Chuẩn bị cho trẻ đi học trở lại sau Tết là điều được rất nhiều bậc phụ huynh quan tâm, bởi sau Tết trẻ thường có tâm lý thích chơi, ngại đi lớp, với những bé vốn đã gặp khó khăn như trẻ tự kỷ, tăng động, có vấn đề về nhận thức thì sẽ trở nên khó hợp tác hơn so với các bạn bình thường khác.
Bố mẹ đau đầu vì con gào khóc khi quay trở lại trường học sau Tết
Chỉ còn ít ngày nữa, tại nhiều trường học, giáo viên, học sinh sẽ bắt đầu trở lại với công việc học tập, giảng dạy theo thời khóa biểu sau thời gian dài nghỉ Tết Nguyên đán 2020. Tuy nhiên, sau những ngày nghỉ dài, được vui chơi thỏa thích, nhiều trẻ có biểu hiện không thích đi học. Nhất là ở bậc mầm non, tiểu học, nhiều trẻ nghe đến việc quay trở lại trường học đã thể hiện thái độ bất hợp tác, thậm chí khóc lóc, nổi cáu.
Về phía phụ huynh thì khốn khổ tìm mọi cách giúp con trở lại trường. Chị Đỗ Thị Tuyết Mai (Hoàn Kiếm, Hà Nội) nhớ lại kỉ niệm sáng đầu tiên đưa con đi học sau kỳ nghỉ Tết năm ngoái, chị phải dỗ mãi con trai 6 tuổi (đang học Trường tiểu học Thăng Long) mới chịu đến lớp.
Khá nhiều trẻ nhỏ mang tâm lý nặng nề khi phải trở lại trường học sau kỳ nghỉ Tết. (Ảnh minh họa)
Chị Mai bộc bạch: “Nếu như bé đầu của gia đình năm nay học lớp 6, con rất ý thức được việc nghỉ lễ Tết và quay trở lại đi học sau Tết thì bé thứ 2 con vẫn còn ham chơi, chỉ sau 1 tuần nghỉ Tết năm ngoái con đã không còn hứng thú đi lớp như trước nữa.
Buổi sáng, đánh thức mãi cháu mới chịu dậy, rồi mè nheo đủ thứ. Trên đường đến trường, cháu còn nước mắt ngắn dài, mặc cả, xin bố mẹ cho ở nhà thêm. Hai vợ chồng không lường trước được việc này nên không biết làm sao để con hào hứng đi học như trước”.
Cùng cảnh ngộ với chị Mai, gia đình anh Phan Văn Nghĩa (Cầu Giấy, Hà Nội) có con gái học tại trường Tiểu học Dịch Vọng A, quận Cầu Giấy, Hà Nội) nhớ mãi, năm ngoái cũng vất vả hối thúc con trở lại học tập sau những người được xả hơi để đi chơi.
Vì nắm được tâm lý của con nên trước ngày đi học trở lại, anh Nghĩa đã “làm công tác tư tưởng”, nói chuyện và dành thời gian ngồi ôn bài cùng con, kiểm tra xem con đã làm hết bài tập về nhà chưa. Có điều, con chỉ ngồi vào bàn học được mươi phút là cháu lấy lý do đi uống nước, đi vệ sinh, thậm chí kêu đói để ăn bánh kẹo, mứt Tết. Lúc này bố mẹ không nghiêm khắc được với con là chúng bỏ bê và lên giường ngay.
Đem thực tế này hỏi trước nhiều ông bố bà mẹ, các phụ huynh đều có chung tình cảnh, và cảm thấy mệt mỏi, bối rối tìm cách để con hứng thú trở lại trường học sau những ngày được chơi Tết thỏa thích.
Chuyên gia hướng dẫn cha mẹ giúp con hứng khởi trở lại trường học
Cô Nguyễn Hương, giáo viên một trường tiểu học ở quận Nam Từ Liêm chia sẻ, không chỉ sau Tết mà ngày thường, rất nhiều phụ huynh than thở con mình không thích đi học, được nghỉ học là hò reo ăn mừng. Theo cô Hương, trẻ không thích đi học là bình thường, hầu như đứa nào cũng vậy, bố mẹ không nên quá căng thẳng với con.
Thời điểm này, cha mẹ nên cố gắng tạo cho con nề nếp trong sinh hoạt, ăn ngủ đúng giờ, đừng thức quá khuya. Ngoài ra, bố mẹ có thể sắp xếp lại bàn học của con, khuyến khích con đọc sách, kể chuyện trường lớp cho con nghe...
Theo các chuyên gia, với những kỳ nghỉ dài như nghỉ Tết, nếu các gia đình không có kế hoạch tổ chức lịch sinh hoạt phù hợp mà cho con nghỉ hoàn toàn, thoát ly hẳn với bài vở thì sẽ rất khó để trẻ có thể vui vẻ trở lại trường. Bởi lẽ, khi được nghỉ tết, các trẻ thường được ngủ nướng, dậy muộn, cả ngày chỉ đi chơi và đi ăn, lịch sinh hoạt gần như bị “đảo lộn”.
