Sức đề kháng của trẻ kém, không thể chống chọi với sức tấn công mạnh mẽ của các vi khuẩn sinh sôi, đồng thời cũng không kịp thích nghi với khí hậu thay đổi đan xen giữa hai mùa và sự chênh lệch nhiệt độ lớn vào những thời điểm khác nhau trong ngày.
Những ngày gần đây, nhiệt độ một số tỉnh miền Bắc có thể tăng giảm thất thường, lạnh đột ngột, hoặc nóng đột ngột khiến trẻ dễ bị phong hàn tấn công,...có thể gây ra nhiều loại bệnh liên quan đến đường hô hấp, hệ thống tiêu hóa hoặc các bệnh ngoài da,... Vậy bố mẹ nên làm gì để giúp trẻ tăng cường khả năng miễn dịch, giảm thiểu các bệnh vặt, vui vẻ và khỏe mạnh khôn lớn.
Chuyên gia khuyến cáo bố mẹ không nên chủ quan, 3 loại bệnh trẻ thường mắc phải trong thời điểm này. Đồng thời mách mẹo hay để bố mẹ phòng tránh, ngăn ngừa dịch bệnh tác động xấu đến sức khỏe của trẻ.
3 loại bệnh trẻ dễ mắc phải
Bệnh đường hô hấp
Khi thời tiết ấm dần lên, vạn vật phát triển, đồng thời các loại vi rút, vi khuẩn cũng sẽ có điều kiện tốt để nảy nở, tăng cường hoạt động. Lúc này, các cơ quan ngoài của đường hô hấp có sự tiếp xúc với không khí, sẽ chịu sự tác động từ mọi trạng thái của môi trường bên ngoài. Vì vậy, trong điều kiện môi trường bên ngoài không tốt, bụi bẩn, nấm mốc, các loại vi khuẩn, virus, khí độc,... có thể gây ảnh hưởng xấu đến các bộ phận liên quan đến hô hấp của trẻ, dẫn đến việc trẻ dễ bị mắc bệnh.
Thời gian gần đây, tỷ lệ trẻ mắc các bệnh về hô hấp tăng cao với con số chóng mặt, khiến không ít ông bố bà mẹ cảm thấy rất phiền não.
Do cơ thể trẻ chưa phát triển toàn diện, sức đề kháng yếu nên các bệnh về đường hô hấp cũng theo đó mà phát triển, phổ biến như viêm họng, viêm xoang, viêm thanh quản, viêm mũi dị ứng, viêm amida, viêm tai giữa,... Thậm chí, nếu không được điều trị tốt, tình trạng sức khỏe trẻ sẽ càng nghiêm trọng hơn, đe dọa đến tính mạng trong trường hợp biến chứng viêm phổi.
Thời điểm giao mùa, trẻ dễ mắc các bệnh về đường hô hấp.
Dị ứng
Độ ẩm thấp của thời tiết mùa xuân thường khiến cho nhà cửa dễ bị ẩm mốc, không khí trong nhà không thông thoáng. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho làn da nhạy cảm của bé dễ bị kích ứng, gây ngứa ngáy, khó chịu, nổi mẩn đỏ.
Ngoài ra, mùa xuân có nhiều gió, sự khuếch tán của phấn hoa, bụi bẩn càng lớn, khiến trẻ dễ tiếp xúc với các loại dị nguyên lạ, gây ra các bệnh dị ứng như viêm mũi dị ứng, hen suyễn,...
Rối loạn tiêu hóa
Ngoài các bệnh lý về hô hấp, dị ứng thì rối loạn tiêu hóa cũng là vấn đề mà nhiều trẻ nhỏ mắc phải trong những ngày thời tiết giao mùa. Thời tiết diễn biến nắng, mưa thất thường, không khí lúc nóng lúc ẩm chính là điều kiện lý tưởng cho sự sinh sản quy mô lớn của các loại vi trùng. Nếu chúng tấn công vào cơ thể, trẻ rất dễ nhiễm khuẩn đường ruột, dẫn đến tình trạng rối loạn tiêu hóa.
Bên cạnh đó, thực phẩm ôi thiu, đất và nguồn nước ô nhiễm cũng là tác nhân góp phần vào quá trình vi khuẩn tấn công đường ruột của trẻ nhỏ. Bởi vì nếu trẻ không biết cách vệ sinh thân thể sạch sẽ, thì sẽ đồng nghĩa với việc đang tạo cơ hội cho vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể.
