Mỗi sáng, hàng triệu trẻ em Mỹ thức dậy và đi học dưới sự đưa đón, hỗ trợ từ các bậc phụ huynh hoặc người lớn tuổi trong nhà.
Tuy nhiên, ở Nhật Bản, trẻ em lại phải tự đi học một mình. Trong khu vực tàu điện ngầm Tokyo, nơi mà dân số chiếm khoảng 38 triệu dân, có những chuyến đi kéo dài đến 1 tiếng đồng hồ, học sinh nhật bản vẫn chỉ đi một mình, theo báo cáo CBS News.
học sinh nhật bản đều tự mình đi học vào mỗi sáng mà không có sự đưa đón của người lớn.
Từ 5:30 đến 6:30 sáng vào các ngày học, thói quen của cậu bé Ryuhei Sato, 7 tuổi giống như bất kỳ bạn học đồng trang lứa là ăn sáng và chuẩn bị cho việc đi học của mình.
Hành trình của Sato bắt đầu với một chuyến đi 10 phút đến ga tàu điện ngầm. Sau đó Sato tiếp tục đi bộ tới từ ga tàu điện ngầm đến trường.
"Những ngày đầu tiên tôi đã rất lo lắng", mẹ Sato nói, "Nhưng ngay từ ban đầu, tại Nhật Bản, cha mẹ được khuyến khích để con mình tự đi học", bà cho biết thêm.
Một trường hợp khác đó là Kaito, một cậu bé 12 tuổi sống ở Tokyo, đã tự mình đi bắt xe để đi học từ khi mới 9 tuổi. "Tôi tự đi xe lửa khi tôi còn trẻ hơn Kaito.Thành thật mà nói, những gì tôi nhớ lúc đó rằng các tàu công cộng đều an toàn, đúng giờ và dễ bắt. Kaito cũng một đứa trẻ thông minh. Nếu bị lạc, thằng bé có thể gọi cho chúng tôi", mẹ kế của Kaito nói.
Mẹ kế của Kaito nói rằng cô ấy sẽ không để cho một cậu bé 9 tuổi đi tàu điện ngầm ở London hoặc New York mà chỉ ở Tokyo mới dám làm thế vì thực sự thì tàu điện ngầm ở Tokyo khá an toàn.
Kết thúc chương trình học trên lớp, học sinh sẽ được yêu cầu đi thẳng về nhà để đảm bảo an toàn.
Teru Clavel, một nhà xã hội học người Mỹ gốc Nhật hiện đang sống ở Tokyo, cho biết: "Để trẻ tự đi học một mình mà không cần cha mẹ đưa đón là một phần trong văn hoá truyền thống của người Nhật rằng trẻ em được cho là độc lập vào thời điểm họ bắt đầu lên 6 tuổi".
Thông thường học sinh Nhật sẽ tự đi giày, mặc áo kẻ sọc, đội mũ rộng vành, đeo balo và đứng đợi xe điện, xe lửa. Tất cả các học sinh ở Nhật đều như thế, thậm chí những học sinh mới học lớp 1, 2 đều đi học mà không có người lớn, Teru cho biết thêm.
Thậm chí có một chương trình truyền hình thực tế tại Nhật Bản để theo dõi và rèn luyện tính tự lập của học sinh Nhật Bản. Chương trình truyền hình nổi tiếng có tên là Hajimete no Otsukai (tên tiếng Anh là My First Errand) được đặt ra với yêu cầu những đứa trẻ tham gia chương trình làm một nhiệm vụ nào đó cho gia đình. Chẳng hạn các bé phải tự tìm đường đến cửa hàng rau hoặc tiệm bánh và quá trình này được quay một cách bí mật suốt 25 năm.
Giải thích về điều này, Dwayne Dixon, một nhà nhân văn học, cho rằng: "Trẻ em Nhật học tự lập từ sớm, bất kỳ thành viên nào trong cộng đồng đều được kêu gọi để phục vụ hoặc giúp đỡ người khác", ông nói.
"Giả định này được thực hiện ở trường học, nơi trẻ em thay phiên dọn dẹp sau giờ ăn trưa thay vì có nhân viên dọn dẹp như ở các nước khác".
Lý do được đưa ra cho việc học sinh tại Nhật Bản được khuyến khích đi học, tự lập từ sớm là do tại nước này, tỷ lệ tội phạm rất thấp. Bên cạnh đó, không gian đô thị quy mô nhỏ và văn hóa đi bộ của hầu hết tất cả mọi người cũng là một trong những lý do giúp nhiều bậc cha mẹ yên tâm khi để con nhỏ của mình đi một mình.
Tại các thành phố Nhật Bản, mọi người có thói quen đi bộ khắp nơi và giao thông công cộng "đánh bật" nền văn hóa xe hơi. Các phương tiện như xe lửa, xe buýt rất nhiều, đặc biệt là luôn có tuyến đường dành cho những người đi bộ và đi xe đạp.
Một lý do nữa giúp các bậc phụ huynh tại đây yên tâm hơn khi để con đi học một mình đó là những quy định nghiêm ngặt tại các trường học.
Hầu hết các trường học tại Nhật đều có người đứng tại các giao điểm gần trường dùng cờ để ra hiệu xin đường an toàn cho học sinh. Một số trường học thậm chí còn có quy định, trẻ đã đến trường thì không được quay về nhà lấy đồ dùng đã quên để đảm bảo an toàn. Nếu là vật dụng cần thiết sẽ được thông báo để phụ huynh tự đem đến cho con.
Ngoài ra, theo cảnh sát địa phương, thời nguy hiểm nhất đối với học sinh tiểu học là ngay sau khi kết thúc giờ học trên lớp, học sinh được cho về nhà. Vì thế, các trường học yêu cầu học sinh luôn đi thẳng về nhà. Nếu bất kì một đứa trẻ nào không nghe lời mà lang thang đâu đó có thể là "miếng mồi" cho những kẻ lạ mặt nguy hiểm.
* Bài viết tham khảo thông tin từ theatlantic, cbsnews, savvytokyo