Mới đây, có một độc giả gửi thắc mắc về vấn đề hầm xương nấu cháo cho trẻ sẽ khiến con chán ăn. Theo độc giả này cho biết, “Gần đây, khi con bắt đầu tập ăn dặm thì giữa em và mẹ chồng lại xảy ra khá nhiều xích mích. Chủ yếu là việc bà nội Mi rất “khoái” mua xương về hầm nấu cháo cho bé. Ban đầu em cũng không “ý kiến” gì, nhưng hôm vừa rồi nói chuyện với cô bạn, biết em hay ninh xương nấu cháo cho con, cô nàng mắng em té tát là ninh xương nấu cháo cho con là “ngớ ngấn”. “Bây giờ còn ai đi ninh xương nấu cháo cho con, xương vừa béo lại vừa…vô bổ. Con ăn nhiều sẽ dẫn đến chán ăn”, cô bạn em nói”.
Vậy nhưng khi trao đổi lại với mẹ chồng mình, bà mẹ trẻ này lại nhận được sự phản đối từ người đi trước khi cho rằng cô “ “trứng đòi khôn hơn vịt”. Theo bà phải ninh xương nấu cháo thì nước mới ngọt, cháo mới thơm mà quan trọng là thế mới đủ canxi cho trẻ. Thậm chí mẹ chồng em còn “dẫn chứng” bằng “bằng chứng sống” là chính ông chồng em đây, được bà một tay chăm bẵm, hầm xương nấu cháo từ 3,4 tháng.”.
Nhiều mẹ có thói quen ninh xương ống nấu cháo cho con (ảnh minh họa)
Trao đổi với chúng tôi, cô Đỗ Thị Thu Cẩm, Điều dưỡng trưởng, khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhi đồng I cho biết: “Việc ninh, hầm xương nấu cháo cho trẻ từ lâu đã giống như một thói quen, một truyền thống hay được mẹ dạy cho con gái, mẹ chồng dạy con dâu.. Tuy nhiên, trong dân gian xưa ta cũng có câu ‘người khôn ăn cái người dại ăn nước’, Nhiều người không biết rằng muốn trẻ nhận được chất bổ dưỡng thì cần phải cho trẻ ăn cả xác. Việc ninh sườn heo, xương cá để cung cấp chất đạm cho trẻ là sai lầm vì thực ra chất đạm không hề tan trong nước, dù có ninh, nấu bao nhiêu lâu đi chăng nữa”.
Trả lời thắc mắc của một số chị em về lý do vì sao khi hầm xương, nước ra lại rất ngọt và thơm, cô Thu Cẩm cho biết “Nhiều bà mẹ cho rằng ninh xương nước ngọt chứng tỏ phải có cái gì tan ra trong đó. Tuy nhiên thực ra chỉ có một số chất chiết xuất từ xương tan ra trong quá trình đun nấu. Những chất này có tác dụng tạo vị ngọt cho nước và kích thích vị giác, tuy nhiên xét về mặt dinh dưỡng thì nó gần như không chứa chất đạm.”
Cũng theo cô Thu Cẩm, trong tủy xương có nhiều chất béo nhưng đó là chất béo động vật (béo no) rất khó tiêu hóa. Nếu trẻ ăn nhiều sẽ gây tiêu chảy hoặc phân sống vì không hấp thụ được. Canxi trong nước hầm xương là canxi vô cơ, cơ thể trẻ cũng không thể hấp thụ được. Đây chính là nguyên nhân khiến trẻ ăn cháo, bột từ nước hầm xương thường xuyên bị còi xương, chậm mọc răng.
“Hiện nay các mẹ Việt vẫn nấu cháo cho con theo cách ray, xay rau và thịt cá. Tuy nhiên cách làm này không hiệu quả vì vừa mất thời gian và cũng không lấy được hết xác thịt, rau cho trẻ. Giải pháp tốt nhất mà chúng tôi vẫn hay khuyên dùng là nên băm nhỏ thực phẩm cho con. Ở khoa dinh dưỡng, chúng tôi luôn hướng dẫn các mẹ cách làm thế nào để nấu được một bát cháo ngon và đầy đủ dinh dưỡng nhất cho trẻ. Nếu nói không rõ thì chúng tôi sẽ làm trên bếp luôn, hướng dẫn trực tiếp để các bà mẹ đều có thể được quan sát”, cô Thu Cẩm kết luận.
Mời độc giả theo dõi Cận cảnh một lớp hướng dẫn nấu cháo ăn dặm của Khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhi đồng I vào ngày thứ 3 29/7/2014 tại mục Làm mẹ, eva.vn