Ba lưỡi rìu
Xưa có một anh chàng tiều phu nghèo, cha mẹ anh bệnh nặng nên qua đời sớm, anh phải sống mồ côi cha mẹ từ nhỏ và tài sản của anh chỉ có một chiếc rìu. Hàng ngày anh phải xách rìu vào rừng để đốn củi bán để lấy tiền kiếm sống qua ngày. Cạnh bìa rừng có một con sông nước chảy rất xiết, ai đó lỡ trượt chân rơi xuống sông thì rất khó bơi vào bờ.
Một hôm, như thường ngày chàng tiều phu vác rìu vào rừng để đốn củi, trong lúc đang chặt củi cạnh bờ sông thì chẳng may chiếc rìu của chàng bị gãy cán và lưỡi rìu văng xuống sông. Vì dòng sông nước chảy quá xiết nên mặc dù biết bơi nhưng anh chàng vẫn không thể xuống sông để tìm lưỡi rìu. Thất vọng anh chàng tiều phu ngồi khóc than thở.
Bỗng từ đâu đó có một ông cụ tóc trắng bạc phơ, râu dài, đôi mắt rất hiền từ xuất hiện trước mặt chàng, ông cụ nhìn chàng tiêu phu và hỏi:
-Này con, con đang có chuyện gì mà ta thấy con khóc và buồn bã như vậy?
Anh chàng tiều phu trả lời ông cụ:
-Thưa cụ, bố mẹ cháu mất sớm, cháu phải sống mồ côi từ nhỏ, gia cảnh nhà cháu rất nghèo, tài sản duy nhất của cháu là chiếc rìu sắt mà bố mẹ cháu trước lúc qua đời để lại. Có chiếc rìu đó cháu còn vào rừng đốn củi kiếm sống qua ngày, giờ đây nó đã bị rơi xuống sông, cháu không biết lấy gì để kiếm sống qua ngày nữa. Vì vậy cháu buồn lắm cụ ạ!
Ông cụ đáp lời chàng tiều phu:
-Ta tưởng chuyện gì lớn, cháu đừng khóc nữa, để ta lặn xuống sông lấy hộ cháu chiếc rìu lên.
Dứt lời, ông cụ lao mình xuống dòng sông đang chảy rất xiết. Một lúc sau, ông cụ ngoi lên khỏi mặt nước tay cầm một chiếc rìu bằng bạc sáng loáng và hỏi anh chàng tiều phu nghèo:
– Đây có phải lưỡi rìu mà con đã làm rơi xuống không ?
Anh chàng tiều phu nhìn lưỡi rìu bằng bạc thấy không phải của mình nên anh lắc đầu và bảo ông cụ:
Ảnh minh họa.
– Không phải lưỡi rìu của cháu cụ ạ, lưỡi rìu của cháu bằng sắt cơ.
Lần thứ hai, ông cụ lại lao mình xuống dòng sông chảy xiết để tìm chiếc rìu cho chàng tiều phu. Một lúc sau, ông cụ ngoi lên khỏi mặt nước tay cầm chiếc rìu bằng vàng và hỏi chàng tiều phu:
-Đây có phải là lưỡi rìu mà con đã sơ ý làm rơi xuống sông không?
Anh chàng tiều phu nhìn lưỡi rìu bằng vàng sáng chói, anh lại lắc đầu và bảo:
-Không phải là lưỡi rìu của con cụ ạ
Lần thứ ba, ông cụ lại lao mình xuống sông và lần này khi lên ông cụ cầm trên tay là chiếc rìu bằng sắt của anh chàng tiều phu đánh rơi. Ông cụ lại hỏi:
-Vậy đây có phải là lưỡi rìu của con không!
Thấy đúng là lưỡi rìu của mình rồi, anh chàng tiều phu reo lên sung sướng:
-Vâng cụ, đây đúng là lưỡi rìu của con, con cảm ơn cụ đã tìm hộ con lưỡi rìu để con có cái đốn củi kiếm sống qua ngày.
