Từ lâu người Do Thái được biết đến là “dân tộc thông minh nhất thế giới”, chỉ với hơn 13 triệu dân nhưng đã sản sinh ra hơn 30% chủ nhân giải Nobel của toàn cầu. Nhiều người nổi tiếng trong các lĩnh vực khác nhau là người Do Thái hoặc có gốc Do Thái như tỷ phú Warrant Buffet, tỷ phú George Soros, tỷ phú Abramovich (người Nga gốc Do Thái), Albert Einstein…
Dành thời gian lặn lội sang mảnh đất Israel xa xôi, chuyên gia Lại Thị Hải Lý - Sáng lập Tập đoàn Giáo dục và đầu tư VSK – phương án 0 tuổi tại Việt Nam là người đưa giáo dục sớm Do Thái về Việt Nam, đã đến nhiều trường mầm non và thăm các gia đình ở nước này, tận mắt tìm hiểu, lắng nghe cách dạy con và những bí quyết để có những thế hệ tài năng.
Yêu thương con với tầm nhìn xa, trông rộng
Chuyên gia Lại Thị Hải Lý đưa ra hình ảnh về tình yêu giọt nước mát và tình yêu giọt máu đào để khắc họa tình yêu của những phụ huynh Do Thái. Nếu như tình yêu giọt nước mát chỉ làm chúng ta thỏa mãn cơn khát nhất thời thì tình yêu giọt máu đào đi vào cơ thể, nuôi dưỡng con người.
Bất cứ phụ huynh nào trên thế giới này đều yêu thương con cái nhưng với các bậc cha mẹ Do Thái luôn mong muốn tình yêu giọt máu đào, họ nhìn xa trông rộng và đem lại lợi ích lâu dài cho con chứ không phải là thỏa mãn những nhu cầu tức thì. Người Do Thái muốn đào tạo những đứa trẻ bản lĩnh, mạnh mẽ trong cuộc sống hàng ngày.
Theo quan niệm của các cha mẹ Do Thái, phụ huynh 100 điểm không bằng phụ huynh 80 điểm. Chính họ cho rằng phải tránh 3 “không” gồm: không thỏa mãn trước, không thỏa mãn tức thì và không thỏa mãn quá mức. Phần 20 điểm còn lại không phải là không yêu con mà điều đó ẩn giấu vào tình yêu lý trí, khoa học, nghệ thuật.
Ở Israel, có những trường mang tên quý tộc. Tuy nhiên, điều đặc biệt là khi trẻ em học ở đây được rèn luyện nhiều về chỉ số vượt khó AQ. Học sinh sẽ trải qua thử thách kể cả những vất vả. Các phụ huynh Do Thái rất chú trọng dạy con về tính tự lập, trẻ em có được kỹ năng phục vụ bản thân từ rất sớm.
Chuyên gia Lại Thị Hải Lý cho rằng, bố mẹ không nên quá bao bọc con.
Nhiều phụ huynh Do Thái vẫn kể cho con về câu chuyện “Cà rốt, trứng gà, cà phê”. Theo câu chuyện, có một cô bé thường gặp những khó khăn trong cuộc sống nên hay kể lể với bố. Người bố mang cà rốt, cà phê, trứng gà cho vào 3 cái nồi khác nhau và đun trên bếp. Khi các nồi sôi, ông vớt trứng gà, cà rốt, đổ cà phê ra. Quả trứng từ dễ vỡ sau đó cứng hơn, cà rốt từ cứng thành mềm, cà phê tan trong nước. Qua đó ông muốn nhắn nhủ với con gái, khi đứng trước khó khăn con sẽ lựa chọn trở thành cà rốt (mềm) hay cứng rắn như trứng hoặc tan biến như cà phê.
Đọc sách để áp dụng thực tiễn
Cũng theo chuyên gia Lại Thị Hải Lý, các phụ huynh Do Thái quan niệm có điểm số tốt sẽ có trường học tốt, có trường học tốt sẽ có tấm bằng đẹp, có tấm bằng đẹp sẽ có công việc tốt. Tuy nhiên, quan niệm giữa công việc tốt và thành công là khác nhau, bởi không phải có công việc tốt là sẽ thành công
Người Do Thái vẫn sử dụng hình ảnh con lừa thồ sách trên lưng và trên sách là con chim cú mèo để nhắn nhủ, nếu chỉ dừng lại ở đọc sách mà không ứng dụng vào cuộc sống thì đó là trí tuệ chết. Bởi, việc học hay đọc sách là để ứng dụng, chứ không chỉ để biết.
Việc phát triển trí tuệ rất được người Do Thái quan tâm, điều này là nhờ thói quen và đam mê đọc sách. Ở Israel cứ 4.500 người sẽ có 1 thư viện với các đầu sách cực kỳ quý giá, trong số đó khoảng hơn 1000 là thư viện công cộng.
Cho trẻ học cách làm việc nhà
Tại mỗi gia đình người Do Thái, phụ huynh luôn chú trọng việc dạy con làm việc nhà. Chuyên gia Lại Thị Hải Lý cho biết: “Ở Isreal có đến 900 tạp chí về gia đình. Tạp chí gia đình nổi tiếng nhất nước này đưa ra thống kê tỷ lệ thất nghiệp của những đứa trẻ không biết làm việc nhà gấp 15 lần những đưa trẻ biết làm việc nhà. Còn những đứa trẻ biết làm việc nhà thu nhập bình quân gấp 20 lần những đứa trẻ không biết làm việc nhà”.
