Có người nhà sống tại Nhật, cùng với đó là kinh nghiệm từ hơn 15 năm làm trưởng phòng điều hành của một công ty du lịch, chị Dung Đặng - hay còn được nhiều chị em yêu quý gọi tên facebook thân mật là “Mẹ Gấu” (hiện đang sống tại Vũng Tàu) từ lâu đã biết đến và yêu thích văn hoá cũng như cách nuôi dạy con của người Nhật Bản.
Khi mang thai con gái đầu lòng, chị được bạn bè và người nhà gửi rất nhiều bản dịch về phương pháp ăn dặm kiểu Nhật để tham khảo. Từ quá trình nghiên cứu, thực hành và thành công khi áp dụng ăn dặm kiểu Nhật với cả hai đứa con nhỏ của mình, chị quyết định chia sẻ lại những kinh nghiệm của mình đến với các bà mẹ khác.
Ban đầu chỉ là từ những bài viết trên facebook, chị Dung bắt đầu đến nhà của từng mẹ ở Vũng Tàu để chia sẻ kinh nghiệm, rồi sau đó là tiến hành mở lớp dạy miễn phí ở địa phương. Tiếng lành đồn xa, giờ đây, chị Dung đã mở được rất nhiều lớp ăn dặm với lượng học viên tham gia lên đến hàng chục người mỗi lần ở cả Vũng Tàu, TP.HCM và Đồng Nai.
Lớp hướng dẫn ăn dặm kiểu nhật của chị Dung cho các mẹ ở Vũng Tàu.
Không chỉ nói lý thuyết, các buổi học đều bao gồm phần hướng dẫn thực hành cụ thể.
Cùng trò chuyện với bà mẹ một nách hai con này để biết vì sao và làm thế nào để chị Dung có thể dành được thời gian làm cái việc người ta vẫn gọi là “vác tù và hàng tổng”.
Lý do gì khiến chị quyết tâm mở lớp hướng dẫn Ăn dặm kiểu Nhật cho các mẹ?
Tôi muốn chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm mà mình có được trong quá trình chăm sóc bé cho các mẹ có con nhỏ. Việc tổ chức các lớp hướng dẫn chế biến ăn dặm miễn phí sẽ giúp các mẹ đỡ bối rối và không áp lực khi chăm sóc con.
Bản thân tôi có hai con nhỏ, vừa đi làm, vừa chăm sóc bé, tôi rất hiểu và cảm thông cho áp lực của các mẹ. Vì vậy việc chia sẻ này xuất phát từ tấm lòng cùng là mẹ bỉm sữa với nhau, một phần nào đó giúp cho các bé được chăm sóc tốt hơn.
Việc mở các lớp hướng dẫn Ăn dặm kiểu Nhật như vậy có tốn của chị nhiều thời gian và tiền bạc?
Hiện tôi đã mở được khá nhiều lớp chia sẻ về ăn dặm và chăm sóc bé tại TPHCM, Vũng Tàu và Đồng Nai, cũng đã hướng dẫn cho hơn 250 mẹ có con nhỏ và đang mang thai, lượng đăng ký vẫn tiếp tục tăng lên, và rất nhiều chị em gửi yêu cầu tổ chức lớp học tại Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ và Tiền Giang...Tuy nhiên vì tính chất công việc bận rộn nên tôi chưa thể mở rộng hơn mà vẫn chỉ cố gắng tiếp tục sắp xếp để có thể duy trì hoạt động của các lớp ở Vũng Tàu và TPHCM trong thời gian sắp tới.
Việc mở lớp hướng dẫn Ăn dặm kiểu Nhật như vậy tốn rất nhiều thời gian, vì vậy, tôi chỉ có thể tổ chức vào cuối tuần. Tôi may mắn được ông xã và gia đình hết sức ủng hộ. Thậm chí ông xã còn sắp xếp thời gian ở nhà chơi với con để tôi đi dạy.
Sống cùng gia đình ở Vũng Tàu nhưng chị Dung thường xuyên tự bắt xe đi Sài Gòn, Đồng Nai dạy các lớp miễn phí.
Chị có kỷ niệm gì vui, đáng nhớ trong quá trình mở lớp?
