Chị Nguyễn Thanh Thủy (Láng Hạ, Hà Nội) cũng như nhiều bà mẹ khác phải trải qua thời kỳ “khủng hoảng” tinh thần khi có một đứa con lười ăn, còi cọc. Bé Nấm - con chị Thuỷ ngay từ những tháng đầu mới sinh đã lười bú sữa. Sau này, khi ăn dặm, con phản ứng dữ dội, quyết liệt không ăn ngay từ thìa bột đầu tiên chị nấu. Nhưng nhờ quyết tâm và thực hiện nhiều “chiêu" chăm con ăn dặm độc lạ, chị đã thành công. Trong hơn 1 tháng ăn dặm, bé Nấm đã tăng gần 2kg, vượt ngoài tưởng tượng của chị và gia đình.
Cùng nghe những kinh nghiệm "xương máu" của chị Thủy trong hành trình cho con ăn uống gian nan trong 6 tháng đầu!
Chật vật với đứa con "lười ăn từ khi mới sinh"
Chị Thuỷ cho con ti mẹ kết hợp với ti bình. 3 tháng đầu khi tiếp xúc với ti bình, bé Nấm chỉ cắn núm ti chứ không chịu mút. Sữa có chảy vào miệng thì Nấm phun phì phì. Chị Thuỷ cố thúc ép con thì con phản ứng rất rõ ràng: con cắn chặt núm ti, hoặc dữ dội hơn là khóc, gào ầm ĩ. Sau một thời gian "đánh vạt" với đứa con lười ăn từ trong trừng nước, Nấm nhà chị có hiện tượng bỏ ti bình và tới tháng thứ 5 thì bỏ luôn cả ti mẹ.
“Tới tháng thứ 5 Nấm bắt đầu từ chối luôn ti mẹ, mải chơi hơn và đến tháng này thì không hề tăng lạng nào. Tôi lang thang khắp các trang mạng, hỏi thêm kinh nghiệm của người thân về cách chăm con trong giai đoạn này và thấy stress nặng nề vè độ lười ăn của con. Gia đình nội ngoại thấy cháu đứng cân mà trách mẹ không chăm để con còi cọc”, chị nhớ lại.
Mới 4 tháng tuổi nhưng Nấm nhà chị Thủy "cương quyết" từ chối ăn sữa khi phát hiện ti giả khác với ti mẹ
Chị bỏ không cho con ti bình và chuyển sang phương pháp bón sữa bằng thìa cho Nấm. Tuy nhiên, mỗi lần cho con ăn kiểu này mất gần 1 tiếng đồng hồ. Mẹ làm đủ các trò để “dụ” con ăn sữa. Con vẫn chững cân, không nhúc nhích thêm lạng nào.
Sau 4 tháng đầu vất vả khổ sở với chuyện cho con ăn sữa, chị Thuỷ hào hứng khi Nấm bắt đầu chuyển sang giai đoạn ăn dặm. Chị tràn trề niềm tin rằng ăn dặm sẽ giúp Nấm nhanh tăng cân hơn, thích thú hơn với chuyện ăn uống và đỡ được phần nào cho thói lười ăn sữa của con. Chị tìm hiểu các phương pháp, chế độ dinh dưỡng lên kế hoạch cho con ăn dặm vô cùng chi tiết. Vậy nhưng thực tế lại không...như mơ.
Con từ chối ăn dặm ngay từ thìa đầu tiên
Chị Thủy chia sẻ: “Con ăn dặm cũng là lúc tôi đối phó những tình huống dở khóc, dở cười. Tôi phân vân, rối trí giữa những mớ tài liệu về cách chăm con và dinh dưỡng cho con trong giai đoạn này. Sau những lời khuyên của các mẹ từng có kinh nghiệm, quyết định cuối cùng của tôi là cho con ăn theo kiểu: nhà ăn gì con ăn nấy”.
Buổi đầu tiên, 10giờ sáng đợi nồi cơm của cả nhà sôi mẹ hí hửng gạn lấy chút nước cơm trong nồi và chuẩn bị cho con nếm. Chị cho Nấm nằm ở ghế ăn bột và quan sát phản ứng của Nấm. Con phản xạ nhanh và há miệng khi chịđưa thìa lại gần (vì trước đấy đã bón sữa bằng thìa cho con). Đút được thìa đầu tiên vào miệng, con lập tức nhăn nhó vì ngạc nhiên không phải vị sữa hàng ngày con ăn.
Thìa thứ 2 con vẫn há miệng nhưng không nuốt mà phun phì ra ngoài, từ chối. Thìa thứ 3 thì Nấm mím chặt miệng, gào khóc.
