Tại Hội thảo phòng chống các dịch bệnh mùa hè ngày 20/5, TS Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, trong số các ca mắc 4 tháng (từ tháng 5 đến tháng 8) giai đoạn 2011-2015, cúm là bệnh có số ca mắc cao nhất với gần 400.000 ca mắc.
Trong đó, miền Bắc có gần 260.000 ca, cao gấp 4 lần so với miền Trung, miền Nam, và cao gần 20 lần so với Tây Nguyên.
Sốt xuất huyết, tay chân miệng cũng là những bệnh phổ biến trong ngày hè. Trong đó, gần 40 nghìn ca mắc tay chân miệng trong 4 tháng ở giai đoạn 2011 – 2015, số ca mắc gặp phổ biến nhất ở khu vực miền Nam với hơn 20 nghìn ca.
Theo TS Bắc, thời tiết mùa hè là nguyên nhân dễ bùng phát các dịch bệnh này. Do tình trạng nắng nóng, thực phẩm dễ ôi thiu, không đảm bảo an toàn thực phẩm, khô hạn, thiếu nước sạch… làm gia tăng mắc bệnh đường tiêu hóa. Tỉ lệ mắc trung bình 4 tháng trong 5 năm này với tiêu chảy là gần 225.000 ca mắc, miền Bắc cũng dẫn đầu với gần 129 nghìn ca mắc.
Mùa hè nóng ẩm, mưa nhiều cũng là điều kiện lý tưởng để véc tơ truyền bệnh sinh sôi và phát triển.
Để phòng các bệnh liên quan đến muỗi đốt (sốt xuất huyết, viêm não virus Nhật Bản và Zika) cần phải diệt muỗi bằng cách không để vật dụng đọng nước làm nơi cho muỗi để trứng; ngủ mà; chống muỗi đốt bằng kem chống muỗi.
Với các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như tiêu chảy, tay chân miệng, lỵ phòng bệnh hiệu quả nhất là vệ sinh tay sạch sẽ bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh, sau khi rửa vệ sinh cho trẻ, trước khi chế biến thức ăn, trước khi cho trẻ ăn; Thực hiện ăn chín uống sôi. Đồng thời làm sạch đồ chơi, những vật dụng trẻ hay cho mút vào miệng. Bên cạnh đó phải xử lý chất thải đúng quy định phòng virus có trong phân lan rộng ra môi trường, lây bệnh.
Với bệnh lây qua đường hô hấp như cúm, lây qua tiếp xúc như thủy đậu, cần giữ gìn, cách ly khi nhiễm bệnh.
Đặc biệt với bệnh đau mắt đỏ do adenovirut là căn bệnh vô cùng phổ biến trong ngày hè, với số mắc trung bình trong 4 tháng của giai đoạn 2011- 2015 là 7.500 ca mắc, trong đó riêng khu vực miền Bắc đã chiếm đến hơn 5 nghìn ca.
Các chuyên gia khuyến cáo, đã bị đau mắt đỏ, tuyệt đối không đi bơi, nên nghỉ học để phòng lây bệnh cho người khác do virus lây qua hô hấp (tiếp xúc gần) và qua dịch nước mắt bám vào đồ vật khi người bệnh dùng tay dụi mắt.
Theo TS Bắc, cơ bản để giảm lây truyền các bệnh truyền nhiễm thì việc giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống sạch sẽ, vệ sinh mũi họng, vệ sinh mắt và rửa tay xà phòng thường xuyên sẽ giảm nguy cơ lây bệnh. Bên cạnh đó khi mắc bệnh phải đảm bảo cách ly để phòng lây cho người khác. Dùng các thuốc bác sĩ chỉ định để chữa triệu chứng.