Mấy ngày gần đây, câu chuyện trao nhầm con từ 6 năm trước tại Bênh viện Đa khoa Ba Vì (Hà Nội) đang rất được dư luận quan tâm. Vụ việc khiến hai gia đình xáo trộn, vợ chồng chia tay vì nghi ngờ nhau, cuộc sống của một đứa trẻ bỗng dưng bị thay đổi hoàn toàn là điều khiến nhiều người cảm thấy đáng tiếc.
Đây không phải là trường hợp bệnh viện trao nhầm con cho gia đình ngay khi đứa trẻ mới chào đời, trên thế giới cũng có nhiều trường hợp được ghi nhận. Có đứa trẻ Nhật Bản sau 60 năm mới tìm lại gia đình, có hai bé gái người Nga phát hiện mình đã bị đổi chỗ sau 39 năm,… Tuy nhiên, trong khoảng thời gian ấy, những đứa trẻ phải sống cuộc sống gần như trái ngược với những người mà đáng ra được hưởng.
Không chỉ ở Việt Nam mà thế giới cũng có những vụ trao nhầm con hy hữu. (Ảnh minh họa)
Sinh ra trong gia đình giàu có nhưng phải sống 60 năm trong sự nghèo đói vì bị trao nhầm
Theo đó, đứa trẻ Nhật Bản bị trao nhầm vào gia đình có điều kiện khá khó khăn, cả gia đình phải sống trong một căn hộ nhỏ không có thiết bị điện. Người mẹ phải một mình nuôi dạy cậu bé và hai người anh chị nữa sau khi cha họ qua đời lúc cậu bé chỉ mới hai tuối. Cậu bé này lớn lên nhờ phúc lợi xã hội, ban ngày đi học, ban đêm làm thêm cho một nhà máy và trở thành một tài xế lái xe. Khi trưởng thành, cậu ta cũng không kết hôn và dành thanh xuân để nuôi mẹ già.
Thay vào đó, người đổi chỗ cho cậu bé này được sống trong một gia đình khá giả, là anh của 3 người em khác, được dạy dỗ cẩn thận, có gia sư riêng và được đi học đại học. Lớn lên, đứa trẻ đó trở thành giám đốc điều hành của một công ty kinh doanh bất động sản.
Tuy nhiên, ba người em trong gia đình giàu có từ lâu đã nghi ngờ vì sự khác biệt của người anh của mình. Đặc biệt là khi họ nhớ lại, người mẹ của họ nói rằng người anh đã mặc một bộ quần áo rất khác lạ khi từ bệnh viện trở về. Sau khi cha mẹ qua đời, họ đã tiến hành xét nghiệm ADN xác nhận những nghi ngờ bấy lâu nay.
Theo tờ Telegraph của Anh, Thẩm phán Masatoshi Miyasaka nói với tòa án rằng: "Không cách nào có thể bù đắp hết nỗi đau, nỗi thất vọng mà cả cha mẹ và người đàn ông đó phải chịu đựng, vì ông ấy đã bị tước đoạt cơ hội để được sống gần cha mẹ ruột mãi mãi". Bởi sau khi vụ việc được phơi bày, đứa trẻ đó nay đã 60 tuổi và cha mẹ của ông cũng đã mất.
Tuy lớn lên trong sự thiệt thòi so với 3 người em giàu có khác, song đứa trẻ bị trao nhầm này ngày nào lại được nuôi dưỡng bởi một người phụ nữ hiền hậu, vô cùng yêu thương con, sẵn sàng làm mọi việc để con có cuộc sống tốt hơn sau khi chồng mất.
Đứa trẻ bị trao nhầm suýt bị cha giết vì nghi là con ngoài giá thú
Tanya Savelyeva (phải) khi còn nhỏ, bà Yulia Savelyeva (giữa) và con gái của Yulia là Olya.
Veronika Shevetsova và Tanya Savelyeva, đều 39 tuổi, sống tại Pozhva (vùng Perm) nói rằng, mẹ của họ luôn nghi ngờ rằng có thể các con mình đã bị nhầm lẫn.
