Bên cạnh việc hỗ trợ trẻ học hỏi kiến thức để hoàn thiện mình, ba mẹ cũng cần dạy trẻ biết cảm ơn và xin lỗi người khác, đây cũng là một trong những kỹ năng sống vô cùng quan trọng mà trẻ cần ghi nhớ.
Mặc dù vậy, không phải đứa trẻ nào cũng có thể cảm ơn hay xin lỗi người khác một cách chân thành và đúng thời điểm. Do đó, ba mẹ và thầy cô đóng có vai trò rất lớn trong quá trình giúp trẻ hiểu và thực hiện tốt kỹ năng này.
Ngọc Diễm là Hoa hậu Du lịch Việt Nam 2008, cô được yêu mến bởi hình ảnh một người đẹp tài năng và có học thức. Cô từng thi đậu 3 trường đại học, là sinh viên tài năng đại học Ngoại Thương và hiện đang là tổng giám đốc một công ty truyền thông, bên cạnh đó cô còn thường xuyên xuất hiện với vai trò MC. Nhờ đó, cô trở thành gương mặt quen thuộc trong nhiều hoạt động cộng đồng, các cuộc thi về kiến thức và nhan sắc.
Ngọc Diễm làm mẹ đơn thân suốt nhiều năm qua.
Thông tin người đẹp sinh con gái đầu lòng năm 24 tuổi và làm mẹ đơn thân suốt nhiều năm từng khiến nhiều người bất ngờ. Con gái của cô năm nay đã 13 tuổi, tên ở nhà là Chiko, tên thật là Nam Phương, cô bé đang theo học tại một trường quốc tế ở TP.HCM.
Ngọc Diễm cho biết con gái mới 13 tuổi nhưng khá hiểu chuyện. Biết những vất vả, khó khăn mẹ trải qua khi đảm nhận nhiều vai trò nên Chiko đã tự lập từ khi còn nhỏ. "Ngoài việc nỗ lực học tập, con luôn quan tâm, hỏi han tôi. Chiko là động lực giúp tôi có thêm nhiều năng lượng tích cực cho công việc", cô nói. Theo Ngọc Diễm, Chiko bề ngoài trông có vẻ "bánh bèo' nhưng tính cách khá bản lĩnh, mạnh mẽ. Cô bé không ỷ lại vào mẹ mà luôn nỗ lực trong từng việc được giao, khiến Ngọc Diễm thấy tự hào. Để con gái trưởng thành như vậy thì người đẹp đã tốn không ít thời gian để dạy dỗ con từ những thứ nhỏ nhặt nhất.
Bà mẹ đơn thân xinh đẹp dành nhiều thời gian để chăm sóc và dạy dỗ con gái.
Mới đây, bà mẹ đơn thân xinh đẹp đã đăng tải đoạn tin nhắn trò chuyện cùng con gái lên mạng xã hội, cụ thể cô bé Chiko xin phép mẹ cho tham gia một hoạt động giải trí vào ngày 24/12, tuy nhiên Ngọc Diễm cho biết dịp này cả gia đình lên Đà Lạt để nghỉ lễ Giáng sinh với nhau. Chiko có vẻ vẫn muốn nài nỉ thêm để được tham gia sự kiện kia, tuy nhiên Ngọc Diễm đã nói rõ quan điểm rằng muốn con ưu tiên thời gian cho gia đình.
Ngọc Diễm tỏ rõ quan điểm muốn con gái ưu tiên thời gian cho gia đình trong những dịp lễ.
Ngoài ra, trong đoạn trò chuyện trên còn có một điểm khiến nhiều người quan tâm đó là cách cô dạy con phải biết nói lời cảm ơn. Ngọc Diễm mua táo cho con gái và yêu cầu con nói cảm ơn, tuy nhiên Chiko lại nói: "Cảm ơn rổ táo", ngay lập tức cô bé bị mẹ chấn chỉnh vì nói chưa đúng. Đến khi Chiko nói đầy đủ ý là "Cảm ơn mẹ vì rổ táo" thì Ngọc Diễm mới thấy ổn.
Người đẹp khá nghiêm khắc trong việc dạy con từ những điều nhỏ nhất.
Có thể thấy, mặc dù yêu thương con gái nhưng Ngọc Diễm lại rất nghiêm khắc trong vấn đề giáo dục con, đơn giản như việc nói lời cảm ơn, xin lỗi cũng phải thực hiện cho đúng vì đó được xem là một trong những kỹ năng sống cơ bản nhất. Tuy nhiên, người đẹp cũng tinh tế khi nói chuyện với con bằng ngữ điệu nhẹ nhàng, tình cảm, con gái đang ở độ tuổi dậy thì khá nhạy cảm nên nếu không để ý sẽ dễ làm con bị tổn thương.
