Sự lớn lên và phát triển của trẻ luôn là vấn đề được các bậc phụ huynh quan tâm, vì vậy ngay từ khi đứa trẻ chào đời, bố mẹ nào cũng đều muốn dành những điều tốt nhất cho con mình.
Các chuyên gia chỉ ra rằng, mỗi đứa trẻ sẽ có các cột mốc phát triển khác nhau tùy vào thể chất, nếu bố mẹ dạy con quá sớm 3 điều sau đây có thể sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển toàn diện sau này của con
Cai sữa mẹ quá sớm
Chúng ta đều biết sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng lớn nhất của trẻ, chuyên gia khuyến khích nếu có điều kiện tốt từ sơ sinh cho đến khi trẻ được khoảng 2 tuổi nên cho trẻ sữa mẹ để cải thiện sự phát triển của trẻ.
Cai sữa mẹ có nghĩa là bắt đầu cho trẻ bú ít hơn và thay thế việc bú sữa mẹ bằng một nguồn dinh dưỡng khác, chẳng hạn như sữa công thức hoặc thức ăn đặc. Khi trẻ cai sữa hoàn toàn, trẻ không còn nhận được dinh dưỡng từ việc bú mẹ.
Nghiên cứu cho thấy việc nuôi con bằng sữa mẹ mang lại cho con bạn nhiều lợi ích về sức khỏe. Sữa mẹ rất dễ tiêu hóa, và nó chứa tất cả các chất dinh dưỡng mà em bé cần cũng như các kháng thể và đặc tính miễn dịch để ngăn ngừa nhiễm trùng và bệnh tật. Vì vậy, việc cai sữa mẹ quá sớm và thay thế bằng các loại thức uống khác có thể ảnh hưởng đến lượng dưỡng chất được cung cấp cho cơ thể trẻ.
Nguồn dinh dưỡng mà mẹ tiêu thụ hàng ngày sẽ được truyền cho con dưới dạng sữa mẹ mà sữa bột không thể cung cấp được, do đó, việc chỉ cho trẻ uống sữa bột khi đang trong thời kỳ bú mẹ là lựa chọn chính xác.
Quá trình ăn dặm tự nhiên thường bắt đầu khi trẻ bắt đầu ăn dặm ở khoảng sáu tháng tuổi, nếu cai sữa mẹ và cho trẻ ăn dặm sớm có thể ảnh hưởng đến sức khỏe hệ tiêu hóa. Bởi hệ thống tiêu hóa và thận của bé có thể chưa phát triển đầy đủ để đủ sức tiêu hóa được thực phẩm rắn, làm bé có nguy cơ gặp phải các vấn đề về tiêu hóa như tiêu chảy.
Trong trường hợp trẻ cần cai sữa mẹ, bố mẹ nên chú ý lựa chọn các loại sữa hỗ trợ hoặc thức uống khác có thể cung cấp đủ dinh dưỡng cần thiết cho con, kết hợp chế độ ăn dặm, nghỉ ngơi phù hợp.
Nếu cai sữa mẹ quá sớm có thể ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất của trẻ.
Dạy trẻ tập đi quá sớm
Nhiều bố mẹ thường hay so sánh con nhà mình với con nhà người ta. Tuy nhiên, sự tăng trưởng và phát triển cũng như sự phối hợp thể chất của mỗi trẻ là khác nhau, việc vội vàng cho trẻ tập đi sẽ vô tình ảnh hưởng đến phát triển xương và cột sống của trẻ. Vì thế, không nên ép trẻ tập đi khi con chưa sẵn sàng.
Việc tập đi sớm khi cơ thể chưa sẵn sàng sẽ làm tăng trọng tải lên khớp háng của bé. Xương cẳng chân còn khá mềm chứa nhiều nước, chất hữu cơ nhưng lại ít canxi nên rất dễ bị biến dạng. Chính vì thế về sau nhiều đứa trẻ tập đi sớm chân dễ bị vòng kiềng.
Đồng thời, trong trường hợp bình thường lòng bàn chân sẽ lõm và hình vòm để phân bổ trọng lực cơ thể trên từng vị trí chân. Tuy nhiên, nếu cho trẻ tập đi sớm, cấu trúc lòng bàn chân chưa hoàn chỉnh, trọng lượng trực tiếp đè lên gót chân, khiến vùng này chịu trọng lực quá mức. Tình trạng này sẽ khiến trẻ đi lại khó khăn, nhanh mệt.
Ngoài ra, trẻ vẫn đang trong giai đoạn khám phá mọi thứ xung quanh ở phạm vi gần. Khi tập đi, trẻ sẽ chỉ chăm chăm nhìn về một điểm ở phía xa như đồ chơi, tiếng vỗ tay của bố mẹ,.. Điều này khiến trẻ bị hạn chế tầm nhìn, ảnh hưởng tới sự phát triển thị lực của trẻ.
Các chuyên gia khuyến cáo, bố mẹ tốt hơn hết nên tuân thủ quy trình phát triển tự nhiên của trẻ, nên để con tiếp tục bò trước khi trẻ biết đi.
Việc tập đi sớm khi cơ thể chưa sẵn sàng sẽ làm tăng trọng tải lên khớp háng của bé.
Ép con học sớm, vội đến trường
Hiện nay nhiều bố mẹ cho con bắt đầu học chữ cái, tập đọc từ rất sớm, đôi khi chưa vào mầm non đã dạy con đọc.
Việc cho trẻ có cơ hội học sớm trước độ tuổi là điều tốt, nhưng điều này cũng cần phải bắt đầu từ khả năng thực tế của trẻ. Thực tế, não bộ của trẻ còn nhỏ quá chưa chứa được quá nhiều, nhất là những kiến thức mang tính học thuật như chữ viết, đánh vần… Nếu dung nạp lượng kiến thức lớn quá sớm sẽ vô tình tạo thêm gánh nặng.
Ngược lại những điều liên quan đến sáng tạo, bắt chước hành động, khám phá con sẽ học và nhớ lâu hơn. Bởi bản chất trẻ con rất sôi nổi, khả năng tự chủ và tập trung chưa đủ, trẻ dễ bị thu hút bởi những thứ từ thế giới bên ngoài, phân tâm bởi những điều thú vị, vui vẻ xung quanh.
Trên thực tế, bố mẹ không cần phải lo lắng về việc học tập của con cái, sự phát triển trí não của trẻ sẽ không bị ảnh hưởng nhiều bởi một hoặc hai năm giáo dục sớm.
Bố mẹ có thể cho trẻ chơi một số trò chơi trí tuệ đúng cách, để trẻ lớn lên trong một môi trường thoải mái, điều này sẽ giúp ích cho sự phát triển của trẻ.
Thực tế, bố mẹ không nên lo lắng cho sự phát triển của trẻ, quá trình trưởng thành của trẻ là theo từng giai đoạn, mọi thứ đều có quy luật tự nhiên, nếu cố gắng sắp xếp những việc không phù hợp hoặc quá sớm sẽ vô tình làm ảnh hưởng đến sức khỏe toàn diện của con.
Nếu trẻ dung nạp lượng kiến thức lớn quá sớm sẽ vô tình tạo thêm gánh nặng cho não bộ.