Dạy trẻ tự kỷ bằng roi sắt
Cơ sở có treo biển “Trường tiểu học chuyên biệt Anh Vương” tại số 86 đường Cống Lở, P.15, Q.Tân Bình (TP.HCM) nhận giữ bán trú và nội trú 27 trẻ mắc chứng tự kỷ đã vừa bị phát hiện có hành vi bạo hành, ngược đãi trẻ em. Sự việc vừa được trưng ra ánh sáng đã khiến dư luận, xã hội đau xót.
Theo thông tin báo Thánh Niên phản ánh, ngày 7.7, bé Trần Minh Sang (8 tuổi, quê Đà Nẵng) luôn miệng kêu nhớ ba và đòi cô giáo gọi điện cho ba. Khi em chạy xuống nhà khóc nhè đã cô Nga (bảo mẫu) cùng cô Lam (giáo viên) lôi ngược lên lầu, một người dùng tay nắm đầu Sang đập liên tiếp vào cửa sắt, một người đánh tới tấp vào mặt Sang khiến em nằm dài trên nền gạch.
17 giờ ngày 7.7, vì lấy áo của một người trong trường mặc, em Trần An Tường bị cô Vân cầm roi sắt (bẻ từ chiếc móc phơi quần áo) đuổi theo Tường, la mắng, quát tháo, dùng roi sắt đánh vào lưng và đầu khiến Tường trở nên sảng, chạy luồn khắp từ trong nhà ra sân phơi đồ để né đòn. Khuôn mặt đờ đẫn, Tường khóc rưng rức, co ro núp sau những chiếc áo phơi trong sân.
10 giờ ngày 9.7, đang trong giờ học, em Phi Bằng chạy ra ngoài mở ti vi thì bị cô Loa và cô Trúc ngăn lại, kéo vào góc trái của lớp học rồi dùng một chiếc bàn chắn lại. Bằng vùng vẫy thoát ra thì bị hai cô dùng khúc gỗ dày đánh vào chân, tay và bóp cổ để ngăn em la hét.
Bảng hiệu trước cổng ghi tên "Trường tiểu học chuyên biệt Anh Vương", nhưng sau khi kiểm tra đây thực chất là một "Công ty TNHH". Ảnh: Infonet
Cơ sở Anh Vương trông như một ngôi biệt thự, có sân rộng nên khá tách biệt với bên ngoài. Ảnh Infonet
Ngày 9/7, do ăn chậm nên em Kỳ Nam bị cô Lam kéo từ nhà ăn ra hồ cá dọa: “Ăn cá nha. Ăn cá dưới hồ nha!”. Trong lúc kéo Nam ra, nhiều lần cô này tát vào mặt và đá vào người khiến em vừa ăn vừa nuốt nước mắt.
11 giờ 5 ngày 5.7, cũng vì lý do không chịu ăn cơm mà chạy trốn, bé Bằng bị cô Vân đuổi theo thẳng tay tát mạnh vào mặt. Từ bàn khác, cô Trâm (quản lý) chạy lại giữ đầu Bằng, buộc em phải nuốt cơm.
8 giờ ngày 12.7, bé Danh Phương (học sinh nhỏ tuổi nhất trường nội trú) cũng bị cô Nga cùng cô Lan giữ tay giữ chân, tống táng thức ăn đến mức lọt cả vào mũi
Phi Bằng, Danh Phương cũng là những nạn nhân đã từng bị các cô ngắt nhéo vào bộ phận sinh dục, gây tróc da phải bôi thuốc.
Cũng theo PV báo Thanh Niên cho biết, để con em được học tại đây, các gia đình có trẻ tự kỷ phải đóng từ 7 - 8 triệu đồng/tháng, bán trú từ 3 - 4 triệu đồng/tháng. Thậm chí như trường hợp em Minh Sang vào học từ 13.7.2013, gia đình phải đóng 5 triệu đồng cơ sở vật chất, học phí cho mỗi tháng là 8 triệu đồng (nộp trước theo quý, tức 24 triệu đồng/quý). Bước sang năm 2014, trường lại thông báo phải đóng thêm 3 triệu đồng tiền cơ sở vật chất và 3 triệu đồng tiền khám sức khỏe định kỳ hằng tháng. Với số tiền này vợ chồng bà Huệ phải chấp nhận cảnh sống xa nhau, một người làm việc ở Đà Nẵng, một người làm việc ở Đồng Nai để có tiền đóng tiền học cho con.
