Từ trung tâm huyện Tây Giang, ngược xe máy khoảng 5 tiếng đồng hồ với đường đất, chúng tôi đến xã biên giới Ch’Ơm. Vùng đất này là biên giới giáp với Lào, khí hậu lạnh quanh năm và được mệnh danh là “ sa pa của Quảng Nam”. Nhiều người cho biết, mùa mưa, nếu người dân muốn đi từ Ch’Ơm xuống trung tâm phải mang theo dây xích bọc sau bánh xe máy mới có thể vượt qua được những đoạn đường dốc trơn trượt.
Học sinh chào mừng ngày 20.11
Chúng tôi ghé lại trường PT Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS xã Ch’Ơm trong khi cô giáo Trần Thị Ái đang lên lớp. Ái cho biết, đã bốn năm lên đứng lớp tại đây. Quê cô ở huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng). Ra trường, gia đình muốn cô tìm một công việc gần nhà. Trong quá trình tìm hiểu, cô được biết, ở vùng đồi núi Ch’Ơm, trẻ em vẫn còn chịu nhiều thiệt thòi nên quyết định nộp đơn lên dạy.
Ngày Ái cầm quyết định bổ nhiệm trên tay, người thân ra sức khuyên can. Cô động viên người thân: “Con đi, nếu thấy không sống được thì sẽ về”. Thời gian thấm thoắt trôi, đến nay, cô đã công tác được bốn năm và đã vào biên chế của ngành giáo dục.
Phía lãnh đạo huyện Tây Giang đồng ý để Ái chuyển về xuôi dạy. Sau nhiều đêm nghĩ suy, cô xin được tiếp tục ở lại vùng đất biên giới. Bởi, cô đã quá quen thuộc với vùng đất này. Cô quen với những học trò Cơ Tu giọng bập bẹ tiếng Kinh. Cô thương làn da rám nắng của học trò. Cô cảm động với những đứa trẻ vượt đồi núi bằng đi bộ 5 km để đến trường… Và, đặc biệt, cô thích những đóa hoa dại của học trò hái từ rừng về tặng mình mỗi dịp 20.11.
Ái chia sẻ, bốn năm công tác tại Ch’Ơm, do đường sá khó khăn, chưa một lần được người thân lên thăm. Mỗi khi nhớ quá, cô lại hẹn người thân ở trung tâm huyện. Bởi, ở đó, người thân có thể từ TP Đà Nẵng vào và cô từ vùng biên giới xuống.
Ngày 20.11, thầy cô giáo được tặng hoa được hái từ rừng
Cô giáo Đỗ Thị Trang cũng lên đây công tác vừa tròn bốn năm. Ngày chân ướt chân ráo lên vùng này, cô được phân công dạy tại một điểm trường thôn. Cơ sở vật chất quá thiếu thốn, cô phải xin ở nhờ nhà người dân. Cũng trong những tháng ngày ấy, cô nhận thấy, người dân tộc Cơ Tu dù khó khăn về vật chất nhưng rất yêu cái chữ.
Dù đường sá xa xôi, cách trở, hàng ngày học sinh vẫn đi học đều đặn. Có học sinh đi bộ quá xa, phải dậy từ lúc 4 giờ sáng để đến trường kịp buổi học sáng. Có học sinh lại mang theo cả đèn pin để rọi vì tan học buổi chiều về đến nhà trời đã tối từ lâu. Phụ huynh cũng sẵn sàng sẻ chia búp măng, bó rau với thày cô…
Trong khi đó, cô giáo Trần Thị Thảo chỉ mới lên đây công tác được vài tháng. Thảo kể, cầm tấm bằng đại học trên tay, người thân muốn tìm một chỗ dạy ở miền xuôi cho con gái. Cô nghe bạn bè kể về cuộc sống gian khó của học sinh vùng biên nên không ngại ngần nộp đơn lên đây đi dạy.
Mặc dù đã chuẩn bị tâm lý từ trước nhưng lần đầu lên đây với đoạn đường quá xa và gập ghềnh khiến Thảo có chút trăn trở. Những đêm đầu tiên ở vùng đất lạ, cô suy nghĩ và có chút chạnh buồn. Thế nhưng, khi đứng trên bụt giảng, bắt gặp những ánh mắt thơ ngây của những đứa trẻ nghèo khó, cô lại giữ quyết tâm của mình. Một học kì sắp hết, đó cũng là khoảng thời gian cô giáo trẻ sinh năm 1994 gắn bó với ngôi trường.
Học sinh hớn hở với thư viện mới của trường
Ở ngôi trường này, bên cạnh những giáo viên người kinh còn có một giáo viên người Cơ Tu, đó là thầy Bơlong Điếp. Giọng lơ lớ, thầy kể, cha là người Lào, mẹ là người Cơ Tu, sinh ra và lớn lên ở thôn Atu (xã Ch’Ơm). Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên từ nhỏ cậu bé Điếp đã có mong muốn thoát nghèo. Đi học, nghe thầy cô bảo: “Nếu muốn thoát nghèo, thoát khổ chỉ có cách duy nhất là học giỏi”. Ngày ấy, chẳng hiểu được giá trị câu nói ấy nhưng Điếp tin nên luôn cố gắng nỗ lực.
Năm 2003, Điếp thi đậu vào ngành Sinh học tại trường Đại học Sư phạm Huế. Thời gian này, Điếp đăng ký học thêm ngành Lâm nghiệp (trường Đại học Nông Lâm). Thuở ngồi trên ghế nhà trường, thầy đã nhận được khá nhiều học bổng. Thầy dùng số tiền này để trang trải cuộc sống.
Năm 2008, Điếp cầm tầm bằng ưu trên tay. Nhiều trường tại Hội An mời về dạy. Thầy trăn trở về việc những đứa trẻ tại vùng quê mình nên quyết định từ bỏ cơ hội tốt xin lên dạy tại trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Lý Tự Trọng (xã Axan). Đến năm 2013, trường PT Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS xã Ch’Ơm được xây dựng, thầy được bổ nhiệm về làm phó hiệu trưởng.
Với mong muốn góp phần thay đổi tư duy, từ bỏ những tập tục lạc hậu, thầy Điếp thường xuyên trò chuyện với đồng bào. Ngoải ra, thầy vận động thành lập Hội khuyến học xã Ch’Ơm và chương trình Những người con của bản. Vào dịp tết, thầy đều đến thăm và tặng quà cho những học sinh tại thôn…
Học sinh vui chơi trong giờ giải lao
Thầy giáo Nguyễn Đông Vũ (Hiệu trưởng trường PT Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS xã Ch’Ơm) cho biết, thầy cô giáo ở đây chủ yếu còn rất trẻ và là người từ miền xuôi lên. Có 5 giáo viên bậc tiểu học và 11 giáo viên bậc cơ sở là người miền xuôi lên đây gieo chữ. Tất cả những giáo viên bám trụ tại đây đều là những “chiến sĩ trẻ”. Không ít thầy cô bên cạnh việc nâng cao không ngừng về nghiệp vụ còn học cả tiếng Cơ Tu để có thể giao tiếp tốt hơn và hiểu học sinh của mình.
Năm học này, trường có tổng cộng 14 lớp học bậc Tiểu học với 172 học sinh; 8 lớp học bậc THCS với 175 học sinh. Tất cả đều là dân tộc Cơ Tu. Ngoài học sinh của xã Ch’Ơm, còn có hơn 80 học sinh bậc THCS của xã Gari đến học.