"Con có thể ăn theo nhu cầu, vui chơi tùy thích và làm những gì bé muốn. Nhưng
nhất thiết phải ngủ đủ giấc, vì có như thế bé mới phát triển tốt về thể chất và tinh thần được" - Đó là ý kiến của Suzane Collee - một người mẹ đang sống ở Hague, Hà Lan với ba đứa trẻ xinh đẹp như thiên thần.
Các con của Suzane bé nào cũng rất ngoan, vui vẻ và chúng có thể chơi đùa hay tham gia rất nhiều hoạt động mỗi ngày, mà không bao giờ tỏ ra lờ đờ, mệt mỏi. Suzane bảo, cứ sau mỗi đêm ngủ "thẳng cẳng" và ngon lành, bọn trẻ lại tràn đầy năng lượng cho 1 ngày mới. Thế mới biết giấc ngủ quan trọng như thế nào.
"Nhưng làm sao để bọn trẻ ngủ ngoan như vậy?" - Tôi thắc mắc vì thấy các con mình không bao giờ thôi phụng phịu khi bước vào phòng ngủ, rồi luôn "sục xạo" mỗi đêm vì thức giấc. Kết quả là sáng ra đứa nào đứa nấy nhăn nhó, mếu máo khi bị mẹ "lôi" dậy, chúng thậm chí còn ngủ gục khi đang ăn sáng một cách uể oải nữa. "Thấy chưa, nếu các con chịu ngủ sớm hơn thì giờ đã không mệt mỏi thế này" - Tôi vừa nhăn nhó vừa càu nhàu, cảm thấy năng lượng của mình cũng "sụt" thê thảm sau một đêm không ngon giấc vì phải dỗ con, giờ lại phải thấy vẻ vật vờ của tụi nó nữa. Nhưng mặc cho tôi có dọa dẫm: "Nếu tối nay các con vẫn cứ như vậy, ngày mai mẹ sẽ phạt thật nặng đấy!" hàng... tỉ lần thì những ngày sau vẫn... chẳng có sự thay đổi nào hết.
Các con của Suzane lúc nào cũng vui vẻ, thoải mái, đó là bí quyết giúp con thông minh của mẹ Suzane.
Vậy bằng cách nào Suzane có thể khiến các con mình ngủ ngoan như vậy? Giải đáp cho những thắc mắc của tôi, cô ấy đưa ra những lời khuyên nghe có vẻ rất đơn giản nhưng vô cùng hợp lý. Cách cô ấy "ru" con mình ngủ chỉ là:
- Giải thích với con rằng giấc ngủ quan trọng như thế nào:
Theo Suzane thì, các mẹ vẫn thường giải thích với bé rằng tại sao con phải ăn rau, thịt thì quan trọng như thế nào, và tại sao con phải tập thể dục cũng như chạy bộ nữa,... Nhưng có khi nào mẹ giải thích với bé rằng vì sao con phải ngủ chưa, cả về tầm quan trọng của giấc ngủ nữa. Chắc hẳn là chưa, hoặc bọn trẻ thường nhận được câu trả lời cho những thắc mắc của chúng một cách rất… khó thuyết phục như: “Đã đến giờ con phải đi ngủ rồi!” hoặc: “Nếu không ngủ thì sáng mai con sẽ mệt lắm đấy!” Thế nên, chẳng khó hiểu khi lũ trẻ luôn coi giấc ngủ như một sự… trừng phạt, hoặc một khoảng thời gian tồi tệ mà chúng bị cách ly với mọi người trong căn phòng tối om.
Gia đình hạnh phúc của Suzane
Thế nhưng, giấc ngủ thực ra không phải là điều tồi tệ như các con vẫn nghĩ, và hơn ai hết, mẹ nên cố gắng giải thích điều đó với bé: Giấc ngủ - theo các nhà khoa học – là khoảng thời gian phục hồi sức khỏe sau một ngày hoạt động, vui chơi, học tập đầy mệt mỏi. Đó cũng là lúc cơ thể con phát triển và về thể chất lẫn tinh thần. Ngủ đủ và sâu giấc còn giúp con tăng cường hệ miễn dịch, tinh thần thoải và vui tươi hơn. Ngoài ra, giấc ngủ còn giúp thực hiện việc “thanh lọc” trí não của bé nữa. Nó lọc những kí ức hình thành trong suốt một ngày của con. Những điều không liên quan sẽ bị loại bỏ và chỉ giữ lại những điều quan trọng hơn, rồi di chuyển chúng từ bộ nhớ ngắn hạn sang bộ nhớ dài hạn của não bộ, để “nhường” chỗ cho những kiến thức mới mà bé sẽ tiếp thu.
