Dưới đây là 6 lý do Sg.theasianparent.com giải thích tại sao phớt lờ tiếng khóc của con không phải là ý kiến hay.
Khóc là cách giao tiếp duy nhất của bé
Trước khi phát triển kỹ năng ngôn ngữ, cách để trẻ biểu lộ cảm xúc là thông qua việc khóc hay cười. Cả hai trạng thái này đều diễn ra tự nhiên và là cách duy nhất để trẻ giao tiếp. Việc bị bỏ mặc khi khóc không khiến trẻ hiểu là chỉ mỉm cười mới thu hút sự chú ý của người lớn còn khóc sẽ bị phớt lờ.
Ảnh minh họa: Sg.theasianparent.com. |
Mặc kệ tiếng khóc có thể làm giảm hiệu quả ngôn ngữ nói của trẻ
Khi bố mẹ phớt lờ tiếng con khóc, trẻ sẽ được dạy là bé không có quyền bày tỏ sự không hài lòng. Điều này có thể ảnh hưởng tới sự phát triển kỹ năng nói của trẻ. Kết quả là, trẻ có thể gặp khó khăn trong việc hiểu cảm xúc của chính mình và do đó có vấn đề về sắp xếp trật tự từ.
Cảm xúc không vui có thể bị dập tắt
Khi tiếng khóc của một em bé bị phớt lờ cũng là dấu hiệu cho thấy cảm xúc không vui là điều gì đó không được quan tâm. Khi bé lớn lên, trẻ sẽ lựa chọn hình thức giữ lại cảm xúc không vui trong nội tâm, gây ức chế và sẽ cản trở sự phát triển tâm lý lành mạnh sau này trong cuộc sống.
Đánh giá thấp cảm xúc của trẻ
Phớt lờ tiếng khóc của một đứa trẻ sẽ gửi tới bé thông điệp rằng cảm xúc của em không quan trọng. Điều này có thể tác động lớn nhất tới cả trẻ và cha mẹ chúng khi trẻ ở tuổi vị thành niên. Khi cảm xúc của trẻ bị đánh giá thấp trong những năm đầu hình thành nhân cách, như tuổi teen, trẻ có thể không thấy tầm quan trọng của việc giao tiếp cởi mở với bố mẹ mình.
Trẻ học cách phớt lờ những người bơ vơ
Khi trẻ cố gắng hiểu thế giới phức tạp đang sống, chúng thường khái quát hóa những điều mình quan sát được. Khi tiếng khóc của trẻ bị phớt lờ, chúng nghĩ thế giới này không phải là nơi giàu lòng nhân ái, có sự đồng cảm, chia sẻ và những người bất hạnh, không nơi nương tựa sẽ bị bỏ mặc. Nếu bạn muốn con lớn lên biết động lòng trắc ẩn và có sự sẻ chia, đừng giấu giếm cảm xúc hay sự chú ý khi bé phiền muộn, khó chịu.
Khóc là bản năng tự nhiên
Luôn có hậu quả tiêu cực cho việc phớt lờ hay ức chế các bản năng tự nhiên, mạnh mẽ nhất của mỗi chúng ta. Những trẻ sơ sinh khóc dai dẳng có mức hoóc môn căng thẳng cao bất thường và hoóc môn tăng trưởng thấp hơn. Điều này ức chế sự phát triển của các mô thần kinh trong não, kìm nén sự phát triển, và làm trì trệ hệ thống miễn dịch.
Một nghiên cứu do các nhà khoa học tại Trường y Harvard và trường Yale (Mỹ) cho thấy căng thẳng quá mức ở một đứa trẻ suốt những tháng đầu đời có thể thay đổi hệ thống dẫn truyền thần kinh não và gây ra những thay đổi về cấu trúc, chức năng bộ não tương tự như những gì gặp ở người lớn bị trầm cảm.
Khóc là bản năng tự nhiên của trẻ em. Đôi khi nó chỉ là sự kêu gọi chú ý chứ không báo hiệu điều gì nghiêm trọng. Dù là như vậy, đó cũng là một nhu cầu chính đáng. Hãy xem con cần gì trước khi phớt lờ tiếng khóc của con.
Vậy có cần phải ngay lập tức vỗ về hay đáp ứng nhu cầu của trẻ khi con khóc? Không cần thiết. Nhưng đừng bỏ mặc trẻ và hãy thể hiện sự đồng cảm. Chẳng hạn, nếu bé tuổi mầm non của bạn muốn ăn kẹo vào bữa sáng, và bạn không đồng ý, rồi con khóc, không cần phớt lờ con hay vội đưa ngay kẹo cho bé. Bạn có thể thử nói: "Mẹ biết con buồn vì không được ăn kẹo. Mẹ biết con thực sự muốn ăn kẹo, nhưng nó không tốt cho sức khỏe nếu ăn kẹo thay bữa sáng. Mẹ muốn con được khỏe mạnh".
Khi bạn nói điều gì đó tương tự cách trên, bạn vừa tỏ ra hiểu tâm trạng của con vừa vẫn ghi nhận cảm xúc của bé. Bằng cách không phớt lờ sự thất vọng của bé sơ sinh hay trẻ nhỏ, bạn sẽ tạo lập được nền tảng cảm xúc mạnh mẽ cho con để lớn lên trẻ trở thành người có tâm lý vững vàng, toàn diện.
Vương Linh