Theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, từ 18/8 đến 4/9, Hòa Bình ghi nhận 93 ca sốt phan ban nghi mắc sởi. Trong khi đó, tại Sơn La, từ 15/8 đến 30/8 ghi nhận 50 trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại Vân Hồ, Sơn La.
Ông Phu lý giải, tại một số tỉnh miền núi phía Bắc có điều kiện kinh tế, giao thông đi lại khó khăn, tỉ lệ tiêm chủng vắc xin sởi thấp nên có nguy cơ bùng phát dịch bệnh sởi là rất lớn.
Để khống chế ổ dịch lây lan, Bộ Y tế yêu cầu tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình, diễn biến của dịch bệnh sởi. Bộ Y tế cũng yêu cầu phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, xử lý triệt để, cách ly điều trị, tránh lây lan và biến chứng nặng cho bệnh nhân.
Bộ Y tế yêu cầu rà soát, thống kê trẻ từ 1-14 tuổi trên phạm vi toàn tỉnh Hòa Bình, Sơn La, phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tổ chức tiêm vắc xin sởi rubela ngay trong tháng 9.
Bệnh viện Nhi Trung Ương luôn trong tình trạng quá tải, do số lượng bệnh nhi mắc sởi cao kỷ lục. (Ảnh chụp thời điểm dịch sởi bùng phát hồi tháng 4/2014)
Trao đổi với phóng viên sáng nay (9/6), ông Lê Xuân Hoàng, Phó Giám đốc Sở Y tế Hòa Bình cho biết, hiện có 6 ca mắc sởi nặng. Những trường hợp này chưa phải thở máy đang điều trị ở Bệnh viện huyện Mai Châu và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Theo ông Hoàng, Sở Y tế Hòa Bình đã thành lập tổ công tác dự phòng, bác sĩ điều trị, sẵn sàng cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân mắc sởi.
“Quan điểm của Sở Y tế Hòa Bình là điều trị tại chỗ, những trường hợp rất nặng mới đưa lên tuyến trên để tránh lây lan ra cộng đồng”, ông Hoàng nói.
Theo các chuyên gia, bệnh sởi lây chủ yếu qua đường hô hấp, khi bệnh nhân có virus sởi, chỉ cần hắt hơi, ho sẽ đưa vi khuẩn ra ngoài và người hít phải sẽ nhiễm virus. Đến nay, tiêm vắc xin vẫn là biện pháp bảo vệ trẻ an toàn nhất. Nó không chỉ có lợi cho cá nhân người được tiêm mà còn có lợi cho cả cộng đồng.