Thạc sỹ tâm lý Lã Linh Nga - Giám đốc trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học tâm lý giáo dục cho biết, lý do khiến các con ngại phải đi học trở lại là do kỳ nghỉ khá dài, các con bị thay đổi nhịp sinh học.
Trẻ đang từ đi học, sáng dậy sớm, ăn sáng, ngủ trưa, thì chuyển thành sáng dậy muộn, không ăn sáng mà ăn trưa luôn, trưa không ngủ, hầu hết chiều mới ngủ hoặc không ngủ luôn, tối lại thức khuya, chưa kể ăn vặt nhiều.
Khi đi học, quay lại nếp ăn, ngủ không được tự do theo ý thích nữa, các bạn ý sẽ cảm thấy khó chịu và khó thích nghi, dẫn tới việc không muốn đi học.
Ngoài ra, cũng có không ít những ông bố bà mẹ trong những ngày nghỉ lễ thường hay dọa con: “Con không ngoan cho đi học bây giờ”, “con hư là bố mẹ mách cô giáo”, những câu nói tưởng đơn giản nhưng dễ dẫn tới việc trẻ bị ám ảnh, sợ trường học, nhát cô giáo và không muốn đến lớp.
Chuyên gia tâm lý Lã Linh Nga cũng cho biết, để tạo hứng thú cho bé đi học sau Tết cha mẹ cần khơi gợi niềm yêu thích lớp học cho bé thường xuyên trong thời gian nghỉ bằng cách: Trong tất cả các ngày nghỉ nên nói chuyện với con về những câu chuyện vui khi đi học, những bài học thú vị, những giờ chơi mà con thích, các hoạt động ngoại khóa ở trường, từ đó các con sẽ có cơ hội kể lại những niềm vui đó cho gia đình nghe.
(Ảnh minh họa)
“Có một thực tế rất dễ thấy đó là việc nhiều phụ huynh khi thấy con chểnh mảng việc học sau tết thường sẽ nổi cáu, nóng vội với các con, mà càng cáu càng bực mình thì con lại càng bất hợp tác. Lúc này các mẹ cần phải bình tĩnh, tạm chấp nhận sự thật và thông cảm với các con về việc lơ đãng chuyện học sau kỳ nghỉ dài.
Thay vì suốt ruột, nóng vội thì cha mẹ nên giúp con lập kế hoạch chi tiết, chia nhỏ nhiệm vụ giờ này vào học, giờ kia nghỉ, không yêu cầu quá nhiều, thay vì tạo áp lực cho con bằng việc bắt con học này học kia thì mẹ nên nói vài lời khích lệ, khen ngợi để con có tinh thần tích cực.” - Thạc sỹ tâm lý Lã Linh Nga chia sẻ.
Trong trường hợp các con bướng bỉnh, nói không nghe lời, cha mẹ cần phải quán triệt rõ ràng việc học và chơi giống như khi con đang học trên lớp. Thông thường nếu phụ huynh biết tương tác thì chỉ mất 1 hoặc 2 tuần là các con sẵn sàng tâm lý trở lại.
Phụ huynh và cả giáo viên đừng quá chạy theo chương trình, giáo án, khuôn khổ mà gây áp lực với trẻ. “Cha mẹ chấp nhận ngồi học cùng con thời gian đầu, thì các con sẽ hứng thú, kiểm soát các trò mà con tìm mọi cách kiếm cớ lảng tránh việc học” – Chuyên gia nhấn mạnh.
(Ảnh minh họa)
Đồng thời, trong thời gian nghỉ tết và cả những ngày chuẩn bị sắp phải đi học trở lại, cha mẹ không nên cho con học và làm quá nhiều bài vở, chỉ cần xem qua bài vở tầm 2 hôm trước khi đi học, trong những ngày nghỉ Tết cha mẹ không nhất thiết bắt các con học bài để tránh quên kiến thức.
Buổi đầu tiên sau khi đi học về, mẹ cần đón con bằng nụ cười thật tươi, tặng con cái ôm, hãy bắt đầu câu chuyện với những câu hỏi vui vẻ về bạn bè, trường lớp trong ngày đầu của năm mới.
Qua nhiều năm nắm bắt tâm lý của trẻ nhỏ, Thạc sỹ tâm lý Lã Linh Nga cho rằng dù có ép trẻ nhỏ chuyên tâm chuyện học ngay sau khi vừa mới hết Tết cũng không đạt kết quả. Chưa kể nếu không cẩn thận sẽ gây tác dụng ngược khiến các con chán nản, buông kiến thức. Các mẹ cần phải dẫn dắt và đồng hành cùng con từ từ mới hy vọng các con hợp tác trở lại trường lớp một cách vui vẻ.
Nguồn: http://khampha.vn/me-va-be/tre-ngai-di-hoc-sau-nghi-tet-chuyen-gia-mach-me-cach-giup-co...Nguồn: http://khampha.vn/me-va-be/tre-ngai-di-hoc-sau-nghi-tet-chuyen-gia-mach-me-cach-giup-con-vuot-qua-tam-ly-ue-oai-c32a754046.html