Đối diện với một đứa con không may bị thiểu năng trí tuệ hay tự kỷ, một cặp cha mẹ thông thường sẽ làm gì? Chấp nhận thực tế trớ trêu, gia đình ngày ngày cắt cử một người ở nhà chăm sóc cái người “ngốc ngốc ngơ ngẩn” ấy; hay cho con theo học các lớp học đặc biệt dành cho trẻ thiểu năng trí tuệ, đến khi trẻ không muốn theo học nữa, thì cuối cùng vẫn cho trẻ về quanh quẩn ở nhà?
Tuy nhiên, theo số liệu thống kê thực tế, không phải trẻ tự kỷ nào cũng mất đi khả năng nhận thức với mọi vấn đề xã hội. Thực tế, gần 10% trong số họ có tài năng phi thường về âm nhạc, hội họa, điêu khắc, tính toán… dù không được học hay luyện tập. Đã có nhiều trường hợp trẻ tự kỷ tài năng được phát hiện trên thế giới.
Nổi tiếng nhất chính là trường hợp của Họa sỹ thiên tài Michelangelo. Là một nhà họa sỹ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư, nhà thơ nổi tiếng của Ý thời kỳ đỉnh cao Phục hưng. Ông là danh họa sáng ngang Leonardo da Vinci với tuyệt phẩm tranh tường trên mái vòm nhà nguyện Sistine, bức tượng vua David, Cuộc sáng tạo Adam... Nhưng ít ai biết rằng, thiên tài với những tác phẩm để đời cho thế hệ sau lại mắc chứng tự kỷ. Thủa niên thiếu, Michelangelo gặp khó khăn trong việc xây dựng các mối quan hệ xung quanh ông. Trong suốt quãng đời trai trẻ, Michelangelo chỉ có vài người bạn. Theo các nhà nghiên cứu, nhiều thành viên nam trong gia đình ông cũng mắc chứng bênh tương tự.
Tại Việt nam, ở tuổi 13, cậu bé Nguyễn Thế Vinh đã đạt giải nhì Concerto Category bảng A trong cuộc thi piano quốc tế lần thứ năm tại Malaysia vào tháng 11/2012. Trước đó, cậu bé này đã giành được môt số giải thưởng quan trọng khác về âm nhạc. Năm lên 10 (tháng 7/2010), Vinh lần đầu tiên tham dự một cuộc thi chuyên nghiệp về piano tại Hàn Quốc và giành luôn giải vàng. Tháng 9/2010 cậu bé đạt giải khuyến khích bảng A (lứa tuổi từ 10-13) trong cuộc thi Piano quốc tế lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam.
Cùng thời gian, Vinh được trao học bổng Toyota giành cho học sinh xuất sắc của các trường nghệ thuật. Tháng 1/2012, cậu bé tham gia biểu diễn trong chương trình hoà nhạc đặc biệt chào xuân 2012 cùng với dàn nhạc giao hưởng Việt Nam tại Nhà hát lớn Hà Nội do nhạc trưởng người Nhật Bản Honna Tetsuji chỉ huy. Và đến tháng 9/2012, Vinh đạt giải nhì bảng A (lứa tuổi từ 10-13) và giải thí sinh trình diễn nhạc cổ điển hay nhất trong cuộc thi piano quốc tế lần thứ hai tổ chức tại Việt Nam. Việc đoạt giải cao và nhiều giải thưởng về một lĩnh vực nào đó cũng không phải là chuyện lạ. Nhưng điều đặc biệt là tài năng này gần 10 năm về trước lại mắc chứng bệnh tự kỷ nặng.
Từ 9h – 11h00 ngày 13/09/2015, tại Sân khấu 2, Hội chợ sách Quốc tế- Việt Nam 2015 (Công viên Thống nhất, cổng Trần Nhân Tông), sẽ diễn ra chương trình Tọa đàm: “Tìm tương lai cho con tự kỷ và thiểu năng trí tuệ”. Độc giả tham gia cương trình sẽ có cơ hội tìm hiểu, trao đổi cùng nhà văn Trang Hạ về tâm sinh lý, cũng như cách thức giúp hiện và phát triển khả năng của trẻ tự kỷ, giúp trẻ hòa nhập với xã hội, cũng như phát huy hết tài năng sẵn có của mình.
Buổi giao lưu lấy cảm hứng từ những trường hợp trên và đặc biệt là từ cuộc đời cậu bé Lư Tô Vỹ trong cuốn sách “Con không ngốc, con chỉ thông minh theo một cách khác” phát hành vào cuối tháng 3/2015 vừa qua. Cuốn sách viết về hành trình của một cậu bé bị thiểu năng trí tuệ sau trận viêm màng não Nhật Bản vươn lên để trở thành một trong ba sinh viên xuất sắc nhất Học viện cảnh sát Hồng Kông, là minh chứng chân thực khác cho khả năng phát triển trí tuệ của những em nhỏ bị tự kỷ và thiểu năng trí tuệ.
Buổi giao lưu “Tìm tương lai cho con tự kỷ và thiểu năng trí tuệ” với sự tham gia của nhà văn Trang Hạ không chỉ giúp ích cho các bậc phụ huynh đang loay hoay với khả năng nhận thức của con trẻ, mà còn có ý nghĩa với các bạn trẻ đang mất phương hướng, niềm tin vào bản thân.
Thông qua buổi giao lưu này, các nhà tổ chức mong muốn có thể giúp các bậc phụ huynh gieo hạt mầm tự tin và nỗ lực để giúp con trẻ, nhất là những gia đình có trẻ bị tự kỷ hoặc thiểu năng trí tuệ, có thêm niềm tin để gặt hái thành công trong tương lai.