Về quê ăn Tết, trẻ hiếu động hay không hiếu động cũng có thể gặp một số tai nạn đáng tiếc nếu người lớn lơi lỏng, không để ý đến trẻ.
Để không làm mất đi niềm vui của các bé và giúp các gia đình đón xuân an toàn. Thạc sĩ – bác sĩ Đinh Thạc, chuyên viên tham vấn Nhi khoa (Bệnh viện Nhi đồng 1. TP. HCM) đưa ra một số cảnh báo về các tai nạn có thể xảy ra với bé khi về quê ăn Tết và cách đề phòng. Cha mẹ hãy chú ý nhé!
Bị ốm do thay đổi thời tiết
Trẻ nhỏ, sức đề kháng còn non yếu. Về quê đón Tết, thay đổi môi trường đột ngột sẽ dễ khiến cho bé gặp nhiều vấn đề về sức khỏe. Đặc biệt là khi chuyển từ khí hậu nóng ấm sang khí hậu lạnh, trẻ dễ mắc các bệnh về đường hô hấp (cảm cúm, nghẹt mũi nặng dẫn đến viêm phế quản, viêm phổi), da bị khô hoặc nứt nẻ… vì tiết trời lạnh.
Cách đề phòng: Cha mẹ phải luôn giữ ấm cho trẻ. Luôn mặc ấm, giữ ấm cổ, ngực, mặt, bằng cách đeo khẩu trang, đội nón (mũ), quàng khăn. Nếu tiết trời quá lạnh, không nên cho trẻ ra ngoài. Việc giữ ấm cần được chú ý nhiều vào lúc sáng sớm hoặc buổi tối; phòng ngủ của trẻ cần được đóng kín cửa để tránh gió lùa.
Ở nông thôn, các gia đình hay sưởi ấm bằng lò than đốt, nhưng đây là loại chất đốt không tốt, chí CO2 thải ra trong phòng kín có thể gây nhiễm độc. Chính vì thế, không nên sưởi ấm phòng trẻ bằng cách này.
Coi chừng tai nạn giao thông
Ở quê, đường xá thường không rộng rãi như ở thành phố, trong những ngày Tết, người và xe cộ lại đông đúc hơn. Trẻ thường được cha mẹ chở đi chơi bằng xe máy. Tuy nhiên, thay vì cho trẻ ngồi giữa, nhiều cha mẹ lại cho trẻ ngồi trước hoặc đứng lên để nhìn được quang cảnh xung quanh.
Tết nhất, chỉ cần cha mẹ lơi lỏng là trẻ dễ gặp 'nạn'. (Ảnh minh họa).
Theo bác sĩ Đinh Thạc, làm việc này sẽ rất nguy hiểm vì chỉ cần một va chạm nhẹ cũng có thể làm trẻ bị ngã và tư thế ngã cũng rất nguy hiểm. Thói quen này đã làm không ít trẻ bị gãy xương, chấn thương sọ não… Bác sĩ Thạc cho biết, phải tiếp nhận khá nhiều trường hợp trẻ nhập viện vì tai nạn giao thông.
Cách đề phòng: Cha mẹ phải lái xe thật cẩn thận, cho trẻ đội mũ bảo hiểm và thắt dây an toàn khi đi xe. Cha mẹ cũng không nên cho trẻ ngồi trước hoặc đứng lên trên xe khi đi chơi xa hoặc trên các đường phố đông người qua lại.
Bỏng vì bếp than, vàng mã, nước sôi
Ở quê, nhiều gia đình vẫn còn nấu bếp than, bếp củi. Ngày Tết, người lớn tất bật đun nấu, bưng nước hay thức ăn nóng, chuẩn bị cho mâm cỗ. Trẻ chạy chơi gần bếp nên có thể vấp trúng thanh củi, hoặc bếp than hay các vật dụng đựng nước hoặc thức ăn nóng để dưới đất, rất dễ bị bỏng, thậm chí là thương tích nặng.
Có những trường hợp, trẻ bị bỏng do gia đình đốt vàng mã quá nhiều, trong khi nhiều trẻ lại thích thú với việc này, bởi trẻ nào cũng thích chơi lửa. Trẻ mải chơi nên có thể sờ tay, chân vào dụng cụ đựng vàng mã bằng nhôm, inox hay ngã vào nơi đốt…
Cách đề phòng: Dù bận đến mấy, người lớn phải luôn để mắt đến trẻ, không cho trẻ đến gần các khu vực này. Trong trường hợp trẻ đã bị bỏng, cần nhanh chóng tách trẻ ra khỏi khu vực gây bỏng, dùng nước lạnh dội liên tục vào vùng bỏng ít nhất 15 phút. Sau đó, đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất. Tuyệt đối không dùng nước mắm, mật ong hoặc các phương thức dân gian để sơ cứu.
Đề phòng bị côn trùng cắn, đốt
Khi về quê chơi Tết, có một vấn đề mà nhiều bậc cha mẹ có thể chưa chú ý lắm, đó chính là việc trẻ dễ bị côn trùng (muỗi, rết…) cắn, đốt. Với không gian rộng rãi, nhiều cây cối, trẻ rất thích thú khi được chạy nhảy nên trẻ càng dễ bị côn trùng cắn.
Cách đề phòng: Cha mẹ nên mang theo thuốc hay kem chống muỗi để thoa cho bé. Những loại thuốc làm dịu vết cắn của côn trùng cũng rất cần thiết. Nếu gia đình đến nơi có nhiều cây cối, bụi rậm thì khi trẻ ra ngoài chơi, nên cho trẻ mặc áo dài tay, đi giày bốt để đề phòng rắn, rết hoặc côn trùng cắn.
Ngoài những tai nạn trên, bác sĩ Đinh Thạc cũng khuyến cáo các bậc cha mẹ đề phòng cho trẻ các tai nạn do ăn uống bánh mứt kẹo, sặc, hóc, các loại hạt, các tai nạn từ các vật dụng đồ chơi, ổ điện và các vật trang trí bằng điện hoặc thủy tinh… Chúc các bé cùng gia đình vui xuân an toàn!