Ông cụ đưa cho anh chàng tiều phu lưỡi rìu bằng sắt của anh và khen:
-Con quả là người thật thà và trung thực, không hề ham tiền bạc và lợi lộc. Nay ta tặng thêm cho con hai lưỡi rìu bằng vàng và bạc này. Đây là quà ta tặng con, con cứ vui vẻ nhận.
Anh chàng tiều phu vui vẻ đỡ lấy hai lưỡi rìu mà ông cụ tặng và cảm tạ. Ông cụ hóa phép và biến mất. Lúc đó anh chàng tiều phu mới biết rằng mình vừa được bụt giúp đỡ.
Nàng tiên cóc
Ngày xưa, có hai vợ chồng nông dân hiếm hoi, cầu Trời khấn Phật mãi người vợ mới có thai, nhưng đến khi sinh ra, không phải là người mà lại là một con cóc.
Con cóc lớn lên, biết nói tiếng người, song hình thù sần sùi, xấu xí, khiến cha mẹ nó lấy làm buồn phiền, thường than thở với nhau: “Vợ chồng mình già cả, hiếm hoi, tưởng sinh được mụn con nối dòng, trông nom đỡ đần mình, ngờ đâu oan gia nghiệp báo lại sinh ra cóc, còn trông mong gì nữa”!
Cóc nghe thấy thế, khuyên cha mẹ đừng lo. Rồi ngay hôm sau cóc nhảy đi coi ruộng cho cha mẹ, và từ khi nó trông nom đồng áng thì chẳng có ai lấy trộm lúa ruộng nhà nó như trước nữa.
Một hôm, có mấy thư sinh đi qua ruộng nó, dẫm lên lúa, bỗng nghe có tiếng lanh lảnh như giọng con gái bảo rằng: “Xin các cậu đi cho có ý tứ kẻo làm nát lúa nhà em”.
Lũ thư sinh nhìn vào ruộng lúa, chẳng thấy ai, chỉ thấy một con cóc đang ngồi đó. Tiếng nói dịu ngọt làm cho một anh trong bọn đâm ra có cảm tình. Chàng thư sinh này bấy lâu đọc sách đạo thần tiên, tin tưởng có sự mầu nhiệm ở đời, nên về nhà nói với cha mẹ xin hỏi cóc làm vợ.
Ban đầu cha mẹ thư sinh tưởng con mình hóa dại, song anh ta cứ một mực đòi lấy cóc làm vợ cho kỳ được, nếu không thì thề quyết chẳng lấy ai. Người cha bèn kiếm cớ từ khước, bảo chỉ có một mình anh ta là con trai, cưới cóc về có sinh ra được con cái để nối dòng không?
Thư sinh tin là sẽ có sự nhiệm màu xảy đến trong ngày cưới cóc về, Tiên Phật sẽ giúp cho cóc thành người có đức hạnh, nhan sắc hơn đời. Thấy con đã nhất quyết như vậy, cha mẹ anh ta cũng đành phải chiều theo, đem trầu cau đi hỏi cóc.
Đến ngày cưới, bên nhà trai mang đủ lễ vật, đồ nữ trang, quần áo cho cô dâu như người thường, chàng rể hy vọng Tiên Phật hóa phép cho cóc thành một cô gái xinh tươi như chàng vẫn mộng tưởng. Cả hai họ cũng trông mong như vậy, nhưng đến khi rước dâu, mọi người phải tức cười và xấu hổ vì đưa đón một con cóc nhảy về nhà chồng.
Cha mẹ chồng vừa rầu, phiền cho con trai, vừa chua xót vì con dâu cóc, liền cấp ruộng cho đôi lứa đi ở riêng. Thư sinh cũng buồn lòng, cặm cụi học hành, nghiên cứu các khoa học thần bí, hy vọng gỡ rối cho gia đình, nhất là đối với cha mẹ già đang khát khao có cháu bế. Cóc thì siêng năng công việc ở nhà, thức khuya dậy sớm khuyên chồng chăm chỉ bút nghiên.
