Bác sĩ Phạm Ngọc Thanh, nguyên Trưởng khoa Tâm lý, cố vấn tâm lý Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM đưa ra một số gợi ý về những điều đa số trẻ làm được lúc sinh nhật lần 2:
Về mặt xã hội, cảm xúc
- Bắt chước người khác, nhất là người lớn và trẻ lớn.
- Bị kích động khi có các trẻ khác.
- Tỏ ra càng ngày càng tự lập hơn.
- Tỏ hành vi thách thức (làm điều được bảo không được làm).
- Thường chơi bên cạnh trẻ khác, nhưng bắt đầu chơi cùng, như rượt bắt.
trẻ 2 tuổi có thể bắt đầu phân loại hình dạng và màu sắc. Ảnh: webmd |
Về mặt ngôn ngữ, giao tiếp
- Chỉ đồ vật hoặc hình ảnh bằng ngón trỏ khi được nghe gọi tên.
- Biết tên của những người thân và bộ phận cơ thể.
- Nói câu với 2-4 từ.
- Theo các chỉ dẫn đơn giản.
- Lặp lại những từ được nghe trong cuộc đối thoại.
- Chỉ vào các vật trong sách.
- Nhận thức (học, nghĩ, giải quyết vấn đề).
- Tìm những vật được giấu dưới 2-3 nắp.
- Bắt đầu phân loại hình dạng và màu sắc.
- Bổ sung câu và nhịp điệu trong các sách quen thuộc.
- Chơi trò chơi giả vờ đơn giản.
- Xây tháp với tối thiểu 4 khối.
- Có thể dùng một bàn tay nhiều hơn bàn tay kia.
- Theo sự chỉ dẫn có 2 bước như: “Con lấy giày của con và đặt chúng trong phòng để đồ”.
- Nói tên các hình trong sách như mèo, chim hoặc chó...
Về cử động, phát triển thể chất
- Đứng nhón chân.
- Đá bóng.
- Bắt đầu chạy.
Bác sĩ Thanh khuyến cáo, cần nói với bác sĩ về các mốc mà trẻ đã đạt được và những điều kỳ vọng cho giai đoạn kế tiếp.
Cần gặp bác sĩ ngay khi trẻ có các biểu hiện
- Không dùng cụm hai từ (ví dụ “uống sữa”).
- Không biết làm gì với những vật thông dụng, như bàn chải, điện thoại, muỗng.
- Không bắt chước hành động và từ ngữ.
- Không theo những hướng dẫn đơn giản.
- Không đi vững.
- Mất kỹ năng đã đạt được.
Lê Phương