Tuy mới chỉ 8 tuổi nhưng cô bé Trần Tiểu Băng (hiện đang học lớp 4 Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, TP.HCM) đã có khả năng nói Tiếng Anh trôi chảy, lưu loát và thậm chí làm toán Tiếng Anh rất giỏi khiến nhiều người bất ngờ.
Tiểu Băng từng đoạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi toàn quốc về Tiếng Anh như quán quân English Champion 2017, Math Violympic IOE... và rất nhiều cuộc thi Tiếng Anh tại trường lớp.
Chị Nguyễn Loan, mẹ bé Tiểu Băng cho biết, ngoài đời, Tiểu Băng là một cô bé có cá tính rất mạnh mẽ, chủ động, thích tham gia các cuộc thi và đam mê không chỉ Tiếng Anh mà còn các cả môn khoa học khác như Toán, Sử, Địa...
Một điều thú vị nữa ít ai hay, đó là cô nhóc lớp 4 "bắn Tiếng Anh như gió này" lại xuất thân trong một gia đình có bố mẹ đều là bác sĩ và không biết nhiều về ngoại ngữ.
Với những bậc cha mẹ có mong muốn dạy con tự tin, nói Tiếng Anh thông thạo như người bản ngữ, bà mẹ hai con chia sẻ 3 "gạch đầu dòng" vô cùng quý báu từ chính kinh nghiệm "xương máu" của mình:
1. Hãy cho con làm quen với Tiếng Anh càng sớm càng tốt
Nhiều cha mẹ Việt có chung nỗi lo “Tiếng Việt còn chưa sõi, sao học được Tiếng Anh”, từ đó thường cho trẻ học Tiếng Anh khi đã vào tiểu học, và đó cũng là sai lầm đáng nhớ nhất mà chị Loan gặp phải.
Thực tế, bộ não trẻ em dễ dàng tiếp thu ngôn ngữ hơn là người lớn và thậm chí, cùng lúc trẻ nhỏ có thể học được 2,3 ngôn ngữ - một điều mà những người trưởng thành muốn học sẽ rất khó khăn.
Khi con người lớn lên thì bộ não con người sẽ khó tiếp thu hơn. Thêm vào đó, đặc điểm của một số cơ quan trong cơ thể con người như tai, màng nhĩ, lưỡi và cơ miệng được thiết kế để có thể bắt chước cách phát âm. Ở độ tuổi nhỏ, khả năng bắt chước và lặp lại ngôn ngữ rất tốt. Trẻ em ở độ tuổi tiểu học hoặc đến lớp 6 hoặc 7 có thể được xem là đã trễ để học ngôn ngữ.
“Cũng từng mang suy nghĩ phải đợi con sõi Tiếng Việt, viết Tiếng Việt đúng chính tả mới cho con học Tiếng Anh nên bé đầu tiên tôi cho con tiếp xúc với Tiếng Anh khá muộn, ở độ tuổi 6,7 tuổi. Đó là sai lầm của tôi.
Rút kinh nghiệm, ở bé thứ 2 là Tiểu Băng, tôi cho con đi học Tiếng Anh ngay từ khi bé mới chỉ 4 tuổi. Trái với lo lắng rằng con sẽ bị rối loạn ngôn ngữ, Tiểu Băng nói cả Tiếng Anh và Tiếng Việt đều rất tốt do ở trường bé được học Tiếng Anh nhưng ở nhà, bố mẹ vẫn nói chuyện với con bằng Tiếng Việt”, chị Loan chia sẻ.
2. Tạo môi trường tiếp xúc với Tiếng Anh cho con ngay tại gia đình
Bản thân cả hai vợ chồng đều làm bác sĩ, kiến thức về Tiếng Anh khá hạn chế nhưng chị Loan và chồng đều nhận định được rằng Tiếng Anh rất tốt cho sự phát triển sự nghiệp và trong công việc, những người thông thạo Tiếng Anh đều có được lợi thế tốt, do đó, hai vợ chồng chị xác định sẽ nuôi dạy hai con nói thật tốt Tiếng Anh.
Không giỏi ngoại ngữ nhưng chị Loan luôn cố gắng tạo môi trường tiếp xúc với Tiếng Anh cho con ngay tại gia đình. Bản thân Tiểu Băng có cả một “thư viện sách” Tiếng Anh và khi đi mua sách cho con, chị Loan cũng luôn chú ý chỉ chọn những cuốn sách bằng Tiếng Anh cho con đọc.
Tận dụng tâm lý trẻ nhỏ thích xem Ipad, Tivi và phim ảnh, chị Loan cũng không cấm con mà hướng con đến việc tiếp cận công nghệ theo cách thông minh.
“Tôi thường cho bé xem tivi, ipad khoảng 1 tiếng mỗi ngày và nhiều hơn vào cuối tuần, chủ nhật. Các chương trình được tôi chọn lọc cho bé luôn là những bài hát, bộ phim và các trò chơi bằng Tiếng Anh. Việc xem phim, nghe nhạc Tiếng Anh mang lại tác dụng lớn trong việc dạy Tiếng Anh cho trẻ”.
3. Không được nóng vội và luôn khuyến khích con nói mọi lúc mọi nơi
“Khi Tiểu Băng 4 tuổi và bắt đầu đi học Tiếng Anh, phải đến một năm sau đó, khi con 5 tuổi tôi mới nhận thấy bé bắt đầu sử dụng Tiếng Anh và bật nói Tiếng Anh một cách tự nhiên trong cuộc sống hàng ngày. Đừng vì thấy con nói sai ngữ pháp một câu mà chặn trẻ lại, không để bé nói tiếp.
Đến nay, Tiểu Băng vẫn đang ngày ngày học thêm các từ mới, cách phát âm, nói chuyện thông qua sách báo, ca nhạc, phim ảnh... và giao tiếp Tiếng Anh với thầy cô, các bạn ở lớp”.
Do đó, việc cha mẹ cho con đi học Tiếng Anh và mỗi ngày bé từ trường về lại mong muốn con học thêm được 5 từ, 10 từ vựng mới mỗi ngày là một quan niệm sai lầm.
Theo chị Loan, việc học Tiếng Anh của trẻ em phải như mưa dầm thấm lâu, không thể trông đợi ngày một ngày hai mà có thể giỏi, cha mẹ cần phải kiên trì, không được nóng vội, thúc ép trẻ thì mới mong con thoải mái, tự tin và yêu thích Tiếng Anh.