Năm đầu tiên anh lột áo vợ ra, ngực vẫn tròn eo vẫn thon mông vẫn nở. Sau đứa con đầu tiên, anh lột áo vợ ra, thì ngực đã chảy xuống vài cm, eo biến mất thay vào đó là chút mỡ thừa, mông có thể to hơn nhưng rạn từ hông xuống tận bắp.
Sau đứa con thứ hai, anh lại lột áo vợ ra, anh chán nản vì cô ấy nhìn thật giống mẹ, chỉ cần hơi cúi một cái ngực với bụng đã có thể chạm nhau, miệng kêu la vì mệt mỏi thay vì sung sướng.
Tôi nghĩ rằng mỗi người đàn ông trước khi lấy vợ hãy vạch áo của mẹ mình lên. Nhìn vào mảng bụng năm tháng đó và suy nghĩ mình có nên kết hôn hay không? Mình có nên sống chung với một cặp đùi căng nứt dưa bở, một cái bụng nhăn nheo chằng chịt như địa đồ tàu. Có hay không?
….
Những dòng viết chân thật, đanh thép, chạm đến đáy lòng những nỗi niềm chẳng bao giờ nói của các bà mẹ bỉm sữa trong bài tâm sự với tựa đề “Anh có dám hôn lên những vết rạn da ấy” đang gây xôn xao cộng đồng mạng những ngày gần đây. Tuy nhiên ít ai biết, chủ nhân của bài viết này, hoá ra, lại là một cô gái 9x chưa chồng.
Tuệ Nhi – tác giả của bài viết sinh năm 1990, hiện đang sống ở Hải Phòng. Tuệ Nhi chưa làm mẹ, chưa làm vợ, cũng chưa có người yêu. Vậy nhưng khi trò chuyện với cô gái trẻ này, nhiều người nhận ra trong đó những suy nghĩ vô cùng sâu sắc của một “kẻ ngoài cuộc” trong hôn nhân và gia đình.
Tuệ Nhi - cô gái Hải Phòng là tác giả của "Anh có dám hôn lên những vết rạn da ấy"
"Cộng đồng ủng hộ vì tôi đã chạm đến tận đáy lòng của những người phụ nữ đang im lặng ngoài kia"
Nhiều người nghĩ tác giả của bài viết này hẳn là một bà mẹ viết ra trong một lần "giận chồng" nhưng hoá ra không phải. Chị viết những dòng tâm sự này trong hoàn cảnh nào?
Tôi làm kinh doanh thời trang nên lượng khách 99% là chị em phụ nữ. Bán hàng trên facebook, online gần như 18 tiếng mỗi ngày, 18 tiếng lướt qua mắt tôi không biết bao nhiêu câu chuyện yêu đương của những cô gái trẻ và cả những phiền muộn của những chị em đã có chồng .
Gần đây nhất tôi có đọc một bài báo viết về một người phụ nữ Sài Gòn lột đồ vừa đi vừa khóc ngoài đường vì chồng bỏ do rạn da sau sinh. Cho dù tôi chưa có gia đình nhưng câu chuyện ấy đã khiến tôi phải suy nghĩ không ít. Tôi vốn là người cả nghĩ lo xa "làm sao mà biết được hình ảnh ấy không phải là tương lai của mình cơ chứ ?"
Do vậy, cũng như bao lần khác thôi, tôi muốn viết một điều gì đó, nó giống như một sự đồng cảm chia sẻ với những người phụ nữ sau sinh, một lời nhắc nhở thấm thía sâu sắc tới những ông chồng còn đang vô tâm lảng tránh trách nhiệm gia đình và trên hết là hướng tới những bạn trẻ chưa bước vào đời sống hôn nhân. Câu chuyện sẽ giúp họ có cái nhìn rõ ràng thực tế hơn về những góc khuất họ chưa nhìn thấy trong hôn nhân và cuộc sống gia đình: cả bề nổi cả bề chìm, cả ngọt ngào cả cay đắng, cả quyền lợi và trách nhiệm đối với con cái, đối với nhau và với chính bản thân mình .
