Từ xưa đến nay hoa là đề tài vẽ của biết bao nhiêu họa sĩ nổi tiếng và những bức vẽ hoa sống mãi với thời gian. Van Gogh vẽ hoa hướng dương, cánh đồng hoa diên vĩ, Monet vẽ hồ hoa súng các mùa, Redoute vẽ hoa hồng, Georgia O'Keeffe vẽ hoa ly, Tô Ngọc Vân vẽ hoa loa kèn, Đặng Phương Việt vẽ hoa sen... và bé cũng có thể vẽ hoa sau khi xem tranh của những họa sĩ nổi tiếng.
Hoa là một phần của cuộc sống thường ngày ngay trong thức ăn: hoa bí, hoa mướp, hoa thiên lý, hoa tỏi...; trong trà: cúc, sen, nhài... hay trong thuốc: nhọ nồi, hoa cúc, hoa đu đủ, hoa hòe...; trong các gói gia vị: hồi, đinh hương, nghệ tây...
Cuộc sống của một em bé không chỉ dừng lại ở vật chất mà còn có đời sống tinh thần. Ngay từ khi em bé ra đời, mọi người đã mang hoa đến chúc mừng. Cuộc sống không thể thiếu hoa tươi. Hoa trên bàn ăn, hoa trên bàn học của riêng bé, cây hoa trong vườn, cây hoa trên ban công, bất cứ chỗ nào có thể bạn hãy trồng hoa để tô điểm cho cuộc sống. Nếu không thể có cây hoa thì bạn hãy mua hoa tươi.
Ảnh minh họa: Forwallpaper.com. |
Tuy nhiên, trước tiên bạn cần phải biết bé có bị dị ứng một loại phấn hoa nào không? Nếu có, bạn có thể bứt hết phần phấn hoa rồi mới mang vào nhà. Không nên chọn hoa loa kèn hay lily cho một căn phòng nhỏ. Nếu cắm hoa lily và loa kèn, tốt nhất là ban đêm bạn mang ra ngoài sân hoặc ban công.
Bạn có thể hướng dẫn con cắm những lọ hoa một bông cho bàn học của mình bằng cách tái chế những lọ thuốc hay lọ mĩ phẩm hết, lọ mứt nhỏ, lọ sữa chua... Nếu có dịp hãy để bé trải nghiệm tự tay nặn và trang trí lọ hoa cho riêng mình ở những làng gốm.
Cuối tuần cùng bé đi chợ mua hoa, hướng dẫn bé chọn hoa theo từng loài. Đôi khi có những bông hoa bị gãy cành, bé có thể xin các cô bán hàng thay vì cô vứt bông hoa đó đi.
Hoa bị phun rất nhiều hóa chất nên trước khi bé cắm hoa, bạn hãy cắt bớt cành lá thừa, cầm chúc xuống và xả thật sạch hoa dưới vòi nước chảy để hoa không còn hóa chất và không nguy hiểm cho sức khỏe của con. Sau khi chạm vào hoa, bé cần rửa tay xà phòng cho hết vi khuẩn.
Trên khay bé cắm hoa cần có lọ hoa, kéo, bát đựng nước để cắt hoa trong nước, giẻ lau sau khi làm xong. Tất cả xếp theo trật tự cái gì làm trước thì đặt trước theo thứ tự từ trái sang phải.
Từ những bông hoa bé học tên hoa. Có những loài hoa mượn tên từ những ngôn ngữ khác như hoa violet, tulip, phăng, hoa lily... xuất xứ hoa từ những nước khác nhau và vị trí của đất nước đó trên bản đồ.
Quan sát hoa, bé có cơ hội dùng các giác quan của mình, sờ cánh hoa, ngửi hương thơm của hoa, tả màu hoa, tả hình dáng của cánh hoa, lá, sờ gai xem nhọn ra sao. Tại sao có hoa có gai, có hoa không, gai để làm gì? Số cánh hoa, hình dáng của cánh hoa, hình dáng của lá, sự sắp xếp của lá trên cành cây... đó chính là toán học và tư duy logic.
Khi bạn cắm hoa trong nhà, đó là cả một nghệ thuật, hoa gì đi với lọ hình dáng như thế nào, làm bằng chất liệu gì, họa tiết trang trí ra sao... Hãy giải thích cho bé những hoa gì cắm được với nhau để tôn vẻ đẹp của nhau và sự kết hợp hài hòa về màu sắc của tự nhiên.