Ngày ngày anh ta đi học về thì đã thấy cơm nước sẵn sàng, nhà cửa sạch sẽ ngăn nắp, mới nghĩ bụng rằng trong lúc vắng mình, chắc vợ trút lốt cóc thành người, chứ một con cóc thì làm sao lo việc nội trợ khéo léo được thế kia?
Mấy bận anh ta thử rình, ra đi rồi thình lình trở về bất ngờ, hy vọng bắt gặp vợ là một cô gái xinh đẹp, song chỉ thấy một con cóc sần sùi ở nhà. Anh van nài cóc hóa thành người đẹp cho mình được sung sướng, nhưng cóc vẫn thản nhiên không tỏ vẻ gì cả.
Ảnh minh họa.
Một tối, anh cho cóc hay tin mình được bổ đi dạy ở trường tỉnh, ngỏ thật rằng mình không thể đưa vợ đi theo nếu vợ vẫn giữ lốt cóc. Từ ngày cưới về anh ta đã chịu biết bao lời chế diễu của hàng xóm, bè bạn.
Hơn nữa, cha mẹ vẫn thúc dục anh lấy thêm vợ khác để có con nối nghiệp tông đường. Cóc lặng yên nghe chồng than thở, khuyên chồng chớ nên quá buồn phiền, và xin phép hôm sau về nhà thăm cha mẹ.
Sáng ngày, cóc đi theo chồng, được một quãng thì nhảy vào một cái bụi bên đường. Thư sinh dừng bước lại thì thấy ở bụi cây đi ra một cô gái xinh đẹp lạ lùng, quá sức ước mong của anh bấy lâu.
Anh sung sướng ngẩn ngơ nhìn người vợ đẹp lại gần, say đắm ngắm nghía vợ từ đầu đến chân rồi thiết tha xin vợ từ đây cứ giữ hình người. Biết là vợ đã trút lốt cóc ra trong bụi, anh ta kiếm cớ đi lùi lại sau rồi chạy lẻn đến bụi tìm lốt cóc mà dấu vào mình.
Đến nhà, cha mẹ thư sinh mừng rỡ thấy con dâu cóc đã hóa ra người xinh đẹp, dịu dàng. Anh chồng hân hoan thừa lúc mọi người không để ý đến, đem lốt da cóc bỏ vào bếp lửa cho tiêu tan. Hai vợ chồng ở lại nhà cha mẹ cả đôi bên luôn mấy ngày, vui vẻ tiệc tùng liên tiếp rồi mới trở về nhà.
Trên đường về vợ kiếm cớ vào bụi cây để tìm lại lốt cũ, không thấy, chồng mới cho hay là mình đã lấy đốt đi rồi. Vợ đành phải giữ nguyên hình người để về với chồng.
Hai vợ chồng ăn ở với nhau đằm thắm vui vẻ, vợ sinh được nhiều con cái, chồng học thi đỗ cao làm nên chức lớn, sống một đời sung sướng.
Truyện cây táo
Ngày xửa ngày xưa, có một cây táo rất to. Một cậu bé rất thích đến chơi với cây táo mỗi ngày. Nó leo lên ngọn cây hái táo ăn, ngủ trưa trong bóng râm. Nó yêu cây táo và cây cũng rất yêu nó. Thời gian trôi qua, cậu bé đã lớn và không còn đến chơi với cây táo mỗi ngày.
Một ngày nọ, cậu bé trở lại chỗ cây táo với vẻ mặt buồn rầu, cây táo reo to:
– Hãy đến chơi với ta.
