Ăn dặm là bước chuyển mình thú vị của bé từ giai đoạn bú sữa mẹ hoàn toàn sang làm quen với các loại thực phẩm với độ đặc và thô tăng dần theo từng tháng. Tuy nhiên, ăn dặm như thế nào và ăn ra sao cho đúng cách thì không phải bà mẹ nào cũng hiểu rõ. Khác xa với những quan niệm truyền thống mà các bà các chị hay rỉ tai nhau, phương pháp ăn dặm hiện đại ngày nay mang đến thật nhiều bất ngờ.
Trẻ luôn bắt đầu làm quen với ăn dặm bằng cháo loãng?
Quan niệm cho con làm quen với thực phẩm bước đầu bằng cháo loãng, rau củ, hoa quả rồi cuối cùng là thịt cá là không hẳn bắt buộc (Ảnh minh họa)
Thực tế thì: Không nhất thiết.
Theo truyền thống, gạo và các loại ngũ cốc nói chung luôn được khuyên là thực phẩm lý tưởng hàng đầu cho trẻ mới bắt đầu ăn dặm bởi thành phần giàu sắt và rất lành tính, ít gây dị ứng ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, các mẹ hoàn toàn có thể lựa chọn các loại thực phẩm khác thay thế.
Quan niệm cho con làm quen với thực phẩm bước đầu bằng cháo loãng, rau củ, hoa quả rồi cuối cùng là thịt cá là không hẳn bắt buộc. Trên thực tế, theo những nghiên cứu gần đây, mẹ hoàn toàn có thể “khởi động” thời kỳ ăn dặm của con ngay bằng chất đạm. Các loại thịt nạc chứa rất nhiều sắt và kẽm sẽ là nguồn bổ sung kịp thời cho bé khi bước vào giai đoạn 6 tháng tuổi. Tại thời điểm này, sữa mẹ và ngay cả sữa công thức cũng không thể đạp ứng tốt nhu cầu cho hai vi chất này của bé.
Khi cai sữa mẹ, nên cho trẻ uống sữa đậu nành thay vì sữa bò
Thực tế thì: Hoàn toàn sai
Sữa bò là giải pháp thay thế tốt nhất cho sữa mẹ. Khác với sữa đậu nành, thành phần protein có trong sữa bò được xác định là gần giống nhất với sữa mẹ. Con người chỉ có thể phát triển dựa trên những protein động vật chứ không phải thực vật.
Sữa đậu nành có ưu điểm là an toàn và lành tính nhưng thực sự không cần thiết. Có rất nhiều trường hợp các bậc phụ huynh cho có con bị đầy hơi đã “cầu viện” đến uống sữa đậu nành với hy vọng con sẽ hợp sữa hơn. Thực tế sữa đậu nành không hề dễ tiêu hóa hơn sữa bò. Thậm chí, đối với những trẻ bị dị ứng sữa bò, sữa dê cũng có thể là một giải pháp thay thế tốt hơn.
Cần hạn chế uống sữa công thức có chứa nhiều sắt bởi sẽ gây táo bón ở trẻ nhỏ
Thực tế thì: Không cần như vậy
Tỷ lệ sắt có trong thành phần sữa công thức theo các hãng sản xuất không hề cao bởi sắt là chất khó hấp thụ. Lượng sắt trẻ sơ sinh nhận được thông qua sữa công thức không thể đủ để gây ra táo bón. Mặt khác, sắt là vi chất vô cùng cần thiết cho sự phát triển thể lực và trí lực của trẻ. Trong giai đoạn ăn dặm, mẹ vẫn nên bổ sung thêm sắt cho con thông qua sữa công thức.
Khi trẻ hay đói khóc quấy đêm, mẹ cần bắt đầu cho con ăn dặm
Thực tế thì: Chưa hoàn toàn
Bất kể là mẹ đã nghe ai nói, trẻ nhỏ quấy khóc ban đêm không phải tất cả đều là do con đói. Đôi khi lý do chỉ đơn giản là vì bé chưa phát triển đủ đến giai đoạn có thể ngủ được một giấc dài. Chỉ từ 4 tháng tuổi, hầu hết trẻ em mới có thể ngủ được một mạch 5 đến 6 tiếng liên tục. Việc trẻ ngủ nhiều hay ít ngoài lý do chính bởi hệ thần kinh trung ương, chiều cao và cân nặng cũng là hai yếu tố cần xét đến. Khoa học đã chứng minh, trẻ càng lớn thì giấc ngủ càng dài. Thậm chí cả những em bé nặng cân ngay từ khi lọt lòng cũng có thể ngủ đêm tốt hơn các trẻ khác cùng tháng.
Chính vì lý do đó, đừng vì thấy trẻ hay quấy khóc ban đêm mà mẹ vội vã cho con ăn dặm. Cũng đừng cố gắng pha thêm nước cháo vào sữa cho con bởi việc làm này sẽ khiến bé hấp thụ thừa calo dẫn đến nguy cơ béo phì. Chúng cũng không hề giúp bé ngủ ngon hơn.
Trẻ ăn dặm có thể bỏ hoàn toàn uống sữa.
Thực tế thì: Sai hoàn toàn
Khi trẻ bắt đầu bước vào giai đoạn ăn dặm, cơ thể vẫn chưa sẵn sàng để hấp thụ hoàn toàn lượng calo và các vi chất cần thiết khác thông qua thực phẩm chế biến. Sữa mẹ hay sữa công thức vẫn là nguồn dinh dưỡng chủ yếu của bé trong suốt một năm đầu đời. Ngay cả khi bé tỏ ra hợp tác và rất thích ăn thức ăn thô, mẹ vẫn cần cho bé uống ít nhất 600ml sữa mỗi ngày cho đến khi một tuổi. Nếu bé không thích sữa, mẹ nên cho bé ti hoặc bú bình trước bữa ăn, đó là lúc bé cảm thấy đói nhất.