Hoa mang theo mình những bài học về văn hóa. Tết đến, nhà nào cũng có hoa đào, hoa mai, bát thủy tiên, chậu quất, chậu cúc vàng, cắm lọ hoa lay ơn hay lọ hoa violet, lọ thược dược tùy theo vùng. Khi đi sinh nhật mua hoa gì, khi đi đám ma mua hoa gì, khi đi mừng sự kiện mua hoa gì, tặng người mình yêu quý hoa gì? Hãy hướng dẫn và giúp bé có văn hóa tặng hoa.
Sắp đến Tết, các bố mẹ hãy đưa bé đi chợ hoa ngày Tết, vào vườn chọn cây đào cây quất. Vừa là một trải nghiệm, vừa là một bài học về cách chọn cây, thế cây, vừa là bữa tiệc của các giác quan khi được đắm mình trong chợ hoa ngày tết đủ mọi sắc màu.
Hãy kể cho con nghe những loài hoa gắn liền với kỷ niệm của gia đình, ví dụ ngày trước thời các cụ làm đám cưới cô dâu ôm hoa lay ơn trắng, giờ thì cô dâu dùng hoa gì mình thích. Mẹ ôm hoa gì trong đám cưới, tại sao? Ở Việt Nam rất nhiều em bé được đặt tên theo các loài hoa, hãy giải thích cho bé hiểu.
Hãy để con trải nghiệm và tận hưởng hoa các mùa ở Việt Nam. Mỗi mùa ở việt Nam đều có những loài hoa đặc trưng. Những cô gánh hoa loa kèn, hoa sen, cúc vàng, cúc họa mi... Những mùa hoa sữa, hoa ban, hoa đào, hoa lộc vừng nở rộ trên phố, những cánh đồng hoa cải, hoa hướng dương ven sông...
Quan sát hoa nở mỗi là một điều kỳ diệu và hãy giúp bé nhìn ra điều đó vì đó cũng chính là vòng quay của cuộc sống, một nụ hoa, hoa hé nở, nở bung, rồi tàn. Mỗi bông hoa có thời gian hữu hạn trên trái đất, cũng như một con người. Đừng lãng phí thời gian những cũng đừng buồn vì mỗi giai đoạn đều đẹp cả. Cái chết là tất yếu của mọi sinh vật sống, chính vì thế mà chúng ta càng cần trân trọng những cái thật. Một bông hoa giả sẽ không tỏa hương thơm, không hàm tiếu, không e ấp, không đung đưa trong gió, cành không uốn cong mềm mại như bàn tay của tạo hóa.
Kể cả khi hoa tàn, bạn có thể hướng dẫn con tái chế hoa, làm các hoạt động sử dụng cánh hoa, đếm số cánh vì tò mò, làm hoa khô để trong nhà tắm, ép cánh hoa làm các tác phẩm nghệ thuật, làm thí nghiệm khoa học, cánh hoa sen làm thuyền chở bao nhiêu gram thì chìm, tại sao lá sen không thấm nước... bất cứ điều gì bạn có thể nghĩ ra.
Hãy hướng dẫn con văn hóa tặng hoa. Đừng chọn hoa cắm lẵng không thể sống. Đừng chọn hoa bị uốn dây thép theo ý người cắm và bọc nilon không thể sống. Hãy tặng hoa vì hoa đẹp nên chỉ cần buộc những bông hoa mới cắt lại bằng một sợi ruy băng vừa tôn trọng hoa, vừa bảo vệ môi trường, vừa tôn trọng người được tặng.
Cuối cùng điều quan trọng nhất là người lớn giúp bé nhìn được vẻ đẹp từ những điều nhỏ nhặt xung quanh. Không chỉ những loài hoa trong vườn, trên bàn mới đẹp mà còn các loài hoa dại trong bãi cỏ, ven đê, ở ao như hoa trinh nữ, hoa lau, hoa sim, hoa mua, hoa cúc dại, hoa chua me đất, hoa bồ công anh, hoa găng, hoa lục bình... đều mang trên mình vẻ đẹp mộc mạc, tinh khiết. Hoa thực sự là tác phẩm hoàn hảo từ sự kết hợp màu sắc, hình dạng của lá, cấu trúc lá... Tất cả đều ăn khớp với nhau vì đó là sản phẩm của quá trình tiến hóa và tự nhiên luôn là người thầy vĩ đại nhất của con người.
Lê Mai Hương
Nhà giáo Montessori