Từ ngày mang bầu, mẹ sợ sức khỏe của mình không tốt, không lo cho con được nên đã tìm sẵn một người vú để chăm sóc con không ngờ có một ngày, con xem osin là mẹ và không còn cần người mẹ ruột này nữa.
Sinh ra trong gia đình khá giả,từ trẻ mẹ đã không phải làm động móng tay vì tim mẹ vốn không khỏe mạnh như người thường, bà ngoại sợ mẹ ốm yếu, ảnh hưởng đến sức khỏe. Đến khi lấy chồng và quyết định sinh con là một thử thách lớn lao với mẹ. Mẹ cũng không được mọi người tin tưởng có thể tự chăm sóc con cái, thế nên hết người này đến người khác ra sức tìm cho mẹ một vú nuôi đánh tin cậy để giao con. Mẹ cũng thật yên tâm vì thấy con được chăm lo tử tế lại được vú yêu thương hết mực như con ruột của mình. Sinh con xong sức khỏe của mẹ tệ hơn, thường mệt mỏi, váng vất đầu óc, chỉ cần vận động hơi nặng một chút là khó thở như hụt hơi nên ít khi có thể bồng bế con được.
Những tháng đầu con còn bé chưa biết gì, cả ngày quanh quẩn bên vú nhưng hễ mẹ bế là con cũng vui vẻ cười tít mắt. Con và vú ở phòng riêng, mẹ hay tranh thủ lúc khỏe qua bế bồng, dỗ dành và trò chuyện với con. Càng lúc con càng lớn nhanh còn mẹ thì không thể bế con nhiều nữa do sức không cho phép. Cũng từ ngày đó, con dần xa cách mẹ. Từ khi con biết bi bô, tiếng nói trên đầu môi của con là “Vú ơi, vú à” bất kể khi nào. Thức dậy, con đưa mắt tìm và gọi vú; khi đói, con gọi vú, khi vô tình vấp ngã, con khóc gọi vú, dù mẹ đứng kế bên con. Những lúc đó mẹ buồn, đau xót lắm. Nhưng đành nhủ thầm, do con gần vú nhiều hơn nên cũng là lẽ thường… Mẹ không nghĩ con lại xem osin là mẹ, và với mẹ lại như một người xa lạ.
Suốt ngày quanh quẩn bên giúp việc, mẹ không nghĩ con lại xem osin là mẹ, và với mẹ lại như một người xa lạ. (ảnh minh họa)
Có lần vú nuôi có việc, xin nghỉ một tuần về quê. Một buổi sáng con dậy không thấy vú đâu, con đã hét toáng lên làm cả nhà hoảng hốt tưởng con có chuyện chẳng lành. Khi ba mẹ chạy ào vào phòng, con không ngừng khóc, níu ống quần mẹ và hét lên “mẹ giấu vú ở đâu, mau trả vú lại cho con!”. Mẹ ra sức dỗ dành, năn nỉ, hứa hẹn đủ điều và bảo có mẹ bên cạnh, vậy mà con cũng không ngừng vòi vĩnh, nằng nặc đòi gọi điện cho vú. Trên điện thoại, khi nghe tiếng vú, con mừng đến cuống cuồng, dặn đi dặn lại vú mau về với con, con nhớ vú lắm. Mẹ đừng nghe bên cạnh mà sao thấy như xát muối trong lòng.
Con vào lớp một, tự tay mẹ sắm cho con chiếc cặp táp, bộ đồng phục, ủi cho con chiếc khăn quàng đỏ. Đêm trước ngày con đến trường, mẹ đã nôn nóng đến không thể ngủ được. Trời chưa sáng, mẹ đã thức dậy chuẩn bị chỉn chu để được đưa con đến lớp, để được tận mắt nhìn thấy ngày đầu con đi học… Vậy mà con bám chặt vào chân vú, bảo không thích mẹ đi cùng, con chỉ muốn đi cùng vú thôi… Mẹ đã quỵ khóc tức tưởi như đứa trẻ. Mẹ đau lòng không chỉ vì con không cần mẹ bên cạnh, không xem mẹ là mẹ mà vì bản thân mình vô dụng, đã không thể chăm sóc con một cách bình thường như những người mẹ khác chỉ vì sức khỏe của mình dù rằng mẹ đã luôn cố gắng gần gũi con mọi khi có thể…
Mẹ phải làm thế nào để con hiểu mẹ yêu thương con vô bờ như con đã yêu thương người vú nuôi đó? Mẹ phải làm thế nào nữa để con nhận ra mẹ mới chính là mẹ của con?
Tâm sự của một độc giả xin được giấu tên (Quận 5, Tp.HCM)