Theo chị, vì sao bài viết "có dám hôn lên những vết rạn da" lại được cộng đồng mạng ủng hộ?
Tâm niệm của tôi là giá trị của mọi thứ đều nằm ở sự chân thật. Bạn nói thật thì dù nó không hay nhưng sẽ khiến người ta phải suy nghĩ. Cộng đồng ủng hộ bạn không phải vì cái tôi bạn đưa ra nó độc lập cá tính mà vì bạn đã rung chuông, đã bộc bạch, đã chạm đến tận đáy lòng của những người phụ nữ đang im lặng ngoài kia.
Hôn nhân không nên cứ chờ đợi để trải nghiệm rồi mới nhận ra mặt trái. Nhận ra khi chúng ta đã thất bại có phải là hơi muộn?
Nhờ đâu một cô gái 9x chưa từng vướng bận chuyện chồng con, người yêu cũng chưa có, lại có thể viết được những dòng tâm sự thật đến như vậy?
Khi tôi viết về hôn nhân, có những người cười tôi là “chém gió”. Họ nói tôi làm sao mà hiểu được khi bản thân tôi vẫn chưa làm vợ hay làm mẹ. Tôi chỉ muốn nói rằng, cuộc sống vây quanh tôi, một nửa thế giới đang tồn tại song song cùng tôi chính là những người phụ nữ. Họ yêu, họ lấy chồng, sinh con, hạnh phúc và đau khổ, may mắn và thất bại tôi đều nhìn thấy mỗi ngày. Tôi nghĩ rằng, có những thứ chúng ta không nên chỉ đứng đó mà chờ đợi, chờ đợi sự trải nghiệm rồi mới nhận ra cái này, mới nhận ra cái kia. Nhận ra khi chúng ta đã thất bại có phải là hơi muộn?
Nói như vậy, chị đã nhìn rõ mặt trái của hôn nhân và gia đình. Chị có còn muốn kết hôn, muốn làm mẹ và trở thành người phụ nữ như trong câu chuyện của mình?
Tôi là một người phụ nữ, tôi luôn khao khát sống trọn vẹn cuộc đời của một người phụ nữ là được trở thành một người vợ, người mẹ. Nếu nhìn thấy khó khăn mà lùi bước bỏ cuộc thì chẳng bao giờ bạn nếm trải được sự hạnh phúc khi đã thành công.
Bài viết của Tuệ Nhi được hàng chục nghìn người ủng hộ
Phụ nữ có thể hy sinh một chút nếu bản thân cảm thấy vui vẻ hài lòng, chứ không phải cứ lặng lẽ phục vụ rồi kêu la trách móc.
Có ý kiến cho rằng: “Những cái bài viết như thế này cổ súy tư tưởng làm vợ là phải tần tảo phục vụ, chăm sóc kẻo mất chồng, nhưng vẫn phải cố gắng hết mình; còn làm chồng là vừa hưởng thụ vừa phải biết ơn vợ và đừng đòi hỏi nhiều quá. Đây là lối sống, lối suy nghĩ thiếu lành mạnh, rất thiệt thòi cho phụ nữ nhưng lại gọi tên cái thiệt thòi đấy là bổn phận. Lại còn cho rằng tất cả đàn ông sống không ra gì là chuyện bình thường.”, quan điểm của Tuệ Nhi như thế nào?
Chúng ta đều là những người phụ nữ hiện đại. Giàu hay nghèo xấu hay đẹp cũng đều biết quyền lợi và trách nhiệm của bản thân mình, của người đàn ông sẽ cưới mình trong tương lai.
Tôi không khuyên bạn hãy hy sinh hết mình theo tư tưởng truyền thống. Vì gia đình là một tổng thể, hạnh phúc tổng thể. Nếu bạn hy sinh mà không thấy hạnh phúc chẳng phải hy sinh đó là vô nghĩa sao.
