Hốt hoảng khi con…bú ít
Qua tháng cữ, bé Bông- con gái đầu lòng của vợ chồng chị Ngọc Linh (24 tuổi- Hà Nội) bỗng kém ăn và khóc đêm nhiều. Do không có kinh nghiệm chăm sóc trẻ, chị đã hốt hoảng lo sợ sức khỏe con có vấn đề.
Chị tâm sự: “Từ ngày sữa về, mình cho con tu ti đều bữa. Vài ngày trở lại đây, con bỗng bú ít và quấy khóc khi ăn. Ban đầu, mình nghĩ thời tiết chuyển mùa nên bé lười ăn, nhưng càng về sau càng khóc đêm nhiều. Trước tình trạng đó, mình đem bệnh của con kể cho chị họ. Sau khi lắng nghe, chị khuyên mình lên xem lưỡi con có đốm trắng hay không (?). Nếu có, mình phải đưa con đến bệnh viện thăm khám”.
Được chị họ đưa lời khuyên, chị Linh đã xem lưỡi của con. Bé há miệng, chị thấy trên bề mặt lưỡi xuất hiện đốm trắng giống với cặn sữa. Nghi ngờ đó là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bé Bông quấy khóc và kém ăn, chị Linh nhanh chóng đưa con đến bệnh viện. Qua các xét nghiệm cơ bản, bác sĩ chẩn đoán con gái chị bị tưa lưỡi do nấm Candidas albican gây ra.
Bé há miệng, chị Linh thấy trên bề mặt lưỡi xuất hiện đốm trắng giống với cặn sữa (ảnh minh họa)
Bác sĩ N.C (Chuyên khoa Nhi- Bệnh viện Đa khoa Medlatec) cho biết: “Thông thường, lưỡi trẻ rất hồng hào. Khi bị tưa lưỡi, lưỡi của trẻ sẽ xuất hiện những mảng trắng hoặc xám trên bề mặt. Bên cạnh đó, trẻ có thể quấy khóc, sốt cao hoặc lười ăn”.
Nguyên nhân khiến trẻ bị tưa lưỡi
Theo bác sĩ N.C, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trẻ bị tưa lưỡi:
Do nấm Candida albican
Nấm Candida albican thường cư trú và sinh sống trong đường ruột. Khi nấm Candida albican và vi khuẩn E.coli trong đường ruột được cân bằng sẽ không gây phiền toái cho trẻ.
Loại nấm này chỉ bùng phát khi trẻ không được vệ sinh sạch sẽ hoặc hệ thống miễn dịch cơ thể yếu. Khi đó, lưỡi trẻ xuất hiện những đốm trắng giống với cặn sữa trên bề mặt.
Do sử dụng kháng sinh
Trẻ uống kháng sinh trong một thời gian dài sẽ dẫn đến việc tưa lưỡi. Bởi, kháng sinh tiêu diệt vi khuẩn có lợi và làm sinh sôi vi khuẩn có hại trong khoang miệng trẻ.
Do virus
Lưỡi trẻ có nhiều vết loét nhỏ trú ngụ dưới lớp màng trắng. Khi màng trắng bị bong, trẻ sẽ đau rát khi bú, nhai và nuốt thức ăn. Thậm chí, trẻ sẽ chảy nhiều nước dãi và có thể bị sốt cao.
Nguy cơ khi trẻ bị tưa lưỡi
Không điều trị bệnh kịp thời, nấm sẽ ăn loang khắp lưỡi, làm mất vị giác và khiến trẻ biếng ăn, bỏ bú. Ngoài ra, nấm lây lan xuống đường ruột, gây tiêu chảy kéo dài làm trẻ giảm cân, gầy yếu. Thậm chí, nhiều mẹ tự ý cạo những đốm trắng làm chảy máu lưỡi trẻ, dẫn đến nhiễm trùng.
Khi bị tưa lưỡi, trẻ sẽ biếng ăn và quấy khóc (ảnh minh họa)
Điều trị và phòng ngừa khi trẻ bị tưa lưỡi
Cách điều trị
“Khi trẻ bị tưa lưỡi, các mẹ không được tự ý cậy chấm trắng trên lưỡi trẻ. Thay vào đó, chị em nên dùng gạc thấm nước muối sinh lý xoa lên bề mặt lưỡi trẻ. Sau khi vệ sinh lưỡi cho trẻ, mẹ không nên cho trẻ bú hoặc ăn ngay, phải chờ ít nhất 20 phút”. Bác sĩ N.C cho hay.
Trong trường hợp trẻ bị tưa lưỡi nặng, các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đến viện khám để xác định nguyên nhân khiến trẻ bị tưa lưỡi có phải do nấm. Từ đó, bác sĩ sẽ tư vấn cách dùng thuốc đặc trị nấm.
Cách phòng ngừa
- Trẻ cần được bú, ăn uống hợp vệ sinh.
- Khi cho trẻ vú sữa xong, mẹ phải rửa bình thật sạch.
- Tráng lại bình bằng nước sôi trước khi pha sữa cho trẻ để khử trùng.
- Không có trẻ ăn bánh keoh, nước ngọt vào buổi tối để tránh tạo điều kiện cho nấm lưỡi phát triển.
- Trẻ cần được xúc miệng bằng nước muối sinh lý để vệ sinh khoang miệng.
Ngoài ra, mẹ đang trong giai đoạn cho con bú nên giữ vệ sinh cá nhân tốt, vệ sinh vú hàng ngày.