Có lẽ mẹ không bao giờ quên được cái cảm giác thất vọng tràn trề khi nghe bác sĩ thông báo: con gái! Mẹ nằm lặng đi, nghĩ đến khuôn mặt thất vọng của ba, nụ cười mỉa mai của bà nội…
Mẹ yêu cầu bác sĩ xem lại cho kỹ và cố gắng thanh minh: Mọi dấu hiệu đều cho thấy là con trai. Bác sĩ vẫn khẳng định: Con gái, không có lầm đâu! Mẹ nặng nề đứng dậy, mọi niềm vui đón chờ con vụt tắt.
Mẹ đã mong chờ, đã hy vọng, chạy mọi bác sĩ, tìm hiểu mọi cách canh ngày rụng trứng, cách ăn uống… để có được con trai. Mẹ đã có con gái – chị Sơri của con là quá đủ rồi. Giờ mẹ chỉ mong một đứa con trai. Đó cũng là mong mỏi của gia đình bên nội và của chính ba con. Mẹ đã hứa với ba như đinh đóng cột: anh yên tâm, em sẽ sinh cho anh một đứa con trai khỏe mạnh. Thế mà… Mẹ có cảm giác như bị con phản bội. Ba và ông bà nội nhìn mẹ như tội đồ. Ngày mẹ đưa con từ bệnh viện về nhà, ba bỏ đi nhậu đến khuya. Khi về, ba không bước chân vào phòng nhìn con lấy một cái.
Mẹ không bao giờ quên cảm giác thất vọng khi nghe bác sĩ thông báo: con gái! (Ảnh minh họa).
Con lớn lên lủi thủi, không được hưởng những yêu chiều, chăm sóc như chị Sơ ri. Con mặc váy áo cũ của chị, chơi đồ chơi cũ của chị và cũng chỉ nhận được những yêu thương, chăm chút… thừa ra của chị. Ba năm sau ngày con ra đời, ba mẹ chính thức ly hôn. Ba theo người phụ nữ đã có thể sinh cho ba một đứa con trai. Một nách hai con, với số tiền trợ cấp ít ỏi của ba và công việc không ổn định của mẹ, mẹ không đủ sức lo cho cả hai con gái một lúc. Chị vẫn được ưu tiên hơn con. Nhưng, tệ hơn cả điều đó, mẹ nhận ra mẹ không thể toàn tâm toàn ý yêu con, vì một lý do mà mẹ không dám thừa nhận: mẹ đã coi con như vận xui rủi của cuộc đời mình.
Vậy mà, con lớn lên không chỉ xinh đẹp hơn chị, mà còn dịu dàng, nhẫn nại, hy sinh đến mức khó tin. Còn bé, con đã biết nhường nhịn chị: ai cho cái gì đẹp, cái gì ngon, con luôn để chị chọn trước, phần còn lại xấu xí thừa thãi là của con. Con tập bắc nồi cơm, nhặt bó rau khi còn đứng chưa vượt qua mặt bếp. Nghe mẹ sai bảo, con luôn là người đứng dậy đầu tiên, nhận hết mọi việc về mình: để chị học, để chị đọc sách, để chị ngủ… Đó luôn là câu cửa miệng của con, con nhận hết mọi việc về mình không hề so bì, không hề tị nạnh.
Càng lớn, con càng như một thiên thần hộ mệnh của mẹ và chị. Con hồn nhiên ca hát, hồn nhiên yêu thương chăm sóc mẹ và chị. Những khi mẹ đau đầu, chị cảm sốt con luôn là người đầu tiên sờ bàn tay nhỏ xíu mát rượi lên trán mẹ, pha ly nước chanh cho chị. Con nằm khoanh dưới chân mẹ ngủ, nép vào một góc giường cho chị quẫy đạp trong giấc mơ. Những bông hoa giấy, những viên kẹo nhỏ con mang về từ trường luôn là quà của con đặt lên gối cho mẹ và chị mà có lúc mẹ và chị thờ ơ, gạt nó qua một bên.
Hôm nay con sốt rồi. Con sốt một mình trong đêm không gọi ai. Mẹ thức dậy buổi sáng thấy vắng những chăm sóc con thường dành cho mẹ đầu ngày. Chị lo lắng gọi mẹ: Cà rốt nóng quá mẹ à. Mẹ nhìn con: hai môi đỏ tươi vì bịnh, hai bàn tay như có lửa. Con nhỏ nhẹ: sáng nay con tính làm opla cho mẹ ăn đi làm mà không dậy nổi.
Bác sĩ bảo con sốt xuất huyết, chậm chút nữa là không cứu được con. Mẹ và chị bàng hoàng. Con đã âm ỉ sốt cả ngày mà không kêu ca, không nằm nghỉ. Nhìn con trong phòng cấp cứu, mẹ hiểu mẹ vừa suýt nữa mất đi một thiên thần. Cà rốt của mẹ, mẹ xin lỗi con. Hình như… với riêng con, mẹ đã không xứng là mẹ. Mẹ xin lỗi.