Ảnh: basilemorin.com. |
Addyman tin rằng thông qua tiếng cười, chúng ta có thể biết chính xác những gì đứa trẻ đang nghĩ về thế giới. Trong nghiên cứu của mình, nhà khoa học đã khảo sát trên 1.000 phụ huynh khắp thế giới về thời gian, địa điểm và lý do khiến con họ cười. Theo kết quả thu được, trẻ sơ sinh mỉm cười lần đầu tiên khi 6 tuần tuổi và cười thành tiếng sau 3 tháng rưỡi. Ú òa là chiêu bố mẹ hay dùng để chọc con cười, nhưng cù lét mới là lý do phổ biến nhất khiến các bé cười khanh khách.
Quan trọng hơn, ngay từ lần đầu tiên bật cười, trẻ đã có tương tác với người lớn và những gì họ làm. Nếu chỉ đơn thuần có cảm giác cù lét trên da thì bé sẽ không cười, mà phải có sự tham gia của người lớn. Nói một cách ngắn gọn, trẻ cười vì có bố mẹ cù chứ không phải vì được cù. Giống như khi tập đi hay tập nói, tiếng cười của trẻ có tính xã hội.
Thêm nữa, các bé không có xu hướng cười nếu thấy người khác ngã. Trẻ thường cười khi chính bản thân bị té, hoặc nhìn ai đó đang vui vẻ hạnh phúc. Trẻ trai cười nhiều hơn trẻ gái và trong mắt các bé thì bố mẹ buồn cười như nhau.
Addyman vẫn đang tiếp tục thu thập dữ liệu và hy vọng kết quả sẽ rõ ràng hơn để ông có thể phân tích, đưa ra kết luận. Theo ông, nghiên cứu về tiếng cười ở trẻ em là một đề tài tiềm năng, không phải là một trò đùa và không nên bị quên lãng.
Ảnh: identity-mag.com. |
Addyman không phải là người đầu tiên đặt câu hỏi "Điều gì khiến một đứa trẻ cười". Nhà bác học Darwin đã từng nghiên cứu tiếng cười ở trẻ con và nhà thần kinh học người Áo Freud xây dựng giả thuyết rằng cười là một cảm giác ưu việt.
Nhà tâm lý học lỗi lạc chuyên nghiên cứu về sự phát triển của con người là Jean Piaget cho rằng có thể “nhìn” vào tâm trí một đứa trẻ sơ sinh dựa vào tiếng cười của bé. Những trò đùa phải đạt đến mức nào đó mới có thể gây cười. Tiếng cười cho thấy mức độ hiểu biết của trẻ sơ sinh về thế giới. Mặc dù được Piaget đưa ra từ những năm 1940, giả thuyết này cho đến nay vẫn chưa được chứng minh. Một số chuyên gia nổi tiếng đã thử nghiên cứu nhưng rồi bỏ rơi đề tài này.
Minh Nguyên (Theo BBC)