Kỷ niệm thì rất nhiều. Có những buổi học không chỉ có đối tượng là các bà mẹ có con nhỏ, mà còn có sự tham gia của các bà ngoại, bà nội được con đăng ký đi học để chăm cháu. Chính vì vậy, việc cập nhật kiến thức cho các bà phải thật khéo léo và dễ hiểu. Cảm giác khi được các bà cầm tay cám ơn mình vì những kiến thức bổ ích sau buổi học luôn khiến tôi vô cùng xúc động.
Rồi có cả những tin nhắn của các mẹ có bà đi học gửi cho tôi nói rằng mối quan hệ của bà và mẹ tốt hơn rất nhiều vì giờ đây mẹ chồng – nàng dâu đã cùng quan điểm trong quá trình chăm con. Đó là điều tôi vui nhất.
Chuyện vui thì có rất nhiều, vậy còn những khó khăn phía sau thì sao?
Khó khăn cũng rất nhiều. Tôi nhớ lần đầu tiên mở lớp dạy ở Vũng Tàu, vì chưa có kinh nghiệm nên giáo trình xộn lộn, buổi học kéo dài quá thời gian dự tính, cũng nhiều thứ chưa chia sẻ được trọn vẹn.
Rồi khó khăn cả trong vấn đề tìm địa điểm. Vì không có kinh phí nên hầu hết các lớp Ăn dặm đều tận dụng nhà của các mẹ, nhiều khi số lượng chị em tham dự đông quá dẫn đến không đủ ghế, không đủ chỗ ngồi, nhiều mẹ phải đứng hoặc ngồi bệt, việc hướng dẫn thực hành cũng khó khăn vì không phải ai cũng nhìn thấy rõ.
Tuy nhiên sau buổi học, tôi luôn được chị em động viên, góp ý rất nhiều nên giờ mọi việc đã ngày càng ổn định rồi.
Tính đến nay, chị Dung đã hướng dẫn Ăn dặm kiểu Nhật cho hơn 250 bà mẹ.
Trong quá trình hướng dẫn cho các mẹ, đâu là câu hỏi chị được hỏi nhiều nhất? Và chị đã giải đáp như thế nào?
Câu hỏi tôi thường xuyên được chị em thắc mắc nhất đó là "Làm sao để mẹ vừa đi làm vừa có thể cho con ăn dặm đúng tiến độ theo độ thô từng giai đoạn?”. Câu trả lời của tôi, đó là nên thực hiện chế biến thực phẩm vào thời gian rảnh trong ngày (thường là buổi tối trước khi đi ngủ) và sau đó trữ đông thực phẩm.
Các mẹ cần chuẩn bị khay trữ đông có nắp, lưu ý chọn loại nhựa an toàn hoặc hộp thủy tinh càng tốt. Tiệt trùng dụng cụ chế biến và dụng cụ trữ đông bằng nước sôi. Thực phẩm sau khi được nấu chín, rây hoặc cắt nhỏ theo độ thô của bé ăn sẽ trữ vào khay với lượng ăn phù hợp mỗi bữa.
Khi đến bữa ăn, mẹ chỉ cần rã đông bằng cách chuyển xuống ngăn mát rồi đun nhanh lại. Cách trữ đông thức ăn cũng là giải pháp dễ nhất để bà có thể nấu cho bé khi mẹ vắng nhà.
Là người mở lớp Ăn dặm kiểu Nhật nhưng với chính bản thân chị, trong quá trình nuôi con bằng Ăn dặm kiểu Nhật của chị, chị đã gặp phải những khó khăn gì?
Tôi có 2 bé: Misa và Panda. Misa thì ăn dặm kiểu Nhật hoàn toàn, bé hợp tác và rất thành công. Nhưng Panda thì cá tính hơn, có lúc chịu cho mẹ đút, có lúc lại không. Giái pháp của tôi khi đó là quyết định áp dụng song song cả hai phương pháp: Ăn dặm kiểu Nhật và Ăn dặm tự chỉ huy (Baby Led Weaning) với Panda.
Những khi Panda không hợp tác, vứt đồ ăn hoặc ngậm chặt miệng thì tôi không ép con mà để bữa ăn kéo dài chỉ đúng 30 phút không lâu hơn. Những khi thấy con có biểu hiện chán ăn, tôi lập tức làm các món con yêu thích để hấp dẫn bé, đồng thời tích cực thay đổi thực đơn phong phú cho con. May mắn, đến nay, Panda hoàn toàn thích thú với ăn dặm và tôi không gặp thêm bất cứ khó khăn gì.
Xin cám ơn chị về cuộc trò chuyện!