Trước đây, khi chia sẻ về quan điểm dạy con, Ngọc Diễm cho biết cô theo "trường phái" làm bạn với Chiko. Dù bận rộn với công việc song nàng hậu 8X dành thời gian tâm sự, chia sẻ, định hướng và không ngại chỉ cho con những lỗi sai để bé khắc phục.
Con gái Chiko được mẹ giáo dục rất kỹ lưỡng.
Nói lời cảm ơn, xin lỗi là giá trị sống mà ông bố, bà mẹ nào cũng chú tâm dạy con trẻ trong những năm tháng đầu đời, bên cạnh việc truyền đạt kiến thức. Tuy nhiên, để bé nói lên lời “cảm ơn” và “xin lỗi” một cách chân thành và đúng lúc nhất, không phải ai cũng biết cách.
Từ câu chuyện dạy con của hoa hậu Ngọc Diễm, các phụ huynh có thể tham khảo những cách dạy con biết nói cảm ơn, xin lỗi dưới đây.
Ba mẹ hãy là tấm gương tốt
Cha mẹ là những người gần gũi, thân thiết với con nhất vì thế trẻ luôn quan sát và bắt chước theo những điều mà cha mẹ thường làm. Vì thế cha mẹ chính là tấm gương sáng cho con học theo. Hãy luôn thực hiện xin lỗi và cảm ơn một cách chân thành để bé có thể thấy đây là một việc mình nên làm.
Nếu cha mẹ không thực hiện tốt điều này thì bằng sự quan sát tinh ý của trẻ nhỏ trẻ sẽ thắc mắc tại sao người lớn không làm mà bắt mình phải làm. Cha mẹ hãy làm gương và thực hiện xin lỗi, cảm ơn một cách chân thành ngay từ những điều nhỏ nhất. Ôn tồn giải thích cho con khi con thắc mắc tại sao cần làm như vậy. Điều này sẽ giúp trẻ dễ dàng tiếp thu và học hỏi một cách nhanh chóng và dần hình thành phản xạ tốt giúp con sống chân thành hơn.
Dạy trẻ nói lời cảm ơn xin lỗi một cách rõ ràng
Khi trẻ đã nhận thức được khi nào mình nên nói cảm ơn và cần phải xin lỗi, ba mẹ cũng nên dạy trẻ cách áp dụng làm sao cho phù hợp.
Có thể trẻ đã biết mình cần nói cảm ơn/xin lỗi nhưng lại không biết nên mở lời thế nào dẫn đến hiện tượng ngượng nghịu, xấu hổ hay lúng túng. Lúc này, ba mẹ cần dạy con cách sử dụng ngôn từ và biểu đạt tình cảm khi giao tiếp với mọi người xung quanh.
Ba mẹ hãy cho trẻ thấy rằng, dù xin lỗi hay cảm ơn, đều cần xuất phát từ sự chân thành. Vậy nên, con hãy nói to, rõ ràng và đầy đủ chủ, vị ngữ. Chẳng hạn, khi được nhận quà từ ai đó, thay vì nói trống không từ "cảm ơn", con có thể nói: “Con cảm ơn cô/chú/ông/bà ạ”.
Khen ngợi khi trẻ nói cảm ơn, xin lỗi đúng lúc
Cách dạy trẻ biết cảm ơn và xin lỗi tiếp theo chính là khen ngợi trẻ đúng lúc. Trẻ nhỏ rất thích được tuyên dương, do đó ba mẹ có thể khen con khi con biết xin lỗi hay cảm ơn đúng hoàn cảnh. Ba mẹ cần cho trẻ biết rằng không ai là hoàn hảo và ai cũng có thể mắc sai lầm, tuy nhiên ai dám đứng ra nhận lỗi và xin lỗi thì mới là đứa trẻ ngoan. Mặc dù vậy, khi cổ vũ con, ba mẹ cũng cần sử dụng lời khen đúng mực và đúng thời điểm, tránh khen con quá nhiều khiến con cảm thấy được khen là điều đương nhiên. Từ đó hiểu sai bản chất của việc cảm ơn và xin lỗi.
Dạy trẻ những tình huống cần nói cảm ơn và xin lỗi
Những tình huống như: “Nếu con và bạn va trúng nhau bị ngã thì con sẽ làm gì?” “Nếu bạn nhặt giúp con quyển sách thì con sẽ làm gì?”,… cần được đặt ra để con trả lời theo ý của con. Ba mẹ hãy lắng nghe rồi phân tích đúng sai cho con. Bên cạnh đó, ba mẹ hãy nói “lấy giúp ba mẹ” hoặc “cám ơn con” khi nhờ con làm gì để con quen với những từ ngữ đó. Và ba mẹ hãy nhớ rằng luôn làm những điều tốt để con bắt chước và noi theo.