt con mình. Bi thấy bà bên ngoài thì ra sức gào thét ăn vạ. Đúng lúc đấy chồng tôi về, mẹ chồng tôi lao ngay ra nói “Anh xem con vợ anh hỗn láo với mẹ, nó đánh con anh đến vỡ cả bình hoa kia kìa”. Chưa biết đầu đuôi ra sao, chồng tôi lấy khóa mở cửa rồi mắng tôi sa sả. Mẹ chồng tôi lao ngay vào dỗ cháu. Khi được bà bế ra ngoài, lúc đi ngang qua tôi, Bi còn giơ tay lên tát xượt qua mặt tôi một cái kèm ánh mắt gườm gườm căm giận.
Giây phút bàn tay bé nhỏ của con, bàn tay xinh tôi từng cầm nắm, từng dùng khăn lau sạch sẽ mỗi ngày, từng nắn nót cắt móng khi thơ bé giờ đây giơ lên tát chính mẹ mình, trái tim tôi như vỡ tan thành từng mảnh. Tôi thực sự chỉ muốn trả lại cho bà đứa con của bà – người chồng nhu nhược tôi đã dại dội lấy phải, để mong bà trả lại con cho tôi, trả lại Bi ngoan ngoãn và đáng yêu ngày nào của tôi. Tôi biết phải làm sao để có thể dạy dỗ con nên người trong gia đình này đây?
Theo tâm sự của chị Nguyễn Thùy Dương (Hoàng Mai, Hà Nội)