Bạn bè, gia đình phản đối
Nếu như tỉnh Lai Châu là một trong những địa phương khó khăn nhất cả nước thì huyện Mường Tè chính là nơi nghèo nhất của vùng đất miền biên viễn xa xôi này. Sự khó khăn đầu tiên được nhắc đến chính là giao thông, sau đó đến điện, trường, trạm. Tuy nhiên, trong những năm qua, vẫn có hàng trăm thầy cô giáo bỏ lại đằng sau quê hương bản quán, từ biệt người thân để “cõng chữ” lên rừng xanh, núi đỏ.
Điều đặc biệt hơn cả, là ở vùng đất khó khăn nhất của cả nước này, chuyện các đấng mày râu tham gia dạy các lớp mầm non lại không hiếm. Lý giải về điều này, những cán bộ cũng như các thầy cô giáo thuộc Phòng giáo dục Mường Tè đều có chung một câu trả lời: Nếu không có các thầy thì các điểm trường mầm non nằm sâu trong những dãy núi trùng trùng điệp điệp kia sẽ không bao giờ được phổ cập.
Bà Lý Mỹ Ly, Trưởng phòng Giáo dục huyện Mường Tè chia sẻ: “Vẫn biết rằng giáo viên nam dạy mầm non không thể bằng các nữ đồng nghiệp, nhưng nhà báo biết đấy, có những điểm trường đi từ trường trung tâm đến đó cũng mất cả ngày đường. Nếu đi được xe máy thì không nói làm gì, đằng này chỉ có cách duy nhất là cuốc bộ và mang theo cơm nắm. Các giáo viên nữ thì không phải ai cũng bám trụ được. Chính đặc thù địa hình là yếu tố hình thành đội ngũ thầy giáo Mầm non hiện nay. Còn với chính bản thân các thầy, nhu cầu cuộc sống, niềm say mê hay cái duyên với nghề là những lý do để họ đến với nghề dỗ trẻ”.
Thầy Lường Văn Mạnh đang dạy các cháu mầm non múa, hát bài “Con chim non”.
Người đầu tiên mà chúng tôi tiếp xúc chính là thầy giáo Nguyễn Đức Lợi (SN 1978), Hiệu trưởng trường Mầm non Vàng San. Thầy Lợi cũng chính là người đầu tiên đến huyện rừng núi Mường Tè gieo con chữ cho các em học lớp mầm non. Mặc dù chỉ cách thị trấn khoảng 10km nhưng để đến được trường Vàng San chúng tôi đã phải mất gần 3 giờ đồng hồ ngược suối Nậm Nhọ. Từng là một người lính, hết nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, thầy giáo Lợi đã quyết định nộp đơn thi vào Trường cao đẳng sư phạm Hải Dương, trong đợt thi này thầy đã trúng tuyển ngành mầm non. Theo thầy Lợi, ban đầu thi vào ngành này đã rất nhiều người trong gia đình cũng như bạn bè có ý phản đối và cho rằng: Dạy mầm non chỉ phù hợp với phụ nữ. Nhưng thay vì bỏ dở, thầy Lợi lại càng quyết tâm hơn với suy nghĩ là sẽ chứng minh cho mọi người thấy: Cánh mày râu sẽ làm được và làm tốt hơn nếu yêu nghề, yêu trẻ.
Còn thầy giáo Lò Văn Tiển lại nhận công tác tại điểm trường xa nhất - Tia Ma Mủ, thuộc Trường mầm non số 2 Nậm Ngà đóng trên địa bàn xã Tà Tổng. Là lính biên phòng đóng quân tại Đồn Biên phòng Pa Ủ, sau khi ra quân về nhà nghe theo lời khuyên của cô em gái hiện là giáo viên mầm non, thầy Tiển đã mang hồ sơ đi dự tuyển mà không hề biết rằng nghề dạy mầm non sẽ phải như thế nào? Những bài học đầu tiên trên giảng đường đã giúp cho chàng trai trẻ quên đi mọi khó khăn, những nụ cười, ánh mắt của bọn trẻ chẳng mấy chốc đã bám riết trong suy nghĩ của chàng trai này.
Không chỉ sự cách biệt về địa lý, khí hậu, điều kiện kinh tế… để trụ lại được với vùng đất này, để thuyết phục được những phụ huynh học sinh đưa con mình đến trường, các thầy giáo mầm non phải tự trang bị, tự học ngôn ngữ của các dân tộc như Mông, Hà Nhì, Cống, Khơ Mú… Để ngày ngày lên lớp dạy bọn trẻ biết vệ sinh thân thể, dạy cho chúng nhận biết được vật dụng hay tập cho chúng đánh vần từng chữ A, B, C… các thầy giáo đã phải cố gắng rất nhiều.