Trước khi Veronika được một tuổi, bà Rimma - mẹ của cô đến gặp mẹ của Tanya là Yulia Savelyev và nói: "Khi tôi nhìn Tanya con gái cô, tôi thấy con bé hoàn toàn giống như con gái lớn nhất của tôi, Zhenya".
Nhưng thời điểm đó chưa có điều gì để chứng minh lời nói của Rimma là đúng. Mãi cho đến khi công nghệ xét nghiệm ADN phát triển, tức là đến 38 năm sau, mọi sai lầm mới được làm sáng tỏ.
Tanya (trái) cảm thấy vô cùng khó khăn khi biết người luôn yêu thương mình lại không phải là bố mẹ ruột.
Đáng buồn hơn với số phận của hai đứa trẻ hoàn toàn trái ngược. Trong khi Tanya Savelyeva lớn lên trong sự bảo bọc, yêu thương của một người cha cảnh sát hiền lành, tận tụy thì Veronika Shevetsova suýt chết khi bị người cha cố giết bằng một cái gối đè lên mặt lúc chỉ mới 10 tuổi, vì nghĩ cô là kết quả do vợ ngoại tình sinh ra.
Tan hoang cửa nhà vì nghĩ đứa trẻ là kết quả của việc ngoại tình
Vụ việc xảy ra tại bệnh viện phụ sản Chelyabinsk, Nga vào mùa đông năm 1987. Khi đó, bà Zoya Tuganov sinh người con thứ ba, là một bé gái có mai tóc vàng hoe, da trắng và đôi mắt tròn to. Nhưng hôm sau, khi cho con bú, đó lại là một đứa trẻ da nâu và mái tóc rối, bà hét lên và cho rằng họ đã trao nhầm con, con bé không phải là người Nga. Nhưng suy nghĩa của bà đã bị bác bỏ vì chồng bà là người Tatar, cho rằng bà có vấn đề về thần kinh và đe dọa sẽ đưa đến một bệnh viện tâm thần.
Lucia (con gái ruột bà Zoya) và Katina.
Sau đó bà Zoya Tuganov đành đưa cô bé đó về nuôi, đặt tên là Katina. Katina được lớn lên trong sự bao bọc và tình yêu thương. Cô bé học khá tốt, sau đó tốt nghiệp Học viện Đường sắt và làm việc cho công ty Đường sắt Nga. Chồng Katina cũng làm việc chung với cô.
Còn con gái thực sự của bà Zoya Antonovna tên là Lucia. Trái ngược với Katina, Lucia có cuộc sống không mấy hạnh phúc. Lúc nhỏ, cô bé sống cùng bố mẹ nuôi tại ngôi làng Bashkir, cách Chelyabinsk khoảng 50km. Sau khi từ bệnh viện trở về cùng một đứa trẻ tóc vàng, da trắng khác biệt đã khiến gia đình Lucia đảo lộn, trở nên tồi tệ hơn. Mẹ của cô bé bị nghi ngờ ngoại tình, bố thì bị châm chọc nên họ thường cãi nhau.
Gia đình Lucia có 4 anh chị em và hằng ngày chúng phải đi khắp làng để kiếm ăn, mùa đông không có giày ấm để mang. Thậm chí, tai của Lucia bị tổn thương nặng nề, khiến hiện tại cô không thể nghe thấy gì. Còn cha nuôi Lucia vì ghen tuông đã giết một người đàn ông bị cho là đã ngoại tình với vợ mình, sau đó phải bị đi tù. Còn mẹ cô bé suốt ngày say xỉn, chìm trong nghiện ngập và qua đời. Sau đó, Lucia và các anh trai, em gái được đưa đến trại trẻ mồ côi…
Khi Katina trưởng thành và người chồng qua đời, bà Zoya quyết định sẽ nói chuyện thẳng thắn với con gái. Katina không tin, nhưng thấy mẹ rất đau đớn nên đã quyết định chứng minh tất cả những điều mẹ nói có đúng là sự thật hay không. Sau đó, Katina tìm được hình ảnh của Lucia và khiến cô choáng váng vì trông rất giống mẹ của mình.
Bà Zoya hội ngộ con gái ruột và cháu ngoại sau hơn 30 năm xa cách.
Đến năm 2017, bà Zoya mới gặp lại con gái ruột – Lucia lần đầu tiên tại phòng xét nghiệm ADN.