Trong quá trình nuôi dạy con, nhiều bố mẹ sẽ quan sát thấy đứa trẻ của mình có sự gắn kết đặc biệt với một thứ đồ chơi hoặc thú bông yêu thích. Con luôn giữ nó bên cạnh giống như "vật bất ly thân", dù là đang ăn, đang ngủ hoặc đi bất kỳ nơi đâu.
Đơn cử như "thế lực nhí" đình đám mạng xã hội Pam mặt vuông, cháu gái chủ tịch tập đoàn Việt, ái nữ đầu lòng của hot girl nổi tiếng Salim và chồng thiếu gia Hải Long, nhóc tỳ cũng có "vật bất ly thân" và dạo gần đây thứ đồ chơi yêu thích này của Pam mặt vuông bỗng thu hút sự quan tâm đông đảo từ fan hâm mộ. Nhiều bố mẹ bỉm cũng tò mò truy lùng những thông tin về nó.
Ai theo dõi cô bé cũng sẽ tinh ý nhận ra, mỗi lần xuất hiện trên mạng xã hội, ái nữ nhà Salim không chỉ khiến nhiều người "luỵ tim" bởi độ đáng yêu cực độ, mà chiếc thỏ bông luôn đồng hành cùng bé Pam cũng trở thành đối tượng được săn đón. Dù đi ngủ, đi chơi hay đi học thì Pam mặt vuông vẫn luôn mang theo thứ đồ chơi yêu thích này của mình. Cô bé cực kỳ gắn bó, ôm ấp và nâng niu nó.
Ái nữ nhà Salim rất gắn bó với những chú thỏ bông yêu thích của mình.
Được biết, Pam không chỉ có một chú thỏ duy nhất, mà còn có nhiều phiên bản màu sắc khác nhau của nó. Chiếc thỏ bông này có xuất xứ từ một thương hiệu của Anh Quốc và có khá nhiều ưu điểm. Vì làm từ chất liệu organic nên chúng siêu mịn, nhẹ, bền và êm ái. Đó là lý do dễ hiểu tại sao bé Pam lại yêu thích những chú thỏ bông này đến vậy.
Sau khi "vật bất ly thân" của Pam mặt vuông bỗng viral trên mạng xã hội, nhiều bố mẹ bỉm cũng tìm kiếm, tham khảo để mua cho những đứa trẻ của mình. Tuy nhiên sau khi tham khảo giá của nó, hẳn hội mẹ bỉm cũng đã rất ngạc nhiên và dè chừng. Nhiều người sẽ không ngờ rằng, chỉ là một chú thỏ bông nhưng lại có giá trị lên đến vài triệu đồng, cụ thể là trên 5 triệu VNĐ tuỳ phiên bản.
Giá của những chú thỏ bông này giao động từ vài trăm cho đến vài triệu VNĐ.
Mặc dù giá thành khá cao, nhưng vì là "vật bất ly thân" của con nên việc cặp bố mẹ Salim và chồng thiếu gia có sự đầu tư cũng không có gì lạ. Thực tế không chỉ "thế lực nhí" Pam mặt vuông có sở thích đặc biệt này mà nhiều đứa trẻ khác cũng có sở thích tương tự như thế. Mỗi đứa trẻ sẽ hình thành sự gắn kết với một thứ đồ mà bé có ấn tượng hoặc thích thú, chẳng hạn như gối ôm, chiếc mềnh hoặc quần áo, gấu bông, búp bê...
Cặp song sinh nhà "nữ hoàng giải trí" Hồ Ngọc Hà cũng có những chú thỏ bông yêu thích.
Vậy, lý do vì sao trẻ nhỏ thường có "vật bất ly thân" đồng hành bên cạnh?
Điều đặc biệt là, đối với trẻ nhỏ thì "vật bất ly thân" không chỉ là một thứ đồ đơn thuần, mà nó mang theo cả tình cảm và ý nghĩa lớn lao về mặt tâm lý.