Cõng gà, vượt rừng “đi tìm”… vợ
Điều khiến chúng tôi suy nghĩ nhiều nhất khi đến cụm trường Nậm Ngà của huyện Mường Tè là tại đây, có tới gần hai chục thầy giáo trẻ đứng trước nguy cơ… ế vợ. Sở dĩ vậy, bởi những điểm trường ở đây quá xa các khu trung tâm, còn phía giáo viên nữ chưa chồng thì không thể bám trụ được lâu dài.
Trường THCS Nậm Ngà có hơn 40 cán bộ giáo viên gồm cả người địa phương và người từ dưới xuôi lên. Trong số đó có chưa đầy ¼ cán bộ, giáo viên là nữ. Số giáo viên nam còn lại chỉ có một số thầy được coi là “lão làng” với thâm niên cả chục năm mới lập gia đình. Còn lại gần 20 thầy giáo trẻ đang nằm trong nhóm nguy cơ… ế vợ. Thầy Hoàng Văn Đức (SN 1977) là Hiệu phó trường kể lại, thầy nhận công tác trong vùng này từ những năm 2002 khi đó cả Nậm Ngà chỉ có 3 giáo viên. Và phải 4 năm sau mới có mấy cô giáo mầm non vào đây. Gặp được nữ giáo viên, thầy Đức mừng lắm vì cuối cùng cũng có “đối tượng” khác giới để tìm hiểu. Thế nhưng vui chẳng tày gang vì các cô giáo mầm non đều đã có chồng, có chỗ trao thân gửi phận mất rồi. Vậy là thầy Đức lại đành “nhịn” đến mãi cuối năm 2008, khi có một cô giáo mầm non khác ở Phú Thọ về đây thì thầy Đức mới hết… ế vợ.
Thầy Đao Văn San, Phó hiệu trưởng, Trường Mầm non Số 2 Tà Tổng (trường đóng ở Nậm Ngà) cho hay, trước đây trong những ngày nghỉ cuối tuần thầy phải đi bộ mấy tiếng đường rừng sang tận bản Khe Sặt xã Mường Toong, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên để mong tìm hiểu, se duyên với một trong số các cô giáo ở đây. Lần đầu đến không quen nên chẳng cô nào tiếp chuyện, và cũng không dám ở lại ăn cơm, vậy là lại phải nhịn đói đi bộ về. Rút “kinh nghiệm”, từ những lần sau, mỗi lần sang thầy San đều xách theo con gà làm quà, nhưng “chinh chiến” mấy năm cũng chẳng kéo được cô nào. Mãi đến năm 2012, trường có thêm cô giáo mầm non mới về dạy và bị thầy San “tóm” luôn, vậy là “thoát ế”.
Trong số gần 20 thầy giáo trẻ có “nguy cơ ế” ở Mường Tè khi được hỏi đều cho biết là chưa có người yêu. Trong khi số giáo viên nữ của cả cụm trường là 15 người thì duy nhất chỉ còn 2 cô giáo mới vào dạy mầm non năm học này là chưa có gia đình. Thế nhưng trớ trêu là cả 2 cô đều đã rục rịch… cưới. Thậm chí, cô giáo Lò Thị Vỉnh dạy ở bản Tia Ma Mủ mới về nhận việc ở trường được một tuần đã viết thiếp mời rồi.
Tạm gác lại câu chuyện bi hài về chuyện lấy vợ, những thầy giáo ở Nậm Ngà vẫn luôn có động lực và yêu nghề để mang lại con chữ, tiếng cười cho những em nhỏ ở nơi núi cao, suối sâu này. Chia tay họ khi Ngày Nhà giáo Việt Nam đã cận kề, chúng tôi vẫn nhớ như in lời của những giáo viên có thâm niên lâu nhất: “Gần chục năm dạy học mặc dù chưa có được một ngày 20/11 đúng nghĩa nhưng chúng tôi vẫn lấy làm vinh dự khi hàng ngày được đứng trên bục giảng dạy chữ cho đám trẻ thơ nơi rừng thẳm núi cao này. Dẫu còn khó khăn, nhưng chúng tôi luôn tin vào ngày mai, một ngày rạng ngời của thế hệ trẻ nơi núi rừng này đứng dậy từ con chữ thay vì lên nương trồng ngô, săn thú như bao thế hệ trước”.