Tăng gần 2kg trong 1 tháng ăn dặm
Mẹ thất bại trận đầu tiên nhưng quyết tâm không bỏ cuộc. Thấy Nấm không thích nước cơm, chị Thuỷ quyết định thử sang món khác.
Buổi thứ 2 với hoa quả, chị nghiền nhỏ cho con. Chị cũng hì hục hấp chín vài miếng lê rồi nghiền nhuyễn. Các công việc phục vụ cho “trân chiến” lai bắt đầu: Từ công đoạn cho con ngồi ghế ăn, mặc yếm và dỗ dành những thìa đầu tiên. Nấm vẫn há miệng đón thìa cũng như lần trước khi đồ ăn vào đến trong miệng thì mặt con cũng nhăn nhó nhưng tiến bộ hơn. Con có vẻ nếm đồ ăn và nuốt ngon lành. Chị Thuỷ thành công ở buổi thứ 2 sau 40 phút đồng hồ.
Thành công trong công cuộc tập ăn dặm cho con, chị vội vàng đi mua sắm bộ cốc, chén, nồi hầm cháo, cốc nấu cơm... và dành 2 ngày để lên thực đơn từng tuần cho Nấm. Giai đoạn đầu ngày 1 bữa bột ngọt, củ quả nghiền, sữa chua và tuyệt đối không nêm thêm gia vị.
Đồ chị Thủy sắm, phục vụ cho việc chăm bé giai đoạn ăn dặm
Qua 1 tuần tập luyện, con cũng đã biết hợp tác hơn, chị bắt đầu tặng lượng thức ăn mỗi bữa, từ 20ml rồi 40ml. Những ngày tiếp theo, chị tiếp tục chế biến bữa ăn cho con vị khác đi cho con nếm thử nhiều khẩu vị mới.
"Mất khoảng 2 tuần thì tôi đã biết khẩu vị của con là thích những món thơm thơm, béo ngậy như vị chuối, khoai tây và đặc biệt những món mà mẹ cho thêm chút vụn bánh mì vào nấu cùng." chị Thuỷ nhớ lại
1 ngày bữa ăn dặm của Nấm vào lúc 10 giờ sáng còn lại là 6-8 bữa sữa. Mỗi bữa trung bình từ 90-120ml, cứ khoảng 60ml cháo lại cộng với 20ml rau củ quả như: rau ngót, khoai lang, khoai tây xay nhỏ.
Bên cạnh đó, chị bổ sung chất dinh dưỡng cho Nấm bằng lê hoặc chuối. Trái lê chị hấp nóng và tán nhuyễn đút cho bé ngày 2 lần. Còn chuối chị cẩn thận thái thành miếng nhỏ rồi dùng máy xay sinh tố nghiền nhỏ .
Chị chia sẻ thêm kinh nghiệm: “Đối với chuối sau khi xay có màu đậm hơn tôi hòa thêm sữa mẹ vào để hỗn hợp bớt đặc thay vì cho nước lọc. Điều này sẽ kích thích thêm vị giác cho trẻ đồng thời bổ sung thêm nguồn dinh dưỡng”.
Hì hục gần tháng trời trộm vía con đã tăng thêm 1,8 kg. Con số vượt ngoài sự tưởng tượng của chị đã khiến bà mẹ trẻ mừng rơi nước mắt. Chị tự hào vì bước đầu đã có thành công khi cho con ăn dặm.
Từ đó đến nay, chị Thuỷ và bé Nấm đã có những buổi ăn dặm vô cùng vui vẻ bên nhau, con ăn ngoan, tăng cân tốt, mẹ lại vô cùng thoải mái tinh thần.
"Trộm vía, mẹ mừng phát khóc khi thấy cân nặng của con hơn vượt bậc tháng trước. Bước đầu mẹ thành công trong giai đoạn cho Nấm ăn dặm"
Kinh nghiệm “xương máu” khi cho con ăn dặm
Chia sẻ với các mẹ khi chăm con trong thời kỳ con ăn dặm, chị Thuỷ mách nhỏ:
- Nên cho con nếm thử trước khẩu vị trước khi cho bé ăn. Tuần đầu tiên, nấu nhiều món, nhiều khẩu vị để thăm dò khẩu vị yêu thích của con.
- Không ép con ăn quá nhiều, khi con có biểu hiện rùng mình, chán ăn nên tạm thời dừng lại và bổ sung đồ ăn cho con vào thời gian khác. (Rất nhiều lần chị cho con ăn quá đà, con chớ và coi như mẹ lại “lỗ” nặng).
- Không nên ép con ăn, tình trạng này kéo dài sẽ tạo cảm giác sợ đồ ăn của trẻ. Trẻ đã lười ăn còn lười ăn thêm.