Ở nhà chăm con không đơn giản và thảnh thơi như nhiều người vẫn nghĩ, nếu không muốn nói là có khi còn áp lực và căng thẳng hơn cả đi làm 8 tiếng tại các công ty, cơ quan. Một người phụ nữ chấp nhận ở nhà, không đi làm hoặc chưa đi làm để chăm con thường sẽ phải chịu khá nhiều thiệt thòi, hy sinh mà có thể “người ngoài cuộc” không thể hiểu được.
Dưới đây là những điều không nên nói với những người phụ nữ làm nội trợ ở nhà vì chúng có thể làm họ tủi thân và tổn thương sâu sắc:
“Ở nhà được chồng nuôi sướng nhé. Khỏi phải đi làm.”
Một câu nói như vậy chẳng khác nào chỉ coi trọng công sức của những ông chồng ra ngoài đi làm kiếm tiền mà phủ nhận hoàn toàn công sức của các mẹ chăm con ở nhà. Nhiều người đã quá quen với suy nghĩ, người làm ra tiền là người có quyền. Thực tế, những hy sinh mà người đi làm và người ở nhà nội trợ là ngang bằng nhau.
Nếu một ngày bà vợ nội trợ của gia đình đi mất, liệu căn nhà có còn nguyên vẹn hay không, hay là nếp sinh hoạt sẽ bị đảo lộn “tanh bành”? Tiền kiếm được có thể thuê được một người giúp việc biết làm việc nhà, cho con ăn nhưng liệu có thuê nổi một người biết quản lí, thu vén chi tiêu gia đình, biết nuôi dạy con cái?
“Cả ngày nay em/chị/cô làm gì ở nhà?”
Một trong những quan niệm sai lầm phổ biến của mọi người là nghĩ những bà mẹ chăm con ở nhà lúc nào đầu óc cũng được thảnh thơi, không phải lo kiếm tiền vất vả, có thể ung dung ngồi ghế xem tivi hoặc lê la buôn chuyện cả ngày. Thế nhưng, chỉ những người đã từng trải qua mới thấu hiểu cảm giác ở nhà chăm con không hề nhàn hạ chút nào. Có hàng trăm công việc không tên cộng dồn lại cũng áp lực và vất vả không kém gì ra ngoài đi làm.
Đi mua sắm thực phẩm, đồ dùng cho gia đình, đưa con đi tiêm, đi khám bệnh,... và nhiều việc khác khiến họ cũng phải chạy đôn chạy đáo đủ nơi. Chưa kể, chuỗi công việc nấu ăn, dọn dẹp, chăm sóc con nhỏ,... có thể khiến mẹ quay cuồng cả ngày.
Thực sự việc phải dẹp lại sự nghiệp, ước mơ sang một bên để chăm lo cho gia đình là một hy sinh quá to lớn mà người phụ nữ đã phải dũng cảm chấp nhận. (Ảnh minh họa)
“Mệt thì sao lúc con ngủ không tranh thủ ngủ đi?”
Phải rồi, nghe thì thật là hợp lý. Con ngủ thì mẹ cũng ngủ, tiện cả đôi đường. Thế nhưng trong lúc mẹ ngủ, ai sẽ là người rửa bát, nấu nướng phơi quần áo, cọ bồn cầu, lau sàn, dọn dẹp đồ chơi,...? Ti tỉ thứ việc nhỏ dồn chất đống lại thành một núi việc lớn, nhiều đến nỗi mà đôi khi tìm được thời gian để đi tắm đối với các bà mẹ ở nhà cũng thật là hạnh phúc.
“Thế coi như cái bằng đại học chẳng để làm gì nhỉ?”
Thực sự thì việc đầu tư cho giáo dục chẳng bao giờ là lãng phí. Một người mẹ có kiến thức sẽ nuôi dưỡng, chăm sóc con tốt hơn hẳn và cũng dễ dàng hơn trong việc dạy dỗ con. Và thực sự việc phải dẹp lại sự nghiệp, ước mơ sang một bên để chăm lo cho gia đình là một hy sinh quá to lớn mà người phụ nữ đã phải dũng cảm chấp nhận – đây là điều đáng khâm phục hơn là chê trách. Do đó, một câu nói như trên sẽ gây tổn thương sâu sắc tới những bà mẹ ở nhà chăm con nhỏ.
“Sao để con gầy thế kia. Mẹ ăn hết cả phần của con rồi.”
Sau sinh, người phụ nữ nào cũng khao khát quay trở về được thân hình thon gọn như ngày xưa nhưng không phải ai cũng có thể thực hiện ước mơ đấy được một cách nhanh chóng. Toàn bộ thời gian mẹ đã dành hết cho con, còn đâu thời gian để làm đẹp, chăm sóc bản thân nữa?
Tình trạng “mẹ béo – con gầy” khá phổ biến, khiến các mẹ rất khổ tâm trong khi người ngoài lại không hiểu và thường xuyên đưa ra những câu bông đùa gây tổn thương vô cùng. Mẹ ăn ít thì bị chê trách là “Ăn như vậy lấy đâu ra sữa cho con bú”, mẹ ăn nhiều thì bị kêu là “Sắp thành mẹ mướp đến nơi rồi. Béo hết cả phần của con”. Mấy ai hiểu được nỗi khổ này?