*Câu chuyện được chia sẻ bởi một bà mẹ ở Trung Quốc
Cách đây vài ngày, tôi đến thăm Tiểu Nha - người bạn thân đã không gặp trong nhiều năm của mình. Tiểu Nha là một người sống tối giản trong việc lựa chọn và bố trí đồ nội thất. Tất cả mọi nơi, mọi món đồ đều được sắp xếp cẩn thận, không phải chỉ để trông cho gọn mắt mà còn dễ tìm kiếm, dễ sử dụng khi cần thiết.
Trong lần ghé thăm đó, tôi cũng gặp được Tiểu Hào - con trai anh ấy đang chơi trong góc phòng khách. Cậu bé đang tập trung lắp ráp bộ đồ chơi xây dựng dạng khối. Tôi nhận thấy rằng kiểu đồ chơi mô hình này khá phức tạp với một đứa trẻ 4 tuổi nhưng từng bộ phận đều được Tiểu Hào phân loại và sắp xếp cẩn thận giống như cách bố mình làm việc, rất tỉ mỉ và tận tâm.
Ảnh minh họa
Khi chúng tôi đưa Tiểu Hào cùng đi dạo trong công viên, Tiểu Hào tỏ ra rất thích thú, đam mê với thực vật, có thể phân biệt chính xác các loại hoa hoặc cây cối. Và trùng hợp thay, Tiểu Nha cũng có đam mê nghiên cứu ngành thực vật học khi còn đi học. Sau một ngày quan sát, tôi nhận thấy hai bố con có những thói quen, thái độ, sở thích giống hệt nhau.
Trên đường về nhà, tôi đã suy nghĩ rất nhiều về vấn đề thú vị này. Tình cờ thay tôi lại gặp con trai mình ở ngay cửa nhà, thằng bé vừa đi học về. Như một thói quen, thằng bé nhanh chóng cởi giày, nằm thẳng xuống ghế sofa, bắt chéo chân, cầm iPad lên và bắt đầu chơi.
Ảnh minh họa
Tôi nhớ lại cách cư xử của Tiểu Hào và tự hỏi từ khi nào con trai mình lại có thói quen xấu như vậy. Nén cơn giận đang ngày một dâng lên, tôi cố gắng hình dung lại khi về nhà tôi và chồng mình sẽ làm những gì. Và đúng như vậy, mỗi chiều tan làm về nhà, chồng tôi sẽ nằm trên ghế sofa và chơi điện thoại sau khi cởi giày.
Trong phút chốc, tôi không biết mình nên khóc hay cười nữa, nuôi dạy con cái đúng là một quá trình phức tạp và kỳ diệu.
“Gia đình là chiếc máy in, cha mẹ là bản gốc, con cái chính là bản sao”
Cha mẹ được coi là "giáo viên" đầu tiên của con trẻ - người dìu dắt con những bước đầu đời. Họ cũng là giáo viên quan trọng nhất đối với sự phát triển của con bởi mỗi lời nói và hành động của cha mẹ đều sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến chúng.
Tôi từng xem một video quay lén trong buổi họp phụ huynh ở trường cấp ba. Trong video, một ông bố nhắm nghiền mắt, ngủ gà ngủ gật; lúc lại chống tay lên cằm ngủ đầy mơ màng. Đến lúc không chịu được nữa, ông bố này đã gục hẳn xuống bàn, lấy tay ôm đầu ngủ. Người bố bên cạnh ngây người nhìn vào giáo viên trong suốt cuộc họp. Câu chuyện càng buồn cười hơn nữa khi sau đó, hình ảnh của hai cậu con trai được cộng đồng mạng đem ra so sánh, cả hai cặp bố con đều giống hệt nhau từ dáng vẻ đến biểu cảm.
Ông bố ngủ gật trong buổi họp phụ huynh
Hai bố con có dáng ngủ giống hệt nhau
Yu Minhong, người sáng lập tập đoàn New Oriental Education & Technology từng nói: “Gia đình là chiếc máy in, cha mẹ là bản gốc con cái chính là bản sao”. Mỗi lời nói, hành động của cha mẹ đều sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của con cái. Có một sự thật là trẻ con không nhất thiết phải vâng lời người lớn nhưng nhất định sẽ bắt chước người lớn.
Làm sao bạn có thể mong đợi con mình học tập có ý thức khi bạn chỉ chăm chăm nhìn vào điện thoại di động cả ngày? Bạn chỉ muốn nằm ườn ở nhà, làm sao mong con vận động? Cha mẹ không thể kiểm soát được bản thân đừng nên mong đợi con cái mình có tính kỷ luật tự giác.
Giáo dục vô hình từ gia đình
Bạn muốn con mình trở thành người như thế nào, trước tiên chính bạn phải trở thành người đó. Bởi vì trẻ em có nhận thức mạnh mẽ về cảm xúc của cha mẹ, chúng sẽ không thể không bắt chước cha mẹ, làm theo những gì cha mẹ chúng làm và coi đó là tiêu chuẩn cho cuộc sống. Những điều đó trở thành bản năng ăn sâu vào trái tim, sẽ không bao giờ mất đi mà sẽ được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Để không làm ảnh hưởng đến tâm trạng của các con, nhiều cha mẹ học cách quản lý tốt cảm xúc của chính mình. Trạng thái này sẽ mang đến cho trẻ cảm giác an toàn, tạo động lực để trẻ sẵn sàng khám phá, học hỏi. Bằng cách này, cha mẹ đã giúp con trưởng thành đầy tự tin, sẵn sàng đối mặt với thử thách. Bên cạnh đó,các bậc cha mẹ không nên chỉ tập trung vào việc dạy con cái mà cũng cần cải thiện bản thân, không ngừng học hỏi những kỹ năng mới. Chính hành động này của người lớn giúp trẻ hiểu rõ học tập là việc cả đời, từ đó hình thành thói quen học tập không ngừng.