Ngoài sự háo hức, hồi hộp, đa số phụ nữ lần đầu làm mẹ luôn có rất nhiều mối quan tâm và lo lắng. Các chị em luôn bị bao vây bởi hàng loạt câu hỏi tại sao, làm thế nào. Việc làm mẹ thật vô cùng kì diệu và dường như tất cả phụ nữ đều chẳng có kinh nghiệm gì khi phải đối diện với những thiên thần bé nhỏ đầu tiên của mình. 7 mách nhỏ dưới đây sẽ là đáp án cho những nỗi lòng băn khoăn của các chị em bước đầu làm mẹ
Nên cho con ăn sữa mẹ hay sữa công thức?
Có một thực tế không thể thừa nhận là hiện nay, sữa công thức ngày càng tốt, được bổ sung rất nhiều vi chất và có vị khá giống sữa mẹ. Tuy nhiên, sữa công thức lại có giá thành vô cùng đắt đỏ. Mặt khác, dù có ưu việt thế nào, nó cũng không thể thay thế được sữa mẹ cũng như bảo đảm tốt cho sức khỏe và sự phát triển của bé. Do vậy, nếu có điều kiện, các mẹ nên cố gắng hết sức có thể để cho con ăn sữa mẹ. Nó đơn giản, dễ dàng, thuận tiện và đương nhiên là “miễn phí” nữa chứ.
Tại sao con tôi lại khóc, làm thế nào để dỗ con đây?
Bế nựng sẽ là phương pháp hữu hiệu dỗ trẻ nín khóc (ảnh minh họa)
Trẻ con sử dụng tiếng khóc như một phương tiện giao tiếp, do đó đừng quá hốt hoảng hay lo lắng khi thấy con khóc. Đôi khi đơn giản chỉ vì bé muốn thu hút sự chú ý của bạn. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, tiếng khóc luôn thể hiện là chúng cần thứ gì đấy. Nhiệm vụ của mỗi bà mẹ là cần nhận ra sự khác biệt trong những lần khóc của trẻ. Bằng cảm nhận của mình, mẹ sẽ dễ dàng nhận ra đâu là tiếng khóc vì đói, đâu là tiếng khóc đòi ngủ hay khi nào bé muốn thay bỉm. Nếu con bạn không khóc đòi ăn hay vì bẩn thì bạn nên tìm nguyên nhân dẫn đến sự không thoải mái của con như áo quá chật hay chăn quá nóng. Sau khi đã cân nhắc tất cả những nguyên do có thể mà bé vẫn khóc, đây là lúc mẹ cần xem xét lại chế độ ăn của mình. Có thể một loại thực phẩm nào đó hấp thụ vào sữa mẹ đã khiến bé đau bụng. Lúc này, hãy nhanh chóng kiếm tìm thứ gì có thể phân tán sự chú ý và khiến con thôi khóc. Một vài em bé thích nghe nhạc, số khác lại thích bế bồng rung lắc hay thậm chí là xoa nắn chân tay.
Liệu có nên để mặc khi bé khóc dỗi
Theo kinh nghiệm của rất nhiều bà mẹ, để mặc con khóc khi dỗi không những an toàn mà còn rất hiệu quả. Các bác sỹ khuyên bạn nên đợi cho đến khi xác định đúng nguyên nhân khóc của con. Nếu bé đúng là chỉ khóc vì muốn thu hút sự chú ý, đây là lúc cần thông báo cho thiên thần nhỏ của bạn biết rằng con có thể hoàn toàn ổn mà không cần tới mẹ luôn ở bên. Hãy bắt đầu bằng việc để mặc con khóc trong vòng 5 phút rồi hẵng bế bé lên. Sau một vài lần như vậy, tăng dần thời gian và bạn sẽ cảm nhận được sự khác biệt. Có một lưu ý đối với các mẹ khi áp dụng phương pháp này: Ban đầu mẹ có thể sẽ thấy vô cùng khổ sở khi phải bỏ mặc con đang khóc vì cần mình nhưng hãy thật kiên nhẫn nhé, bạn sẽ được đền đáp xứng đáng bằng một giâc ngủ đêm ngon lành không phải bế dỗ con.
