Trong suốt quá trình nuôi dạy con khôn lớn, chắc chắn các bậc cha mẹ cũng gặp không ít trường hợp mọi nỗ lực răn dạy con của mình có tác dụng ngược. Không phải trận chiến nào cũng cần thiết phải “đánh” nhưng phụ huynh đôi lúc cũng cần chứng tỏ vai trò là cha là mẹ của mình.
Thế nhưng, chúng tôi khuyên các ông bố bà mẹ hãy tránh những hình phạt dễ “mang họa” về sau dưới đây.
Sai lầm 1: Nói dối như cuội
Chị Vy, mẹ bé Su kể: Thứ hai nào bé Su cũng nhõng nhẽo với mình để khỏi phải đến nhà cô bảo mẫu. Một buổi sáng nọ, khi Su không chịu xuống xe để vào với cô, mình đã chỉ tay vào một ngôi nhà gần đó và dọa con rằng đó là nhà trẻ của nhà ông kẹ dành cho trẻ em không nghe lời mẹ, thế là con bé sợ chết khiếp. Mình ra tối hậu thư, hoặc nhà trẻ ông kẹ hoặc nhà cô bảo mẫu. Chẳng cần nói gì nhiều, bé Su nhảy xuống xe, phóng vèo vào nhà cô bảo mẫu. Xong nhiệm vụ. Bẵng đi 1 tuần sau đó, cô bảo mẫu gọi mình lại hỏi mình về việc Su cứ nói suốt về nhà trẻ nào đó gần đây, và thậm bé còn nghĩ là nhà trẻ thì chỉ có ông kẹ. Ôi thôi, khỏi phải nói mình muối mặt giải thích với cô bảo mẫu như thế nào. Và giờ có lẽ chẳng có cách nào để bé chịu đi nhà trẻ nữa cả.
Dạy con rất cần sự kiên nhẫn của cha mẹ (Ảnh minh họa).
Điều nên làm: Những lời nói dối vô hại dường như rất “hấp dẫn” lúc bức thiết. Thậm chí, nó có vẻ giúp bạn dễ dàng “thoát” được tình huống gay go lúc đó, nhưng đôi lúc mà thôi. Như chị Vy, mẹ bé Su, đã nhận ra: chiến thuật dọa có thể là con dao hai lưỡi nguy hiểm. Vì thế nên tốt nhất là bạn nên thành thật. Trong trường hợp như chị Vy, bạn có thể nói “Mẹ biết đôi lúc con không muốn đến nhà cô bảo mẫu. Mẹ cũng vậy thôi, đôi lúc mẹ cũng chẳng muốn đi làm”. Sự đồng cảm trong trường hợp này sẽ giúp cho buổi sáng thứ 2 của chị Vy “dễ thở” hơn.
Sai lầm 2: Nói mà không làm
Bạn có muốn con bạn không bao giờ thèm nghe lời bạn không? Dễ lắm, chỉ cần dọa mà không làm gì! Chị Mai, một độc giả Eva kể: Cô bạn mình dắt cục cưng đến nhà mình cũng có đứa con gái nhỏ cho hai đứa chơi với nhau, không ngờ con mình lấy đồ chơi gì thì bé kia cũng giật lấy khỏi tay thiên thần của mình. Đáng nói hơn, cô bạn mình thấy vậy chỉ hét lên “Trả đồ chơi lại cho bạn, không thì mẹ tịch thu đấy” rồi lại tiếp tục trò chuyện với mình. Tất nhiên, kết quả là sau đó thiên thần của mình chơi gì thì con của cô bạn cũng đòi món đó. Thật đau đầu.
Điều nên làm: Làm “người xấu” tất nhiên chẳng vui vẻ gì, nhưng khi một đứa trẻ làm sai thì phải nhận sự trừng phạt thích đáng. Việc lặp đi lặp lại “không thì” sẽ không ngăn được hành vi xấu của trẻ. Vì trong trường hợp này, trẻ sẽ nghe và hiểu là “Mình muốn làm thế bao lâu cũng được cho đến nào mẹ ngăn mình lại thì thôi”. Thế nên, thay vì có thái độ như cô bạn của chị Mai, các mẹ hãy đưa ra cảnh báo với con, và sau đó nếu con lại tiếp tục hành vi đó, lập tức có hình phạt thích đáng ngay, chẳng hạn như cấm túc. Nếu bé vẫn tiếp tục hành vi đó, mẹ nên cho con đi về. Vào lần tới, một lời nhắc nhở nhẹ nhàng như “Con có nhớ lần trước đã phải về sớm vì con giành đồ chơi với bạn không? Mẹ mong là hôm nay sẽ không phải về sớm như lần trước” chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả.
Sai lầm 3: Thiếu nhất quán
Khi vợ chồng chị Linh anh Đức định đưa hai con 5 và 2 tuổi đi ăn tiệm, vợ chồng anh chị nói các con phải ngoan nếu không sẽ không được đi ăn tiệm. “Không may là chồng tôi rất dễ mềm lòng trước những lời mè nheo của bọn trẻ và lúc nào cũng cho chúng đi ngay cả khi chúng không ngoan”, chị Linh than thở.
Điều nên làm: Mặc dù anh Đức không cố ý phá vỡ mọi cố gắng của chị Linh, nhưng đây lại chính là điều mà anh Đức làm. Thể hiện thái độ đồng thuận trước mặt trẻ sẽ không giúp con bạn ngoan hơn, mà nó chỉ khiến bạn rũ bỏ cảm giác mình là phụ huynh tồi. Nếu vợ chồng bạn thích dùng những hình phạt khác nhau cũng chẳng sao, miễn là luôn phải có “hậu quả” cho cùng một hành động. Khi con bạn quá đà, hãy tạo ra một danh sách các quy định và thảo luận các lựa chọn khác nhau.