Đây được coi là một cơ sở "chất lượng cao" với mức học phí hàng tháng không hề rẻ. Ảnh Infonet
Khắp căn nhà là những mảng tường bong tróc, trong khi các phòng đều được đóng kín cửa và dán giấy, người bên ngoài không thể quan sát các sự việc xảy ra bên trong. Ảnh Infonet
Phụ huynh đau đớn, xót xa
Lại một lần nữa, vấn nạn bạo hành trẻ em ở các trường mầm non, mẫu giáo tư thục khiến dư luận bàng hoàng xen lẫn đau đớn. Xót xa hơn nữa, trong sự việc lần này, nạn nhân lại là những em bé tự kỷ, những em bé vốn đã không đủ ý thức để tự bảo vệ bản thân mình, có tâm hồn nhạy cảm, cần được cả xã hội quan tâm chăm sóc.
Trên diễn đàn tretuky.com, câu chuyện về cơ sở Anh Vương khiến nhiều bậc cha mạ có con mắc hội chứng tự kỷ phải rùng mình, thậm chí có người chảy tràn nước mắt khi đọc tin. Nickname me chuotbi thốt lên chua xót “Rụng rời. Đau đớn. Xã hội ơi!”, nichname Hoalanhnguyen, một bà mẹ cũng có con đang mắc bệnh tự kỷ lại tỏ ra giận dữ “Trẻ con bị bạo hành đã khổ rồi, các con như con của chúng mình lại càng khổ thân hơn vì không thể phản kháng lại, về cũng không biết mách bố mẹ ông bà.” hay như một bà mẹ khác trong diễn dàn thương xót “Không biết những gia đình có con là VIP bị gởi vào chỗ này, khi đọc bài báo này xong, sẽ sốc như thế nào? Mình là người bình thường, thấy các bé bị thiệt thòi đã thương rất nhiều, huống chi lại là những người tự xưng là cô giáo, bảo mẫu dạy trẻ tự kỷ thì tình thương phải dạt dào hơn, vì hiểu rõ về các bé. Vậy mà ... thật là đau lòng biết bao nhiêu.”
Cộng đồng cha mẹ có con tự kỷ đau xót phẫn nộ trước thông tin này.
Không chỉ có các bậc cha mẹ có con bị tự kỷ mới quan tâm đến vụ việc này mà tất cả các phụ huynh có con nhỏ đều cảm thấy đau đớn. Trên một diễn đàn lớn dành cho các bà mẹ nuôi con nhỏ, topic về “Trường tiểu học dạy trẻ tự kỷ bằng khúc cây” đã thu hút sự quan tâm lớn của chị em.
Ngoài những bình luận đau đớn, thương xót cho các con nhỏ, đồng thời bày tỏ phẫn nộ với cách hành xử thiếu giáo dục của nhà trường và các “cô giáo” tại cơ sở Anh Vương này thì nhiều chị em cũng có ý kiến cho rằng để trẻ tự kỷ bị bạo hành như vậy một phần lớn cũng là do lỗi của phụ huynh.
Như nickname comuito thắc mắc “Sao cha mẹ lại cho "nội trú" khi con bị bệnh nhỉ? Hay đây là 1 cách làm "nhẹ gánh" những người làm cha làm mẹ? Nếu quả thật thế thì cha mẹ thật đáng trách. Còn mấy con quỷ kia, rất mong pháp luật hãy truy tố và xử phạt nghiêm khắc hành vi bạo lực này.”
Hay nickname docmung tỏ ra đồng tình “Đứa nhỏ bị tự kỷ nó cần sự để ý, chăm sóc, sự dạy bảo rất kiên nhẫn, bao dung và cũng rất kiên quyết từ phía cha mẹ, gia đình. Những bé đó chỉ cần nó bình thường, chứ chẳng cần nó phải giỏi giang, thành tài. Nhưng các bậc phụ huynh đưa cháu nó vào ở nội trú để mong cháu nó được cô dạy dỗ bằng các bạn bình thường sao? Hay mong được cô chăm lo, hướng dẫn? (mấy chục cháu thì sao cô có thời gian kiên nhẫn với từng đứa, trong khi phụ huynh mình ở nhà đây có 1 cháu mà cũng không kiên nhẫn đuợc thì tin tưởng gì mấy cô). Thật sự mình không hiểu nổi sao các bậc phụ huynh lại tin tưởng mà gửi nội trú.”
Bên cạnh những bình luận bày tỏ nỗ đau đơn xót xa và phẫn nộ trước hành động của các giáo viên ở cơ sở Anh Vương....
....cũng có nhiều ý kiến cho biết cần nêu cả tránh nhiệm của những người làm cha làm mẹ.