Sao phân của con lại có màu cam?
Trong suốt năm đầu, màu sắc phân của em bé thay đổi theo rất nhiều giai đoạn. Điều này thật kỳ diệu nhưng hoàn toàn dễ lý giải. Với những bé ăn sữa mẹ, phân thường có màu vàng mù tạt rất đặc trưng. Tuy nhiên khi đến thời điểm ăn dặm, phân của con sẽ có màu xanh, vàng nghệ hay đôi khi cả màu cam tùy thuộc vào thực phẩm bé ăn khi đó. Đôi khi, mẹ sẽ còn sẽ phải thay một chiếc bỉm với rất nhiều màu sắc lẫn lộn.Mẹ không nên quá lo lắng. Chỉ khi phân của bé màu trắng, đỏ hay đen thì mới đáng lo ngại. Trong khoảng 3 ngày đầu sau sinh, bé sẽ đi phân su màu đen. Tuy nhiên nếu phân đen lại xuất hiện khi đã lớn, điều này chứng tỏ bé đã có vấn đề về đường tiêu hóa. Phân trắng báo hiệu những bất thường về gan và phân đỏ thì thật không tốt chút nào bởi đó chính là máu lẫn. Trong các trường hợp như vậy, mẹ cần lien hệ tư vấn của các chuyên gia dinh dưỡng.
Đâu là thời điểm thích hợp để cho con ăn dặm?
Hầu hết trẻ em đều bắt đầu ăn dặm khi tròn 6 tháng tuổi. Với một số bé có những dấu hiệu sẵn sàng cho giai đoạn này như chán sữa, không lên cân tốt, hay nhìn bố mẹ ăn với vẻ háo hức..mẹ nên cân nhắc cho con ăn dặm sớm trước đó nửa hoặc một tháng. Tuy nhiên, mẹ cần cẩn thận khi cho con bắt đầu làm quen với thức ăn quá sớm bởi điều này có thể dẫn tới táo bón ở trẻ. Ngay cả khi con tròn 6 tháng, bạn cũng nên quan sát bỉm của con thật kỹ mỗi khi thay để sớm nhận ra những dấu hiệu của táo bón. Hãy lưu ý chế biến đồ ăn đủ nước và cho bé uống bổ sung thêm ngoài. Nước không chỉ ngăn ngừa táo bón mà còn là yếu tố quan trọng giúp trẻ phát triển.
Làm thế nào khi trẻ trở nên cáu gắt và hay đòi hỏi?
Nguyên tắc số một các bà mẹ nên nhớ, đó là hãy cố gắng lờ đi cơn cáu gắt của con. Tốt nhất bạn nên tỏ ra không hề quan tâm gì tới sự giận dỗi ấy. Điều đó sẽ khiến trẻ nhận ra cáu gắt không mang lại cho chúng thứ mình muốn. Việc yêu chiều và đáp ứng trẻ khi ấy sẽ càng khiến con lặp lại những hành vi không tốt như vậy sau này. Phạt con cũng không phải là biện pháp thích hợp, nó chỉ làm vấn đề trở nên tồi tệ. Mẹ chỉ đơn giản hãy lờ đi, để mặc con khóc rồi sau đó nhẹ nhàng khuyên giải, phân tích cho con lý do vì sao bạn làm vậy. Hãy nhớ một điều, ngay cả khi trẻ đã trở nên ngoan và thôi khóc cũng không nên đáp ứng yêu cầu của trẻ mà hãy để dành cho một dịp thích hợp sau này.Trẻ sẽ nhận ra rằng cáu gắt hờn dỗi không mang lại cho chúng điều chúng muốn.