Tôi chỉ khuyên bạn hãy biết cân bằng cuộc sống, cân bằng giữa trách nhiệm cần làm và quyền lợi được nhận. Bạn có thể hy sinh một chút nếu bạn cảm thấy vui vẻ hài lòng, chứ không phải cứ lặng lẽ phục vụ rồi kêu la trách móc. Tôi không biết vợ chồng bạn bận rộn ra sao, nhưng trách nhiệm thì cần được phân định rõ ràng và đồng lòng bổ trợ.
Phụ nữ độc lập thì tiếng nói sẽ rõ ràng hơn, chúng ta không phải là nô lệ cho gia đình. Nếu cảm thấy sự chịu đựng đã đạt đến giới hạn, hãy đối diện với chồng mình, chia sẻ thẳng thắn những suy nghĩ để tìm ra tiếng nói chung và giải quyết mâu thuẫn. Nếu người đàn ông còn muốn giữ gìn hạnh phúc gia đình, tôi nghĩ anh ấy sẽ lắng nghe.
Bạn có thể bao dung như một người mẹ, nhưng không phải gánh vác trách nhiệm của một người mẹ với chồng mình. Bạn có thể chăm chỉ chu toàn việc nhà như một ôsin, nhưng tiền cầm về phải đi kèm sự tôn trọng thấu hiểu. Và bạn có thể chăm sóc bản thân mình như một cô bồ nhí, đơn giản vì bạn là phái đẹp, đừng bao giờ quên nâng niu bản thân mình.
Khi bạn hạnh phúc bạn mới có thể khiến gia đình mình thực sự hạnh phúc.
Nếu anh cảm thấy không bằng lòng cho dù vợ đã hoàn thành tốt mọi bổn phận? Vậy hãy ở nhà với mẹ, thuê một người ôsin và lông bông suốt đời với những cô gái trẻ. Anh sẽ biết giá trị của một người vợ khác với giá trị của 3 người phụ nữ kia như thế nào.
Vậy theo chị, bí quyết để người phụ nữ duy trì hạnh phúc gia đình sẽ là gì?
Bạn muốn hỏi về bí quyết để gây dựng một gia đình hạnh phúc? Tôi khuyên bạn hãy lên google, bạn sẽ có cả nghìn câu trả lời hoàn hảo. Nhưng tôi nghĩ bạn sẽ không đủ kiên nhẫn để đọc hết, mà có đọc rồi đến khi mẫu thuẫn xảy ra, bạn sẽ lại thấy "sao mình đã áp dụng bí quyết mà mình vẫn không tạo ra được hạnh phúc nhỉ, không giữ được chồng không doạ được địch nhỉ?"
Mọi chân lý đều chỉ là tương đối. Nhưng một điều chắc chắn là, bạn muốn có một ngôi nhà không xiêu vẹo, việc trước tiên bạn cần là xây một cái móng vững vàng. Đừng vội cưới nếu bạn nghĩ không có người kia bạn sẽ chết. Hãy tự dành cho mình một khoảng thời gian để tìm hiểu những nguy cơ sẽ khiến bạn buồn phiền mệt mỏi. Nếu bạn thấy đã đủ tự tin để trải nghiệm nó, có hơi hướng giải quyết và bước qua được nó thì hãy lấy chồng, lấy vợ và sinh con.
Lời cuối cùng, tôi muốn dành cho những người đàn ông: Các anh đừng hy vọng sẽ lấy được một người phụ nữ hoàn hảo như mơ ước. Bởi hôn nhân là giấc mơ của hai người đã vốn dĩ không bao giờ hoàn hảo rồi. Nếu anh cảm thấy không bằng lòng cho dù vợ đã hoàn thành tốt mọi bổn phận? Vậy hãy ở nhà với mẹ, thuê một người ôsin và lông bông suốt đời với những cô gái trẻ. Anh sẽ biết giá trị của một người vợ khác với giá trị của 3 người phụ nữ kia như thế nào.