Một độc giả tâm sự: "Con trai em hiện nay đã hơn 2 tuổi và em mới cho đi mẫu giáo. Từ lúc sinh ra đến giờ bé phát triển tốt, nghịch ngợm, ăn uống, ngủ bình thường và gần như chưa từng ốm nặng hay sốt cao bao giờ. Không hiểu sao bé thường hay đi tiểu rất nhiều lần trong ngày và đêm. Ban ngày thì cứ chừng 10-15 phút lại đòi 'hái hoa' một lần còn đêm cháu đi tiểu tới 3-4 lần, mỗi lần khá nhiều nước.
Chập tối cháu ăn cháo và gần lúc đi ngủ (khoảng 21h hoặc hơn) thì uống sữa. Các mẹ ơi, có mẹ nào từng rơi vào trường hợp giống em hoặc có cách chữa trị nào hay mách em với. Con trai em bị thế liệu có phải là dấu hiệu bệnh gì không? Hay là bé chỉ bị yếu thận thôi ạ?"
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Hoàng Thị Diễm Thúy (Trưởng khoa Thận – Tiết Niệu, Bệnh viện Nhi đồng 2) cho biết: “Với trẻ 2 tuổi mà đi tiểu 15-20 phút/lần lần là quá nhiều. Ở độ tuổi đó trẻ chỉ đi khoảng 2 tiếng/lần tức mỗi ngày khoảng 10 lần. Việc đi tiểu 15-20 phút/lần là dấu hiệu cho thấy sự bất thường ở đường tiết niệu của trẻ”.
Theo bác sĩ Thúy, việc cần làm là phụ huynh đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám kỹ lưỡng. Tuy nhiên, với dấu hiệu đi tiểu nhiều như vậy đã cho thấy sự bất thường ở đường tiết niệu của trẻ.
“Việc trẻ đi tiểu nhiều như vậy, tạm thời dự đoán có thể đơn giản là bị nhiễm trùng đường tiểu. Những bất thường đường tiểu đã kích thích trẻ đi tiểu nhiều. Vì vậy, cần thăm khám bác sĩ chuyên khoa”, bác sĩ Thúy nhấn mạnh.
Theo bác sĩ Hoàng Thị Diễm Thúy, trẻ đi tiểu quá nhiều là dấu hiệu bất bình thường. (Ảnh minh họa).
Ngoài triệu chứng đi tiểu nhiều cần đi khám, phụ huynh cũng nên quan sát thêm một số triệu chứng đi kèm để nhận diện như sốt, quấy khóc, tiểu đau, nước tiểu đục hay có máu không.
Ngay từ những năm tháng đầu đời của trẻ, phụ huynh cần chú ý vệ sinh bộ phận sinh dục cho trẻ. Bác sĩ Diễm Thúy khuyên: “Khi tắm cho trẻ, phụ huynh vệ sinh bộ phận sinh dục ngoài. Không nên quấn tã, đóng bỉm suốt cả ngày mà cứ 3-4 tiếng cần vệ sinh, thay cho trẻ. Sau khi trẻ đi tiểu, lý tưởng nhất vẫn là rửa bộ phận sinh dục và lau khô rồi mới đóng bỉm hay quấn tã cho trẻ”.
Theo khuyến cáo của các bác sĩ tiết niệu khác, về thói quen ăn uống, nhiều phụ huynh bồi dưỡng bằng cách cho con ăn chất đạm quá nhiều nhưng thận của bé dưới 6 tháng tuổi không lọc được hết chất đạm. Lượng chất đạm đưa vào cơ thể cần phù hợp với lứa tuổi. Ngoài ra, không nên cho trẻ ăn quá mặn ảnh hưởng đến thận. Thêm nữa, cần cho trẻ uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ, vì có những loại thuốc gây hại cho thận.
Dấu hiệu của các bệnh liên quan đến thận khi rõ ràng là đã vào giai đoạn muộn. Còn dấu hiệu sớm có chăng chỉ là chậm tăng cân, xanh xao, nôn ói… nhưng nhiều phụ huynh thường bỏ qua những dấu hiệu sớm này và thường đưa đến các chuyên khoa khác để thăm khám, chứ không nghĩ đó là bệnh liên quan đến thận.