Dưới đây là những gợi ý từ Parents về các hoạt động bố mẹ có thể chơi cùng con trong năm đầu đời, giúp bé phát triển trí tuệ và khả năng vận động:
Nó đâu rồi?
Lấy một quả bỏng vải hoặc bóng mềm đưa cho bé xem rồi giấu nó trong một chiếc hộp có nắp đậy. Hỏi bé "bóng đi đâu rồi?" và khuyến khích trẻ mở hộp xem rồi lấy quả bóng ra ngoài. Đây chắc chắn là trò chơi thu hút được sự chú ý của trẻ và giúp bé học được rằng: một vật vẫn tồn tại ngay cả khi bé không nhìn thấy nó.
Xây tháp
Bát nhựa, vỏ hộp sữa chua, hộp nhựa đựng thực phẩm... đều có thể trở thành vật liệu xây dựng hoàn hảo cho tòa tháp bấp bênh của bé. Khi bạn xếp chồng mỗi đồ vật, hãy miêu tả hình dáng và kích cỡ của nó. Khi tòa tháp hoàn thành, bạn và bé có thể lần lượt gỡ các tầng xuống. Hoạt động này sẽ dạy trẻ về về hình dạng và kích thước cũng như nguyên nhân và hệ quả (chẳng hạn, khi mẹ xô chiếc hộp này nó sẽ đổ ngay và kêu rất to).
Ảnh minh họa: Wallpaperswala. |
Nghe - tìm
Một cách khác để giúp bé hiểu khái niệm về sự bền vững là giấu một đồ chơi có âm thanh (như vịt chip chip hay xúc xắc...) xuống dưới chăn hay một chiếc khăn. Bắt đầu trò chơi bằng cách giấu một phần đồ chơi rồi làm cho món đồ phát âm thanh, khuyến khích bé tìm nó. Lần sau, giấu hoàn toàn đồ chơi và lại cho nó tạo âm thanh. Cổ vũ để bé tìm.
Mẹ ngủ đây
Ngồi gần bé (bé có thể nằm hoặc ngồi, tùy theo số tháng), nói với con "Mẹ ngủ đây" và bạn nhắm mắt lại. Sau vài giây, bạn mở mắt ra và hào hứng nói "Chào con" hay "Chào buổi sáng" (bạn cũng có thể nói "Chào buổi chiều" hay "Chào buổi tối" tùy thời gian bạn chơi với con). Nhìn thấy mắt mẹ mở ra và nghe tiếng chào vui vẻ sẽ khiến bé bật cười.
Sau khi chơi trò này vài lần, thử dừng lại lâu hơn trước khi mở mắt và theo dõi phản ứng của bé. Các bé 6 tháng tuổi trở lên có thể sẽ ê a hoặc lấy tay xòa vào mặt bạn để "gọi mẹ dậy".
Đẩy qua đẩy lại
Đặt bé ngồi trên sàn nhà gần bạn và đẩy chiếc ô tô đồ chơi về phía con. Khuyến khích bé đẩy lại về phía bạn. Cố gắng để bé lặp lại hoạt động này một cách hứng thú. Trò chơi đẩy qua đẩy lại dạy bé khái niệm về sự lần lượt - điều sẽ rất cần thiết sau này khi trẻ bắt đầu học đối thoại và đặt nền móng cho tính biết chia sẻ.
Sờ và cảm nhận
Đưa cho bé 10-12 tháng tuổi nhiều đồ vật có chất liệu khác nhau để khám phá cảm giác khác biệt. Bạn có thể thu thập các vật trong nhà hay bên ngoài như chiếc khăn lụa, một mảnh bìa cứng, một cọng cỏ hay một nắm cát... và để bé chạm vào mỗi thứ một lần. (Bạn phải giám sát kỹ để đảm bảo bé không cho những thứ này vào miệng). Bé sẽ ngạc nhiên khi phát hiện sự khác biệt khi chạm vào mỗi thứ và bạn hãy quan sát xem phản ứng của con: Bé thích sự mềm mại của chiếc khăn lụa hay cảm giác trơn tuột qua tay của những hạt cát?
Sưu tập theo màu sắc
Đây là bài học đầu tiên dạy bé phân biệt màu sắc. Bắt đầu với việc thu dọn đồ chơi của con và những vật an toàn với trẻ trong nhà có các khối màu như như đỏ, xanh, vàng. Trong lúc ngồi cùng con trên sàn, bạn hãy thu gom các vật vào theo nhóm dựa trên màu sắc của chúng. Chẳng hạn, bạn có thể nhặt quả bóng đỏ, chiếc vòng đỏ và cái trống đỏ. Để bé thu thập các vật khi bạn nói màu sắc và tên mỗi loại, ví dụ như: quả táo đỏ, cái trống đỏ, quả bóng xanh, viên xếp hình xanh.
Vương Linh