Những lúc xa nhà, trẻ nhỏ rất dễ hình thành cảm giác lo lắng và sợ hãi trong môi trường mới, những nơi chưa từng biết đến. "Vật bất ly thân" trở thành nguồn sức mạnh, là người bạn đồng hành trung thành, luôn sẵn sàng để trao cho trẻ một sự an ủi và niềm tin. Nó như một "liều thuốc" giữ cho tâm hồn trẻ khỏi những lo lắng, bất an và mang đến cho trẻ cảm giác vô cùng quen thuộc, an lành.
Với trẻ, "vật bất ly thân" giống như biểu tượng của tình yêu và sự quan tâm, luôn đồng hành bên cạnh của gia đình dành cho mình. Nó trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống, một món quà cực kỳ ý nghĩa và đáng trân trọng. Trẻ nhỏ luôn có niềm tin rằng "vật bất ly thân" sẽ mãi mãi ở bên cạnh chúng, là sự hiện diện thay thế cho bố mẹ hoặc người thân thiết mỗi khi họ không thể đồng hành cùng trẻ.
Mặc dù bên cạnh những mặt tích cực mà "vật bất ly thân" mang lại, giúp trẻ thêm tự tin, giảm căng thẳng, lo âu, nhưng việc quá phụ thuộc vào nó sẽ không tốt cho sự phát triển lành mạnh của trẻ. Về vấn đề này, bố mẹ cần có sự can thiệp và hướng dẫn cụ thể để không khiến con trẻ rơi vào những tình huống mang lại ảnh hưởng tiêu cực cho bản thân.
Theo đó, bố mẹ nên phản ứng như thế nào cho phù hợp nếu phát hiện con có sự "tôn thờ" quá mức với một thứ đồ vật?
- Tạo sự thoái mái: Để giảm độ phụ thuộc quá mức vào vật bất ly thân, bố mẹ có thể dần giúp trẻ có những thay đổi nhỏ. Ví dụ, hạn chế thời gian sử dụng vật bất ly thân trong một số hoạt động nhất định hoặc đề xuất một sự thay thế như một trò chơi mới hoặc một vật phẩm khác. Quan trọng là thực hiện điều này một cách nhẹ nhàng và kiên nhẫn, để trẻ dần thích nghi và cảm thấy an toàn hơn.
- Xây dựng niềm tin và sự an toàn về tâm lý: Bố mẹ có thể tạo ra một môi trường ổn định và yêu thương, nơi trẻ cảm thấy an toàn và tự tin hơn. Tăng cường xây dựng một mối quan hệ gắn kết giữa bố mẹ với trẻ sẽ giúp trẻ cảm thấy yên tâm hơn, dần giảm sự gắn bó quá mức với vật bất ly thân của mình.
- Khám phá sở thích mới: Bố mẹ có thể khuyến khích trẻ khám phá sở thích mới và đa dạng hóa các hoạt động. Điều này có thể bao gồm việc tham gia vào các hoạt động nhóm, tham gia các câu lạc bộ hoặc khám phá các sở thích khác. Bằng cách mở rộng lĩnh vực quan tâm của trẻ, bố mẹ có thể giúp trẻ phát triển sự đa dạng và giảm sự phụ thuộc vào một đồ vật cụ thể.
- Tạo sự tương tác xã hội: Bố mẹ nên khuyến khích trẻ tham gia vào các hoạt động xã hội, chơi cùng bạn bè và tham gia các trò chơi nhóm. Việc tạo ra một môi trường xã hội tích cực và khuyến khích trẻ hòa nhập sẽ giúp trẻ phát triển các kỹ năng xã hội, và tìm thấy niềm vui từ sự tương tác với con người thay vì chỉ dựa vào một vật bất ly thân.
- Tìm hiểu nguyên nhân: Bố mẹ nên thảo luận và hiểu rõ nguyên nhân khiến con trẻ gắn bó quá mức với vật bất ly thân. Có thể có những sự thay đổi trong cuộc sống của trẻ, hoặc sự kiện cụ thể đã góp phần vào sự gắn bó này. Bằng cách hiểu rõ nguyên nhân, bố mẹ có thể tìm cách giúp trẻ vượt qua và phát triển một cách lành mạnh.