– Cháu không còn là trẻ con, cháu chẳng thích chơi quanh gốc cây nữa. Cháu chỉ thích đồ chơi thôi và cháu đang cần tiền để mua chúng.
– Ta rất tiếc là không có tiền, nhưng cậu có thể hái tất cả táo của ta và đem bán. Rồi cậu sẽ có tiền.Cậu bé rất mừng. Nó vặt tất cả táo trên cây và sung sướng bỏ đi. Cây táo lại buồn bã vì cậu bé chẳng quay lại nữa.
Một hôm, cậu bé – giờ đã là một chàng trai – trở lại và cây táo vui lắm:
– Hãy đến chơi với ta.– Cháu không có thời gian để chơi. Cháu còn phải làm việc nuôi sống gia đình. Gia đình cháu đang cần một mái nhà để trú ngụ. Bác có giúp gì được cháu không?
– Ta xin lỗi, ta không có nhà. Nhưng cậu có thể chặt cành của ta để dựng nhà.Và chàng trai chặt hết cành cây. Cây táo mừng lắm nhưng cậu bé vẫn chẳng quay lại.
Cây táo lại cảm thấy cô đơn và buồn bã.Một ngày hè nóng nực, chàng trai – bây giờ đã là người có tuổi – quay lại và cây táo vô cùng vui sướng.
– Hãy đến chơi với ta.
– Cháu đang buồn vì cảm thấy mình già đi. Cháu muốn đi chèo thuyền thư giãn một mình. Bác có thể cho cháu một cái thuyền không?
– Hãy dùng thân cây của ta để đóng thuyền. Rồi cậu chèo ra xa thật xa và sẽ thấy thanh thản.Chàng trai chặt thân cây làm thuyền. Cậu chèo thuyền đi.
Ảnh minh họa.
Nhiều năm sau, chàng trai quay lại.
– Xin lỗi, con trai của ta. Nhưng ta chẳng còn gì cho cậu nữa. Không còn táo.
– Cháu có còn răng nữa đâu mà ăn.
– Ta cũng chẳng còn cành cho cậu leo trèo.
– Cháu đã quá già rồi để mà leo trèo.
– Ta thật sự chẳng giúp gì cho cậu được nữa. Cái duy nhất còn lại là bộ rễ đang chết dần mòn của ta – cây táo nói trong nước mắt.
– Cháu chẳng cần gì nhiều, chỉ cần một chỗ ngồi nghỉ. Cháu đã quá mệt mỏi sau những năm đã qua.
– Ôi, thế thì cái gốc cây già cỗi này là một nơi rất tốt cho cậu ngồi dựa vào và nghỉ ngơi. Hãy đến đây với ta.
Chàng trai ngồi xuống và cây táo mừng rơi nước mắt.
Đây là câu chuyện của tất cả chúng ta. Cây táo là cha mẹ chúng ta. Khi chúng ta còn trẻ, ta thích chơi với cha mẹ.
Khi lớn lên, chúng ta bỏ họ mà đi và chỉ quay trở về khi ta cần họ giúp đỡ. Bất kể khi nào cha mẹ vẫn luôn sẵn sàng nâng đỡ chúng ta để ta được hạnh phúc. Ta phải sống sao cho trọn đạo làm con.
Bài học hay từ những câu chuyện cổ tích
Những câu chuyện cổ tích gắn liền với độc giả nhiều lứa tuổi, đặc biệt là các bé mầm non, qua đó đều đem lại những bài học cuộc sống từ những câu chuyện cổ tích vô cùng bổ ích.
Những câu chuyện cổ tích ngắn gọn nhưng chứa đựng nhiều bài học thú vị, mẹ hãy kể cho bé nghe.
Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/top-3-cau-chuyen-co-tich-chon-loc-hay-nhat-cho-be-...Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/top-3-cau-chuyen-co-tich-chon-loc-hay-nhat-cho-be-mau-giao-d302603.html
Nuôi con khoẻ, dạy con khôn lớn