Nếu bạn muốn con mình lớn lên tự tin, thành công, hãy thận trọng trong cách khen ngợi. Chuyên gia giáo dục Jennifer Breheny Wallace, cựu sinh viên Đại học Harvard, đồng thời là tác giả cuốn sách: “Không bao giờ là đủ: Khi áp lực thành tích trở nên độc hại, cha mẹ có thể làm gì?” cho biết: “Thay vì ca ngợi thành tích như điểm số cao trong học tập, cha mẹ hãy tập trung và những tính cách cụ thể để giúp con mình thành công”.
Jennifer chia sẻ với trang CNBC Make It rằng: “Nhận thấy điểm mạnh của người khác và thừa nhận điều đó sẽ khiến họ cảm thấy mình quan trọng”.
Để viết cuốn sách của mình, Jennifer đã phỏng vấn các nhà tâm lý học trẻ em và khảo sát 6.500 phụ huynh trên khắp nước Mỹ. Cô làm việc với Richard Weissbourd, một nhà tâm lý học trẻ em tại Trường Cao đẳng Giáo dục Harvard.
Jennifer Breheny Wallace
Nghiên cứu của Jennifer đã chỉ ra rằng, việc tập trung vào sự thành thật, sáng tạo và các phẩm chất tích cực khác của trẻ thường giúp chúng phát triển một người mạnh mẽ về mặt tâm lý.
Jennifer nhớ lại lời của Weissbourd rằng, con người trở nên "mạnh mẽ và trưởng thành hơn, không phải bằng cách được khen ngợi mà là bằng cách được thấu hiểu".
"Chúng ta cần nhìn thấy những giá trị bản thân của trẻ. Những thứ không liên quan đến thành tích bên ngoài", Weissbourd nói.
Một số lời khen ngợi làm tăng áp lực cho trẻ
Theo một số nhà tâm lý học, việc khen ngợi trẻ em vì những thành tích cụ thể thực tế có thể gây hại hơn là có lợi.
Đối với nhiều trẻ em và thanh thiếu niên mà Jennifer đã phỏng vấn, sự tập trung vào điểm số tốt hoặc chiến thắng trong một cuộc thi làm tăng áp lực và căng thẳng mà trẻ cảm thấy để đạt được những thành tích đó.
"Điều đó sẽ trở thành tiêu chuẩn mới. Và điều này đơn giản không bền vững đối với những đứa trẻ này. Khen ngợi trở nên áp lực hơn, giống như biểu thị: Bây giờ, chúng tôi kỳ vọng điều này từ bạn", Jennifer nói.
Nghiên cứu cho thấy, trẻ em hiểu rằng điểm số tốt là kết quả của sự nỗ lực và những điểm mạnh về cá nhân, chứ không chỉ là khả năng đơn thuần, thường có khả năng thành công hơn trong tương lai.
Trẻ em sẽ phát triển tốt hơn nếu hiểu được rằng, cha mẹ đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của chúng không chỉ vì là thành tích.
Nếu hiểu được điều này, trẻ có thể xây dựng được lòng tin để đối mặt với những thách thức mới mà không sợ thất bại, thậm chí có khả năng đứng dậy sau mỗi thất bại.
Làm thế nào để tìm ra chính xác những gì cha mẹ cần nói?
Cách tìm ra những gì chính xác cần nói là điều không dễ dàng, Jennifer lưu ý. Xác định những điểm mạnh về tính cách của con bạn có thể khó khăn. Áp lực từ việc làm cha mẹ thường làm bạn tập trung nhiều hơn vào việc cố gắng sửa những điểm yếu của con.
"Chúng ta nghĩ rằng, việc cải thiện nhược điểm của con là nhiệm vụ của cha mẹ. Tuy nhiên, cha mẹ nên nhìn vào những điểm mạnh của con, đừng quá tập trung vào những điều tiêu cực”, Jennifer nói.
Một trong những gợi ý của Jennifer là: “Tổ chức một buổi họp gia đình để tìm ra những điểm mạnh của con cái, nhấn mạnh vào những điểm tích cực của con người như dũng cảm, sáng tạo, tốt bụng, hài hước và thông minh.
Bằng cách này, bạn có thể nhận ra con mình có những điểm mạnh gì và khuyến khích con thể hiện nó hằng ngày”.
Bạn cũng có thể hỏi ý kiến của giáo viên của con, vì họ thường giỏi trong việc tìm ra những điểm mạnh của trẻ.