Hiện nay, vẫn còn nhiều cha mẹ quan niệm làm hết việc của con, dành thời gian cho con học miễn có càng nhiều điểm 10 càng tốt. Không ít người coi việc lấy thời gian của con để cho trẻ học làm việc nhà là có lỗi nhưng điều đó thực tế là làm hại con.
Theo chuyên gia Lại Thị Hải Lý, trong xã hội hiện đại ngày nay, đáng lo ngại là xuất hiện căn bệnh 421 hay 621. Có nghĩa là cả gia đình có ông bà, bố mẹ hoặc nhiều thế hệ hơn tập trung phục vụ 1 đứa trẻ. Tuy nhiên, phụ huynh Do Thái khuyên không nên như vậy.
Tại nhiều gia đình Việt Nam, việc bón cơm cho con không phải là chuyện xa lạ. Thậm chí, với đứa trẻ lười ăn thì ông bà, bố mẹ phải dùng nhiều chiêu trò khác nhau. Có những người phải “đánh vật” với trẻ vài tiếng đồng hồ để cho ăn chỉ 1 bát cháo nhỏ hay có người cho con ngồi xe máy đi lòng vòng để khíc lệ trẻ ăn nhưng khi ăn xong thì bình xăng cũng cạn. Tuy nhiên, với người Do Thái, trẻ con sẽ có ghế riêng và tự ăn.
Trẻ em Do Thái ở Israel được học cách tự lập rất sớm (Ảnh minh họa)
Câu chuyện về gia đình sư tử mà các phụ huỵnh Do Thái vẫn kể với mục đích để nhắc nhở cho mỗi người làm cha mẹ mang đến nhiều suy ngẫm cực kỳ sâu sắc. Chuyện là, có một bà mẹ sư tử nói sẽ dạy con đi săn. Hai anh em sư tử quá hứng khởi, chạy quá nhanh nên người anh lăn vòng tròn và bị thương. Sau đó, mẹ sư tử cho người anh ở nhà. Hàng ngày, mẹ và em sư tử vẫn đi săn mồi nhưng khi ăn không quên để phần cho người anh. Từ đó, anh sư tử sống trong sự thoải mái, hàng ngày được ăn mà không phải đi kiếm mồi. Cho đến khi trưởng thành, mẹ sư tử mất, lúc đó 2 anh em phải tự đi kiếm ăn nhưng rồi chúng lạc nhau, ánh sư tử bị thương và không qua khỏi. Trước khi chết sư tử anh chỉ thốt lên một câu: “Con hận mẹ”.
Chuyên gia Lại Thị Hải Lý cho rằng: “Các cha mẹ không nên bao bọc con mà cần tạo điều kiện để con trưởng thành”.
Phải tránh “tâm lý vỏ trứng”
Với phụ huynh Do Thái, họ vẫn nhắc nhở nhau cần tránh “tâm lý vỏ trứng”. Đó là câu chuyện đào tạo nên những em bé thông minh, bề ngoài tự tin có thể đạt tới thành công nhưng bên trong lại yếu đuối. Những em bé này không chịu nghe bất cứ lời chê nào từ giáo viên, sếp và ngoài xã hội, vì bản thân tự nghĩ mình quá hoàn hảo. Chỉ cần một chút chê đã cảm thấy tổn thương, không quen với sự thử thách nên chỉ cần một chút khó khăn cũng thấy cuộc đời chấm dứt.
Chú trọng giáo dục sớm
Việc giáo dục sớm có tầm quan trọng to lớn, thậm chí người Do Thái đã chú trọng vấn đề này từ rất lâu. Năm 1980, Liên Hợp Quốc phát động giáo dục sớm trên toàn cầu. Mới đây, Tổng thống Mỹ Barack Obama chi 7 tỷ USD trong 10 năm để đầu tư cho giáo dục sớm, với quan điểm “1 USD chúng ta đầu tư hôm nay sẽ tiết kiệm được 7 USD sau này".
Theo chuyên gia Lại Thị Hải Lý, thời kỳ tốt phát triển tiếng nói là trước 2 tuổi, thời kỳ tốt để nhận biết chữ trước 3 tuổi, thời kỳ tốt nhất để học đếm là trước 4 tuổi. Tuy nhiên, không được tiểu học hóa, không quý tộc hóa, không chăm sóc hóa, không vui chơi tự do hóa, không nữ tính hóa.
Học nhận biết tiền, quản lý tài sản từ nhỏ
Đối với phụ huynh Do Thái, giáo dục con cách quản lý tài sản được thực hiện ngày từ khi trẻ còn bé. Một bà mẹ có con là triệu phú ở Israel cho biết, mục tiêu ban đầu không phải tạo ra triệu phú mà triệu phú là hệ quả tất yếu của quá trình giáo dục.
Với trẻ em Do Thái, 3 tuổi được dạy cách phân biệt tiền và biết giá trị tiền, 4 tuổi được bố mẹ đưa tiền để dùng mua sắm những đồ đơn giản, 5 tuổi hiểu có được là nhờ lao động nên phải chi tiêu hợp lý. Từ 6-10 tuổi được bố mẹ cho số tiền lớn hơn một chút và học cách quản lý tiền, tài sản, khi trẻ 10 tuổi sẽ có tài khoản riêng. Thậm chí, tại nhiều gia đình Do Thái, khi con làm việc nhà có thể thưởng những khoản tiền nho nhỏ.
Chuyên gia Lại Thị Hải Lý cho biết: "Ở Israel, trẻ em còn được tham quan một ngày làm việc của bố mẹ. Có em đã khóc vì không biết được để có được đồng tiền mẹ đã phải đứng máy dệt cả ngày trong sự vất vả”.