Nếu không vệ sinh thân thể sạch sẽ, vi khuẩn rất dễ xâm nhập vào cơ thể trẻ, khiến đường ruột trẻ gặp vấn đề.
Bố mẹ phòng bệnh cho con bằng cách nào?
Xây dựng thói quen, lối sống lành mạnh
Chế độ ăn uống cân bằng dinh dưỡng, đúng bữa, đủ chất, lựa chọn thực phẩm đa dạng là cách hiệu quả để bố mẹ giúp trẻ tăng cường sức đề kháng, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của thể chất.
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, bố mẹ nên thường xuyên cho trẻ ăn các loại thực phẩm giàu protein, carbohydrate và các nguyên tố vi lượng, chẳng hạn như các sản phẩm từ sữa, thịt, trứng gia cầm, rau quả xanh và trái cây tươi.
Ngoài ra, việc bố mẹ khuyến khích trẻ uống nhiều nước ấm cũng sẽ giúp cơ thể dưỡng âm hạ hỏa, thúc đẩy thải độc, giảm khả năng mắc bệnh. Đồng thời, bố mẹ cũng nên cho trẻ tăng cường vận động bằng cách tham gia các môn thể thao ngoài trời, từ đó trẻ sẽ có một sức khỏe thể chất tốt, không dễ dàng bị virus tấn công.
Một lưu ý quan trọng nữa, đó là giấc ngủ của trẻ. Ngoài ăn uống đủ chất thì giấc ngủ đủ, đúng giờ và đảm bảo chất lượng cũng sẽ khiến trẻ nạp đủ năng lượng tích cực cho những hoạt động, sinh hoạt hằng ngày.
Ăn đủ chất, ngủ đủ giờ sẽ giúp cho trẻ tăng sức đề kháng, chống sự lây nhiễm của virus.
Quan tâm đến môi trường sống và vệ sinh cá nhân sạch sẽ
Sống trong một môi trường thông thoáng, sạch sẽ không chỉ giúp trẻ thư giãn tinh thần, mà còn bảo vệ sức khỏe trẻ, tạo điều kiện thuận lợi để trẻ phát triển tốt nhất. Vì vậy, bố mẹ cần đảm bảo dọn dẹp nhà cửa, phòng ốc thường xuyên để mang đến cho trẻ một không gian sống lành mạnh.
Theo thống kê hiện nay, nguyên nhân lớn khiến trẻ nhỏ dễ mắc bệnh vặt vào những thời điểm giao mùa, xuất phát từ kỹ năng chăm sóc và vệ sinh cá nhân kém. Ngay từ khi còn nhỏ, bố mẹ cần phải rèn luyện cho trẻ những thói quen lành mạnh, chẳng hạn như rửa tay trước và sau khi ăn, đánh răng rửa mặt điều độ, tắm rửa sạch sẽ sau khi ra ngoài vui chơi,...
Ngoài ra, trong vấn đề ăn mặc hằng ngày của trẻ cũng đòi học sự chỉnh chu, tươm tất. Bố mẹ cố gắng lựa chọn cho trẻ những bộ quần áo thoải mái để không cản trở các hoạt động của trẻ, đồng thời giữ ấm những bộ phận nhạy cảm trên cơ thể trẻ như bụng, bàn chân, lưng,...
Thói quen vệ sinh thân thể sạch sẽ, sẽ giúp trẻ ngăn chặn được sự xâm nhập của các loại vi khuẩn gây bệnh.
Tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch
Y học ngày càng phát triển, các loại vắc xin phòng ngừa dịch bệnh cho trẻ cũng chứng minh được hiệu quả cao của nó. Ông bà xưa có dạy “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, đừng để đến khi trẻ mắc bệnh, sa sút sức khỏe thì bố mẹ mới tìm cách chữa trị.
Cách tốt nhất để ngăn ngừa việc trẻ bị nhiễm bệnh, là bố mẹ tiêm phòng sớm cho trẻ. Ví dụ như vào mùa dịch bệnh cúm phát triển với quy mô rộng, bố mẹ nên đưa trẻ đi tiêm phòng, hoặc các loại bệnh khác trẻ thường dễ mắc phải như bệnh thủy đậu, sởi, quai bị,...
Bố mẹ nên theo dõi lịch tiêm phòng của trẻ, để không bỏ sót bất kỳ biện pháp giúp trẻ phòng bệnh.