Matthew Walker – 1 chuyên gia về giấc ngủ - thuộc Đại học California, Berkeley đã có một so sánh rất trực quan về giấc ngủ, rằng: “Nó giống như khi ta làm việc với 1 hộp thư vậy, cần loại bỏ những thư “rác” và chỉ giữ lại những thư quan trọng, để có không gian nhận những tin nhắn mới”. Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, những kiến thức và kĩ năng bé mới học sẽ được củng cố và tăng cường sau một đêm ngủ ngon. Điều đó có nghĩa là con sẽ đá bóng, chơi đàn hay nhân chia,… giỏi hơn chỉ bằng cách ngủ thật ngon!
Anh Henk Netten (chồng Suzane) và con gái
"Tôi nói dài dòng như vậy, là muốn nhắn nhủ với các mẹ khác rằng: Khi muốn giải thích cho con một điều gì đó, thì chính họ cũng phải hiểu một cách rõ ràng nhất" - Suzane giải thích. Cô ấy nói thêm: "Có rất nhiều nghiên cứu chứng minh rằng: Khi bố mẹ giảng giải cho con về tầm quan trọng của giấc ngủ, bé sẽ có phản ứng tích cực với nó hơn. Giống như khi bé biết được ăn rau rất tốt cho cơ thể, con sẽ thích và ăn rau nhiều hơn. Giấc ngủ cũng hoàn toàn như vậy. Trong rất nhiều nghiên cứu được tiến hành với các học sinh ở nhiều lứa tuổi, kết quả cho thấy phần lớn các bé đó đều ngủ sớm và ngon giấc hơn, sau khi biết được điều đó quan trọng như thế nào. Rất nhiều bố mẹ cũng vui mừng cho biết, ngủ đủ giấc khiến con họ giảm tình trạng “gà gật” vào ban ngày. Chúng cũng vui vẻ, hoạt bát hơn nhưng không còn quá hiếu động, bốc đồng hay cáu gắt, khó chịu nữa".
- Luôn đề cao tầm quan trọng của giấc ngủ:
"Mỗi tối khi chuẩn bị đến giờ ngủ, vợ chồng tôi thường tỏ ra vội vã với các con: "Thôi chết, bố mẹ đã sắp muộn giờ ngủ mất rồi. Bố mẹ sẽ phải ngủ ngay bây giờ thôi, còn khi nào các con mới bắt đầu ngủ thế?" Hỏi như vậy để các con thấy rằng, giấc ngủ là thứ gì đó rất quan trọng. Và nếu không ngủ ngay, chúng sẽ bỏ lỡ một điều vô cùng đáng tiếc. Thế là, ngay sau đó cả mấy đứa đều nháo nhào: "Bọn con cũng sắp muộn mất rồi!" và lập tức leo lên chiếc giường ấm áp của mình, nhắm mắt và... ngủ tít ngay sau đó" - Suzane cười nói: "Làm cách này đôi khi giống như bố mẹ "đánh lừa" bọn trẻ vậy. Nhưng điều đó sẽ tốt hơn cho các con nhiều".
"Cậu út" đáng yêu
Suzane còn kể thêm: "Mỗi lúc chơi cùng nhau, mình thường hỏi các con: "Trò này có vui không, có thú vị không,..." Hiển nhiên là các con sẽ trả lời: "Có!!!!" Thế là mình lại tiếp tục: "Vậy mai các con muốn chơi tiếp chứ, hay là chúng ta thử trò khác nhỉ?" Lúc này, dù bọn trẻ có trả lời như thế nào đi nữa, mình cũng đều nói: "Vậy tối nay hãy ngủ sớm một chút nhé, nếu không các con sẽ không đủ sức để chơi vui thế này đâu!" Hiển nhiên, từ đó, trong đầu con lúc nào cũng có ý niệm về sự cần thiết phải ngủ sớm. Kết quả là đến tối mình cũng chẳng phải nhắc câu nào luôn.
- Trò chuyện với con thật nhiều:
Bé chỉ ngủ tốt khi đầu óc con hoàn toàn thoải mái thôi. Vì vậy, mẹ chăm chỉ trò chuyện, lắng nghe con để bé "giải tỏa" hết những bức xúc, những ấm ức trong lòng là cách rất hiệu quả để bé có giấc ngủ sâu, "thẳng" giấc về đêm. Cũng nên hạn chế quát mắng, cáu gắt với con để bé không bị căng thẳng, dẫn đến giấc ngủ chập chờn. Theo Suzane, chỉ cần mẹ cố gắng bình tĩnh, kiềm chế một chút thì sẽ bớt được bực bội với các con, cho dù chúng có gây phiền phức thế nào đi nữa.
Nhờ những "bí kíp" như trên mà các con của Suzane lúc nào cũng hoạt bát, khỏe mạnh và vui vẻ do được ngủ đủ giấc. Nhờ vậy, các bé có hứng thú hơn với chuyện học hành, vui chơi cũng như tất cả các động khác. Thật đáng để tham khảo phải không các mẹ?